Nhiều người vẫn nghĩ đứng sau thành công của một hãng thời trang công sở nữ sẽ là một nhà sáng lập nữ giới đầy quyết đoán, sáng tạo nhưng Loza thì khác. Bởi người quyết định “sống còn” cho sự đi lên cho thương hiệu thời trang “non trẻ” này lại là một người nam giới chưa từng được học hay trải nghiệm bất cứ bằng cấp nào về thời trang, nhưng anh vẫn thành công và ngày càng giúp Loza khẳng định “đơn giản là đẹp”. Đó là anh Nguyễn Trọng – Giám đốc Công ty TNHH Loza Việt Nam.
Khởi nghiệp
Ngay từ khi chỉ là anh chàng sinh viên ngành quản lý giáo dục, Trọng đã sớm bị cuốn hút bởi những kiến thức chuyên sâu về CNTT, đã tự xây dựng, phát triển website cộng đồng và blog để kiếm doanh thu từ quảng cáo Google Adsense
Từ việc hiểu các xu hướng, thị hiếu theo dữ liệu từ khoá, anh suy luận theo thực tế về nhu cầu khách hàng theo thời gian thực tiễn, dần có thêm những kiến thức quý giá về thương mại điện tử do bản thân tự tổng hợp và chắt lọc.
Cơ hội
Năm 2013, Trọng bắt đầu tìm hiểu kinh doanh quần áo thời trang với số vốn chưa tới 20 triệu đồng, không cửa hàng, chỉ bán hàng online trên website tự lập, chọn lọc nhập những sản phẩm phù hợp nhất cộng với lợi thế khá am hiểu về thương mại điện tử nên việc bán hàng online khá thành công.
Loza được “khai sinh” từ đó.
Trọng chia sẻ “Loza là một từ không có nghĩa, nhưng đúng như mặt hình thức của nó thật dễ nhớ, thật đơn giản, nên tôi đã quyết định làm cho nó có nghĩa bằng sản phẩm và dịch vụ của mình với phương châm “đơn giản là đẹp” đó cũng là câu slogan của Loza hiện nay”.
Phát triển
Tới 2014, Loza có một cửa hàng khang trang trên đường Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội. Lúc này, Loza đã thiết kế mẫu sản phẩm riêng bằng việc cộng tác với những nhân sự thiết kế nhiều kinh nghiệm từng làm việc tại các thương hiệu thời trang đã có tên tuổi để cho ra những sản phẩm thiết kế với chi phí tối ưu. Với hàng hoá đa dạng, chất lượng và mức giá dễ mua, Loza tranh thủ kênh bán hàng online song song với cửa hàng để sản phẩm đến được với khách hàng trên khắp mọi miền đất nước.
Đầu 2016, sau ba năm trải nghề và bỏ nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, việc thành lập Công ty TNHH Loza Việt Nam đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu. Công ty cũng đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất đầu tiên với khoảng 100 công nhân lành nghề và quản lý sản xuất giàu kinh nghiệm.
Tới nửa đầu năm 2019, bên cạnh kênh thương mại điện tử, Loza đã có các showroom tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và hơn 30 đại lý độc quyền trên cả nước.
Bên cạnh thế mạnh chủ lực là bán lẻ, Loza còn cung cấp đồng phục công sở thiết kế cho nhiều trường học, cơ quan, doanh nghiệp.
Thành công của hiện tại
Hiện nay, Loza không dừng lại ở sản phẩm phân khúc thời trang công sở nữ 30-45 tuổi mà ngày càng mở rộng phân khúc khách hàng tương ứng với những phân dòng sản phẩm đa dạng khác nhau. Tâm huyết của anh vẫn kiên định phong cách “đơn giản là đẹp” hướng tới những phong cách mang tính ứng dụng cao phù hợp với nhiều độ tuổi, nhiều gu thẩm mỹ theo từng thị trường (thành phố/nông thôn) thay vì các thiết kế theo hướng đột phá hay độc đáo.
Bên cạnh đó, Trọng đẩy mạnh phát triển bán hàng đa kênh với trọng tâm là sự kết hợp giữa bán hàng online và chuỗi cửa hàng và đại lý độc quyền trên toàn quốc. Khách hàng tiềm năng sẽ được tiếp cận thường xuyên các mẫu sản phẩm mới của Loza thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, website. Sau đó khách hàng có thể ra trực tiếp showroom gần nhất để thử và mua hàng. Với những khách hàng có nhu cầu mua hàng online thì hàng sẽ được chuyển ngay từ cửa hàng đại lý Loza gần nhất tới khách. Việc này giúp rút ngắn đáng kể thời gian giao hàng, tiết kiệm chi phí giao hàng, và việc đổi hàng của khách nếu có khá thuận lợi. Đồng thời cũng tạo ra cơ hội kinh doanh với các đại lý độc quyền hoặc nhà phân phối có nhiều điểm bán hàng.
Để đúc kết cho hành trình 6 năm đầy thử thách và đột phá của thương hiệu thời trang công sở Loza, Trọng chia sẻ “Kinh doanh thời trang, bạn luôn phải nhìn thấy “chân dung khách hàng” để tạo được ra những sản phẩm phù hợp từ đó định hướng sản phẩm của mình nhắm đúng khách hàng mục tiêu, cũng chính là tạo điểm nhấn cho thương hiệu. Đa dạng sản phẩm không có nghĩa là loại sản phẩm nào thấy hay, thấy thị trường bán chạy cũng làm mà không dựa trên “chân dung khách hàng” của mình”.