Tất cả những binh nhì ngày ấy sau vài tháng tập luyện đã có mặt tại mặt trận Quảng Trị năm 1972. Bất chấp so sánh lực lượng kém xa so với quân đội Mỹ tại chiến trường, những người lính SV khi đó vừa chiến đấu để bảo vệ Quảng Trị, con đường tiếp nối Bắc Nam, vừa cất cao ca hát.
Theo nhạc sỹ Thụy Kha, một “binh nhì” thủa ấy chia sẻ trong đêm giao lưu nghệ thuật “Quảng Trị – Thủa binh nhì” tại TTNT Âu Cơ (HN): “Dù đói, nghèo nhưng trong trái tim SV chúng tôi khi đó, khát vọng độc lập vô cùng to lớn.
Lúc còn ngồi trên ghế giảng đường, chúng tôi cố gắng học tập hết mình và khi ra đến mặt trận, những binh nhì cũng dũng cảm, quyết chiến đến cùng vì mục tiêu, khát vọng của cả dân tộc”.
Từ Quảng Trị, nơi “khúc tráng ca thành cổ”, cho đến chiến thắng 30/4/1975 tại Sài Gòn, không ít những người lính SV đã ngã xuống để làm nên một thế hệ lính binh nhì “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà như người đồng đội cũ của nhạc sỹ Thụy Kha, “binh nhì” Văn Bằng tâm sự:
“Tôi được ngồi đây là một may mắn lớn. Có lẽ đồng đội đã nhường cho tôi cuộc sống để tôi được trở về và giờ đây là tri ân những người đồng đội đã hy sinh. Thậm chí bạn bè tôi, có những người không còn hình hài và bây giờ, gia đình nhận lại chỉ là nắm đất để thờ cúng…”.
40 năm đã qua, thế hệ binh nhì thủa đó, người còn người mất, nhưng ký ức và cả khoảnh khắc của những năm 70 thế kỷ trước như khắc ghi trong tâm trí những khán giả theo dõi chương trình.
Đây còn là lãng hoa ký ức đẹp đẽ và hào hùng của những người lính binh nhì thế hệ trước gửi tặng hôm nay.