Hành trình 61 năm của những “triệu phú” trên nông trường Mộc Châu

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 06/04/2019
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ngành chăn nuôi nhiều năm trở lại đây duy trì tăng trưởng ở mức cao, tốc độ đạt 5 – 6%/năm. Trong đó, ngành chăn nuôi bò sữa gặp nhiều thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Từ 15 lít sữa/năm vào năm 2010, người Việt nay tiêu thụ sữa lên đến 26 lít sữa/năm.

Tuy nhiên, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước hiện không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018 cho thấy, Việt Nam vẫn đang phải nhập 963 triệu USD sữa và chế phẩm sữa từ nước ngoài.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sữa tươi ngày càng gia tăng, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đặt mục tiêu chiến lược là tăng sản lượng sữa và phát triển ngành chăn nuôi từ nhiều năm nay. Từ đàn bò 1.200 con năm 1988, doanh nghiệp nay đã tăng quy mô lên hơn 20 lần (hơn 25.000 con), cung cấp hơn 100.000 tấn sữa tươi mỗi năm ra thị trường.

61 năm triển khai mô hình khoán hộ chăn nuôi, trao bò cho dân

Chăn nuôi bò sữa vốn là nghề cha truyền con nối ở cao nguyên Mộc Châu, song thời kỳ chăn nuôi tập trung bao cấp từng đối mặt với nguy cơ mai một. Nông dân thiếu động lực làm giàu, còn nông trường nuôi bò gặp khó, sữa đổ đi không có người mua.

Trước bài toán giữ nghề, Mộc Châu Milk quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững, gắn bó chặt chẽ với người nông dân. Năm 1988, doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi từ chăn nuôi tập thể sang mô hình khoán hộ chăn nuôi, chia bò cho dân.

Nói về thâm niên nuôi bò sữa, không nơi đâu có kinh nghiệm lâu năm như nông dân Mộc Châu. Tôi hiểu rằng, để tạo động lực sản xuất, người chăn nuôi cũng cần có sở hữu của riêng họ. Chúng tôi quyết định đổi hướng, chia nhỏ đàn bò cho các hộ dân”, ông Trần Công Chiến – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết.

Mộc Châu Milk lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững với mô hình liên kết 4 nhà bền chặt

Cùng với chính sách khoán hộ, năm 2004, doanh nghiệp tiên phong mở Quỹ bảo hiểm vật nuôi và Quỹ bảo hiểm giá sữa cho 100% hộ nuôi bò sữa. Theo đó, cứ một con bò sữa nông dân đóng 600.000 đồng, khi bò chết hoặc thải loại nông dân sẽ được hỗ trợ 4 – 5 triệu đồng để mua bê con. Với quỹ bảo hiểm giá sữa, công ty sẽ hỗ trợ người nông dân ngay khi có biến động lớn về giá trên thị trường. Nhờ những chính sách bảo đảm được lòng dân, mô hình mới của Mộc Châu Milk thu hút gần 600 hộ chăn nuôi tham gia. Sau 30 năm đầu tư tăng đàn, đến nay mỗi hộ bình quân nuôi hơn 40 con bò sữa, không ít hộ có quy mô 80 – 200 con. Tổng quy mô đàn bò trên nông trường nghìn ha nay đạt trên 25.000 con, trở thành một trong những vùng chăn nuôi bò sữa lớn nhất phía Bắc.

Mô hình nông hộ bền vững “4 nhà” mở rộng đầu ra cho sữa

Cùng với bước chuyển đổi lịch sử, Mộc Châu Milk cũng triển khai đồng thời mô hình nông hộ bền vững với liên kết 4 nhà: Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông – Nhà khoa học nhằm mở rộng đầu ra cho sữa.

Trong khi Nhà nước cho ưu đãi về chính sách và tích cực khuyến nông, Mộc Châu Milk chủ trương xắn tay làm cùng nông dân, cải tạo đàn bò giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, mời các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng các quy trình chăn nuôi chăm sóc bò sữa hiệu quả nhất cho từng nông hộ.

Để nâng cao năng suất và chất lượng sữa loại 1 (hàm lượng protein từ 3%, mỡ sữa từ 3,4% trở lên…), 600 nông hộ đều sử dụng bò giống cao sản do Mộc Châu Milk nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand, tuân thủ yêu cầu chuồng trại và quy trình chăn nuôi theo quy chuẩn VietGAP, kiểm soát dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng… dưới sự hỗ trợ chặt chẽ của doanh nghiệp.

Ngoài các loại cỏ tươi có hàm lượng dinh dưỡng cao, bò còn được bổ sung thêm thức ăn ủ chua, cỏ Alfafa Mỹ và các loại thức ăn phối trộn TMR được sản xuất bởi nhà máy hiện đại chuẩn quốc tế, do Mộc Châu Milk nhập khẩu từ Hàn Quốc và đầu tư xây dựng với số vốn trên 1 triệu USD. So với thức ăn tinh hỗn hợp thiếu chất xơ, premix thiếu chất tinh và chất thô… thức ăn TMR được phối trộn theo khẩu phần đầy đủ và cân đối dinh dưỡng nhất đối với từng nhóm bò.

Doanh nghiệp cũng cử các chuyên gia đầu ngành xuống hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo 73 tiêu chí VietGAP. Các chuồng trại được khử mùi, thiết kế rãnh thoát chất thải, xử lý chất thải tự động bằng máy móc, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hộ đều có sổ ghi chép lượng thức ăn cho bò, theo dõi chỉ số sức khỏe và chất lượng sữa hàng ngày, phả hệ nhân giống… Hiện, 600 nông hộ liên kết với Mộc Châu Milk đều được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và áp dụng cơ giới hóa 100%.

Mộc Châu Milk 15 năm phát động cuộc thi Hoa hậu Bò sữa, nêu gương nông dân giỏi

Với những nỗ lực và cải tiến liên tục cả về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn dinh dưỡng, đến nay sản lượng trung bình đàn bò sữa bò Mộc Châu đã đạt tới 25,22 lít sữa/bò/ngày, với nhóm bò cao sản thậm chí đạt tới trên 40 lít/con/ngày. Ít ai biết rằng, năm 1958, đàn bò lai Sind của nông trường chỉ cho sản lượng sữa trung bình 4-5 lít/con/ngày.

Để đảm bảo nguồn sữa nguyên liệu giữ trọn sự tươi ngon, doanh nghiệp cũng đặt 15 điểm thu mua sữa tươi cách các nông hộ không quá 2km. Sữa tươi vắt ra trong vòng 30 phút sẽ được đem đến các điểm thu mua và chứa trong các bình chuyên dụng 4 độ C, trước khi đem đến nhà máy chế biến hiện đại công suất 100.000 hộp/giờ của Tetrapak (Thụy Điển).

Mô hình nông hộ bền vững đã góp phần “thay da đổi thịt” cho Mộc Châu những năm gần đây. Nhiều gia đình giàu lên nhờ nuôi bò, nhà tầng mọc san sát, không ít gia đình có xe hơi phục vụ đi lại và vận chuyển sữa. Nói như ông Trần Công Chiến, thì cả 600 nông hộ nuôi bò sữa cho Mộc Châu Milk nay đều là những triệu phú, tỷ phú vùng cao. Không những thế, những hộ nông dân này còn tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động khác trong vùng với việc liên kết tạo vùng nguyên liệu để phát triển đàn bò.

Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết thêm: “Để mở rộng đầu ra và tạo thêm giá trị gia tăng cho nông dân, chúng tôi đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu nhiều sản phẩm mới hợp thị hiếu người dùng. Ngoài sữa thanh trùng và tiệt trùng 100% tự nhiên, công ty hiện cung cấp ra thị trường hơn 40 loại sản phẩm khác nhau được người tiêu dùng rất ưa chuộng”.

Exit mobile version