Gợi ý giúp “lột xác” nhà ở kiểu cũ với chi phí cực hợp lý

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 21/06/2019
Lần cập nhập cuối: 10/06/2020

Cải tạo tổ ấm cũ để trở thành một không gian đáng sống và hợp thời làm sao vừa tiết kiệm, vừa mang lại hiệu quả cao có lẽ là vấn đề luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là những hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà đã được xây dựng trên 10 năm, với kiểu thiết kế đã quá lạc hậu so với thời điểm hiện tại.

Nếu cảm thấy mình thuộc trường hợp nêu trên, thì công trình dưới đây sẽ là một gợi ý hết sức thiết thực cho cuộc “lột xác” trong tương lai sắp tới của gia đình bạn.

Ngôi nhà được đề cập thuộc về gia đình anh Nguyễn Thành Đạt (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Kiến trúc sư Nguyễn Đức Hùng là người lên ý tưởng và hoàn thiện thiết kế. Đặc biệt, vì gia chủ là một người có kinh nghiệm và sở thích trong lĩnh vực nội thất, nên “phiên bản mới” của ngôi nhà cũng mang đậm dấu ấn cá nhân.

Ngôi nhà nguyên bản có diện tích sàn 110 mét vuông với 2 tầng. Do đã được xây dựng từ lâu nên mang phong cách thiết kế đặc trưng của thời kỳ trước. Mong muốn của gia chủ là ngôi nhà sau cải tạo vừa mang dáng dấp của một tổ ấm hiện đại, vừa giữ lại những nét đặc trưng của kết cấu cũ, đồng thời cũng cần đề cao yếu tố tối ưu hóa chi phí.

Thêm vào đó, vì đây là nơi sinh sống của cả ba thế hệ với 5 thành viên, nên một yêu cầu khác đặt ra cho kiến trúc sư là ngôi nhà sau cải tạo phải phù hợp với tất cả các thành viên trong gia đình.

Nhằm giải quyết tất cả các yêu cầu nêu trên, kiến trúc sư Nguyễn Đức Hùng đã lựa chọn giải pháp tạo ra một không gian “hòa âm”, nơi xuất hiện đồng thời cả nét hoài cổ và sự tân thời.

Trước hết, để tối ưu hóa diện tích sử dụng, cũng như nới rộng không gian về mặt thị giác, bức tường ngăn cách giữa phòng khách và phòng bếp được đập bỏ và tạo ra một gian phòng sinh hoạt chung rộng lớn (kiểu thiết kế không gian mở được áp dụng rất phổ biến trong những ngôi nhà ở hiện đại).

Điểm thú vị là vị trí những kết cấu cũ được đập bỏ lại được kiến trúc sư khéo léo tận dụng thành chi tiết trang trí rất riêng cho ngôi nhà mới.

Những đồ đạc trong ngôi nhà cũ, vốn có nhiều kỷ niệm với gia đình cũng được giữ lại một cách triệt để, và đã được sắp đặt, kết hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ của những nét chấm phá xưa cũ trong một công trình đa phong cách, đồng thời giúp giải quyết phần nào bài toàn tối ưu hóa kinh phí. 

Bản giao hưởng “xưa – mới” được thể hiện xuyên suốt nhiều khu vực của ngôi nhà. Ngay tại phòng khách, chúng ta có thể nhận thấy sự kết hợp đầy thú vị giữa hai phong cách: ghế mây và sô pha.

Sự xuất hiện của những bức tranh nghệ thuật hay đồ gốm trang trí có thiết kế lạ mắt vừa làm tăng thêm vẻ hiện đại, vừa là điểm nhấn đắt giá cho không gian.

Bức ảnh thể hiện rõ sự lột xác ngoạn mục của gian bếp. Đây có lẽ cũng chính là nơi mà làn gió “tân thời” được thể hiện mạnh mẽ nhất trong ngôi nhà, điển hình là gam màu pastel hợp mốt cùng các thiết bị gia dụng tân tiến.

Khu vực ngoài trời phía sau phòng bếp, vốn là nơi phơi quần áo nay lại được tận dụng trở thành nơi cho gia chủ thư giãn với thiên nhiên, vào những ngày đẹp trời. Đá phấn vàng, một loại vật liệu đặc trưng của Quảng Bình, được sử dụng để lát nền tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên, đồng thời thể hiện nét riêng của “miền nắng gió”.

Ngôi nhà sở hữu tổng cộng hai phòng ngủ. Để ý thấy sự xuất hiện của chiếc giường cũ giữa các món đồ nội thất kiểu mới đã tạo nên vẻ đẹp rất lạ cho không gian này.

Theo chia sẻ của kiến trúc sư Hùng, kinh phí để thực hiện công trình rơi vào khoảng 150 triệu đồng, đây thực sự là một con số hợp lý đối với đa số các gia đình Việt muốn thực hiện một dự án cải tạo “ra trò” cho tổ ấm đã quá cũ kỹ và lạc hậu của mình.

Cùng xem thêm những hình ảnh về sự thay đổi ngoạn mục của ngôi nhà này:

Minh Nhật

Exit mobile version