Hàng ngàn người dự Lễ khai Hội Đền Vạn – Cửa Rào

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 13/02/2012
Lần cập nhập cuối: 09/02/2021
Đây là một Lễ hội văn hoá truyền thống được tổ chức tại Di tích lịch sử văn hoá Đền Vạn – Cửa Rào thuộc xã Xá Lượng, huyện miền núi cao Tương Dương (Nghệ An). Nơi đây được thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (SN 1280) và các tướng sỹ thời Trần đầu thế kỷ XIV phụng mệnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông dẹp giặc Ai Lao quấy nhiễu bờ cõi Tây Nam, đã tử trận tại đây.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày từ 11-12/2/2012 (20 và 21 tháng Giêng Nhâm Thìn) với sự tham gia của đồng bào các dân tộc đến từ 18 đơn vị xã thị trấn trong huyện cùng với đông đảo du khách trong và ngoài huyện với những nghi lễ mang tính tâm linh và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống sôi nổi nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử như: Lễ yết cáo, Lễ Đại tế tại đền, thi ẩm thực, giao lưu văn nghệ, thi bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn, thi viết chữ Thái hệ Lai Pao, thi Người đẹp Đền Vạn – Cửa Rào.

Đặc biệt, nhằm từng bước nâng cao lễ hội thành điểm đến mang tầm vùng miền khu vực miền núi Tây nam xứ Nghệ, Ban tổ chức Lễ hội chính thức tổ chức Đêm hội hoa đăng ngay trên dòng Nậm Mộ dưới chân rú Đền – nơi có ngôi đền thiêng Đền Vạn – Cửa Rào – vào đêm kết thúc Lễ hội…

Đền Vạn là là một công trình kiến trúc được nhân dân xây dựng lên để thờ các vị thần có công với dân với nước. Bên cạnh đó, Vạn cũng là vùng đất ghi dấu chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ bờ cõi của dân tộc.

Trong các triều đại phong kiến, khu vực đền Vạn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt, nơi đây được xem là địa bàn xung yếu với vị trí đắc địa là ngã ba sông. Nên ở đây giai đoạn nào cũng là địa điểm chiến lược và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi giai đoạn lịch sử: Thời Lý với chiến công của Lý Nhật Quang mở ra con đường lên sát biên giới Việt Lào (tiền thân của con đường quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới.

Bước sang thời Trần, để bảo vệ bờ cõi nước Nam, Đoàn Nhữ Hài – một tướng giỏi của nhà Trần thân chinh đi đánh giặc Ai Lao (giặc Xá) đã hy sinh tại đây. Đến thời Lê, Tương Dương nói chung và Cửa Rào nói riêng là nơi giao chiến cũng như là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ vùng thượng đạo, trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực Cửa Rào và Đền trở thành nơi trú ẩn của nhân dân và bộ đội địa phương, bên cạnh đó Đền cũng là nơi cất giấu vũ khí, lương thực góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc.

Qua các đợt khai quật tại di tích Cửa Rào năm 1985 và năm 1990. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật như: Rìu đồng, giao găm, chuông đồng, vòng trang sức thuỷ tinh, chì lưới bằng đất nung… Điều đó đã chứng minh ở đây từng là nơi mà người xưa sinh sống, giúp cho các nhà khảo cổ học có điều kiện nghiên cứu về một giai đoạn phát triển của người Việt cổ. Bên cạnh đó qua các tầng văn hoá và hiện vật còn lại khẳng định thêm nguồn gốc cũng như tính chất văn hoá lâu đời của mảnh đất Tương Dương xưa, đồng thời tăng thêm niềm tự hào về quê hương đất nước.

Đền Vạn không chỉ là nơi gặp gỡ tăng thêm sự cố kết cộng đồng, cũng như để tỏ lòng biết ơn tới các vị thần có công với đất nước thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương và cũng là nơi diễn ra các hoạt động nghi lễ thờ cúng, lễ hội…

Đền Vạn là một di tích đẹp lại toạ lạc trên một địa thế hùng vĩ. Đền nằm trên một ngọn đồi giữa hai dòng sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, phía trước là dòng sông Lam như dải lụa đào, xung quanh bao phủ là núi non trùng điệp tạo cho nơi đây trở thành một danh thắng đẹp có sự hài hoà giữa thiên tạo và nhân tạo. Với một bức tranh đầy sắc màu của núi rừng miền Tây xứ Nghệ với hình ảnh núi sông thơ mộng hoà quyện với bản tục tập quán mang tính bản địa của dân tộc anh em. Di tích lịch sử văn hoá – danh thắng Cửa Rào đã để lại biết bao ấn tượng cho từng du khách, mỗi khi đến đây vãn cảnh đền.
 
Dưới đây là những hình ảnh khai hội Đền Vạn – Cửa Rào năm 2012 do PV Dân trí ghi lại:
 
Lễ vật được sẵn sàng.
 

Mở đầu phần lễ là các tiết mục văn nghệ …
 

Điệu múa của những chàng trai cô gái Thái…
 

Đến xòe ô đầy quyến rũ…
 

Nhịp chày khắc luống.
 

Kết hợp cùng tiếng cồng chiêng.
 

Tạo nên một làn điệu rất riêng để người phụ nữ Thái biểu diễn…
 

Chính tiếng khắc luống kết hợp với cồng chiêng tạo nên bản nhạc để người phụ nữ Thái…
 

… tạo nên những bước chân nhảy sạp đầy khí thế cho buổi lễ…
 

… những điệu nhảy sạp vòng tròn …
 

… đến múa sạp khi đôi chân vẫn chuyển động khéo léo…
 

Ông Vi Tân Hợi – PCT UBND huyện Tương Dương đánh trống khai mạc Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào năm 2012
 

Sau màn khai Hội, đoàn rước bài vị của đấng anh linh đi đầu.
 

Tiếp đến là đoàn lễ vật của các bản làng… thể hiện lòng tri ân đến các bậc tiền bối.
 

Cồng chiêng của thiếu nữ Thái
 

Cũng như thiếu nữ Mông không thể thiếu trong lễ hội Đền Vạn.
 

Các em học sinh trên địa bàn toàn huyện rước cùng đoàn.
 

Những lễ vật dâng tiến vào đền.
 

 Kiệu được rước vào đền trong không khí trang nghiêm.
 

Những cô gái Thái chưa lấy chồng mới được rước kiệu.
 

Hàng ngàn người có mặt tại Đền Vạn.
 

Lãnh đạo tỉnh và các huyện về dâng hương.
 

Thầy chủ tế đọc những tâm tư nguyện vọng của người con Tương Dương dâng lên đấng anh linh để cầu bình an cho năm mới.
 

Bạn trẻ háo hức ngày lễ…
 

Các cụ bà, trẻ em cũng không kém phần. 
 

Sông nước Tương Dương mùa lễ Đền Vạn…
 

Hàng ngàn người đổ về cầu bình an cho năm mới tại Đền Vạn – Cửa Rào.
 
 
Nguyễn Duy
Exit mobile version