Hà Nội: Dân nghèo được tặng xà phòng “5 sao”

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 20/08/2015
Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Những bánh xà phòng đã qua sử dụng được chất đầy trong những thùng catton chuyển đến từ một số khách sạn ở Hà Nội. Các tình nguyện viên đang thực hiện công đoạn tái chế xà phòng đã qua sử dụng thành một bánh xà phòng mới. Đầu tiên họ dùng bàn chải làm sạch các bánh xà phòng, sau đó cắt nhỏ. Tất cả các loại xà phòng của các khách sạn sẽ được trộn vào nhau và nhúng vào nước có dung dịch khử trùng nhằm làm mềm và làm sạch xà phòng một lần nữa. Để tạo sự phong phú về mùi thơm tự nhiên, họ cho thêm một ít cà phê Việt Nam hoặc chè Tân Cương hoặc nước xả vải… Sau cùng, họ cho hỗn hợp này vào một khuôn thép và dùng máy ép nén thủ công để tạo ra một bánh xà phòng mới.

Xà phòng tái chế từ các khách sạn lớn cung cấp miễn phí cho người nghèo tại Hà Nội

Tạo một bánh xà phòng mới bằng cách tận dụng từ những bánh xà phòng đã qua sử dụng chỉ trong vòng khoảng 5-10 phút (1 người làm cho tất cả công đoạn) đã hoàn toàn thuyết phục được đại diện các khách sạn, đơn vị cung cấp miễn phí các bánh xà phòng đã qua sử dụng mà khách không dùng hết. Ông Nguyên, lãnh đạo một khách sạn 5 sao tại Hà Nội cho hay, số xà phòng mà khách không sử dụng hết tại khách sạn khoảng 40kg/tháng, được tận dụng vào một số công đoạn giặt là, nhưng cũng không hết. Khách sạn thường tích vào thùng carton và không có cơ hội sử dụng lại, gây ra một sự lãng phí. Hơn thế, nếu số xà phòng này được thải ra ngoài môi trường không qua xử lý, có thể gây hậu quả nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường.

“Như vậy, mỗi tháng 40kg xà phòng/khách sạn đã qua sử dụng có thể tạo được 400 bánh xà phòng mới để tặng lại cho cộng đồng, nhất là những người lao động nghèo” – ông Nguyên nhẩm tính.

Anh Lê Văn Lờ, đang ngụ cư ở khu vực Phúc Tân đón nhận những bánh xà phòng tái chế bằng nụ cười vui mừng, xà phòng đối với người dân lao động ở đây vẫn là thứ hàng xa xỉ. Hằng ngày, cả nhà anh Lời phải lao động kiếm ăn từng bữa nên cũng bỏ qua khoảng chi phí mua xà phòng rửa tay. Lắm lúc, tay vừa dùng bốc vác hàng hóa nhưng ngay sau đó, chẳng rửa rày gì cả, cứ thể bốc thức ăn hoặc bánh mỳ.

“Cũng biết không an toàn, có người trong khu tôi ở bị tiêu chảy vì mất vệ sinh đó. Nhưng lấy đâu ra nước sạch với xà phòng mà rửa bây giờ”- anh Lời kể.

Vui vẻ không kém vì được phát xà phòng miễn phí,chị Lê Thị Mai (làm nghề bốc vác hoa quả tại chợ Long Biên) tâm sự: là chị em phụ nữ nhưng phải làm công việc nặng nhọc thì càng cần phải giữ vệ sinh cá nhân, nhưng do thu nhập thấp, không ổn định, việc lao động nghèo như chúng tôi bỏ tiền ra mua một bánh xà phòng thơm (có giá bằng gần 10 ổ bánh mỳ) thì quả là đắt đỏ.

“Lắm hôm, nhà hết xà phòng, chúng tôi giặt quần áo lao động bằng nước rồi phơi lên. Giờ được mọi người cung cấp xà phòng như thế này, chúng tôi có thể giữ gìn được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phòng tránh bệnh tật”- chị Mai nói.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì rửa tay bằng xà phòng là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất trong việc ngăn chặn các bệnh tiêu chảy và đường hô hấp. Tuy nhiên, trên thực tế người lao động di cư ở nhiều nơi như bãi giữa sông Hồng, Phúc Tân, Phúc Xá… chưa có thói quen sử dụng xà phòng để giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng tránh bệnh tật. Đặc biệt, trẻ em ít có cơ hội được tiếp cận với việc vệ sinh bằng xà phòng. Chỉ bằng động tác rửa tay sạch với xà phòng đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%.

Để người nghèo có thêm cơ hội tiếp cận với xà phòng diệt khuẩn miễn phí, tới đây, chương trình xà phòng cho tương lai này sẽ được mở rộng. Trung tâm Trung tâm Sáng kiến sức khỏe cộng đồng sẽ tổ chức tái chế và đóng gói những bánh xà phòng mới và thông báo rộng rãi tới cộng đồngđể phân phát miễn phí cho người dân.

Theo ban tổ chức, rất nhiều khách sạn ở Hà Nội hưởng ứng hoạt động đầy ý nghĩa này. Bác sĩ Phạm Vũ Thiên, Phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số cho biết: Tiềm năng về số lượng xà phòng mà các khách sạn tại Việt Nam thải ra khoảng 10 – 20 tấn/năm, đây sẽ là nguồn đầu vào bền vững cho việc duy trì những bánh xà phòng miễn phí cho người dân nghèo. Thêm nữa, chúng ta có thể hoàn toàn không phải lo lắng đến chất lượng loại xà phòng đã qua sử dụng trong các khách sạn lớn vì chúng đã được kiểm nghiệm về độ tẩy rửa, an toàn cho da.

Được biết, việc tái chế xà phòng cấp cho người dân nghèo đã được thực hiện tại 20 thành phố và 13 quốc gia với sự tham gia của 130 khách sạn trên thế giới.

Kiều Việt Thành

 

 

 

Exit mobile version