Dù trong sinh hoạt hàng ngày hay trong công việc còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng 10 gương sáng khiếm thị được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương lần này thực sự là những điển hình về nỗ lực vượt lên trên số phận và góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước.
Nếu như anh Tạ Đình Hán, người được mệnh danh “triệu phú khiếm thị trẻ” với mô hình dịch vụ xoa bóp, tẩm quất của người khiếm thị, giúp cho 20 lao động cùng hoàn cảnh có công ăn, việc làm ổn định và mức lương 2 triệu đồng/người/tháng thì anh Nguyễn Trung Thái lại âm thầm đóng góp sức mình để phổ biến kiến thức tin học cho những người bạn khiếm thị.
Ngoài ra, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ của một phó Chủ tịch Hội người mù ở quận đang sinh sống, anh Hoàng Văn Lý còn rất năng nổ trong vai trò cộng tác viên đài tiếng nói VN và một số tạp chí dành cho người khuyết tật.
Bên cạnh lễ tuyên dương 10 gương sáng khiếm thị, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Hội người mù thành phố tổ chức festival “Niềm tin và ánh sáng” với những hoạt động như tổ chức trại giới thiệu về Hội người mù thành phố, quận, huyện thị, triển lãm và bán các sản phẩm do hội viên Hội người mù sản xuất, tổ chức hội thi tìm hiểu luật bầu cử và nghị quyết của Đảng cũng như giao lưu với các tấm gương điển hình.
Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương, ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Uông Chu Lưu khẳng định: “Chính những người khuyết tật là chủ thể quan trọng làm cho xã hội có cách nhìn đúng về mình và chính các bạn sẽ là người chứng minh cho thế giới biết rằng mình có thể làm được gì”.
Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ sự sẻ chia với người dân Nhật Bản.
Có thể nói thành công của festival “Niềm tin và ánh sáng” lần thứ nhất đã gửi đến các bạn trẻ Thủ đô và nhân dân cả nước thông điệp: “Nếu biết tạo cơ hội học tập, việc làm, hôn nhân, tâm lý xã hội, không kỳ thị – phân biệt đối xử với người khuyết tật, chắc chắn người khuyết tật sẽ có nhiều đóng góp cho xã hội”.
L.T.T