“Góc sáng” của online đêm

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 11/11/2005
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Văn phòng không ngủ

Ứng Ngọc Anh (sinh năm 1980), Trưởng đại diện văn phòng tại Việt Nam của Công ty HI-TEK, Tổng giám đốc quản lý tên miền DOTvn, Giám đốc Công ty Fortune (kinh doanh thẻ đo nhịp sinh học, kiểm soát stress). Tất cả những chức vụ Ngọc Anh đang “đa mang” đều cần làm đêm vì “tổng hành dinh” của những công ty đó đều ở đất Mỹ.

Lịch làm việc của nữ “Giám đốc công nghệ cao” kín đặc đến tận đêm: Từ 8 giờ sáng đến khoảng 7 giờ tối, tiếp tục từ 23 giờ đến khoảng 1h30 đêm, có khi đến 3, 4 giờ sáng. Nhịp sinh học của Ngọc Anh cũng có vẻ khác người khi liên tục thức đêm để làm việc với “đầu cầu” Mỹ.

Phòng riêng của Ngọc Anh có thể nói đã biến thành… văn phòng làm việc đêm và cũng có đủ các phương tiện để “working” xuyên lục địa: Máy tính nối mạng, webcam, hệ thống VoIP, hồ sơ, tài liệu công ty. Ban đêm cũng luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc, nhất là đối với những cuộc họp  quan trọng, những dự án cần kíp phải giải quyết. Phải luôn túc trực với công việc như vậy đơn giản vì khi Công ty HI-TEK ở Santiago (Hoa Kỳ) mở cửa bắt đầu ngày làm việc thì lúc đó, ở Việt Nam là 0 giờ đêm (mùa đông), 1 giờ (mùa hè).

Thời sinh viên, Ngọc Anh đã là “chuyên gia” online đêm để nâng cao kiến thức và… tiết kiệm chi phí điện thoại (vì phải dùng kết nối dial-up), thì nay vẫn đều đều ngày chỉ ngủ khoảng 5 tiếng. Với Ngọc Anh, đó là điều không muốn nhưng cũng không thể khác. Yahoo chat với cô hoàn toàn để phục vụ công việc, bởi theo Ngọc Anh, nếu online triền miên chỉ để chat vui vui thì thời gian đó dùng để ngủ sẽ tốt hơn.

Đêm của dân “trong nghề”

Từ trái qua phải: Nhóm “mũ trắng” Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Long và Lê Anh Tuấn.

Nhóm “mũ trắng” gồm 4 thành viên Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Anh Tuấn và Nguyễn Duy Hoàng, chuyên nghiên cứu về bảo mật máy tính. Đêm là khoảng thời gian ba bạn Long, Nguyễn Tuấn và Lê Tuấn (hiện đang học cùng trường ĐH Bách Khoa), làm thêm chung cơ quan (Công ty PeaceSoft) có thể “kết nối” với “cạ” còn lại Hoàng (đang học CNTT ở Singapore).

“Thế giới online đêm sôi động hơn ban ngày” – Thanh Long nói ngay cảm nhận đó khi trò chuyện về đời sống mạng về đêm. “Trên Yahoo! Messenger của mình ban ngày có khoảng 30 đến 40 nick sáng thì ban đêm thường xuyên có 50, 60 nick sáng. Chiếm 2/3 trong số đó là những người bạn ở nước ngoài”.

Mod của một diễn đàn chia sẻ quan điểm này. Vì có ông anh học ở bên Anh quốc, thế là muốn chat chit với anh, cậu phải “ngủ ngày – thức đêm”. “Em gà mờ cứ tưởng mỗi mình mình rồ nên mới lò dò lên mạng vào đêm khuya thế này. Ai dè, đông như trảy hội!”.

Long cao 1m73, cân nặng chỉ 48kg và bị cận 2,5 đi ốp và trung bình mỗi ngày ngủ độ 3, 4 tiếng. Thân hình “người dây” như vậy liệu có phải do “nghiện” online đêm? Long thành thật: “Thức đêm rõ ràng là không có lợi cho sức khỏe. Tôi gầy thế cũng một phần do thức đêm, nhưng đó là thói quen của tôi từ khi học lớp 10 trường Việt – Đức, tức là đã 6 năm nay rồi”.

Thông thường sáng 3 thành viên của nhóm đến lớp, chiều đi làm tại PeaceSoft (bộ phận phần mềm và bảo mật) và nghỉ lúc 6, 7 giờ tối. Ở cơ quan đã cặp kè với chiếc máy tính. Nhưng Long bảo, “thường đến 9 giờ tối chuẩn bị cho mình tách cafe và lại online tiếp, nhiều hôm đến 6 giờ sáng”.

Những hình dung của mọi người về dân hacker gắn với đời sống về đêm có lẽ cũng không khác lắm với trường hợp của “nhóm tứ tử” trên. Đó thực sự là lúc họ trở thành “công dân mạng” (netizen) với lượng công việc “mang tính chuyên môn rất cao”: Dạo qua các diễn đàn về bảo mật, đọc sách điện tử trên các trang như Security.com, Govermentsecurity.com, Securiteam.com…, thực hiện những công việc còn dang dở, nâng cấp hệ thống quản lý thông tin của nhóm… Như vậy, họ online đêm vừa để học, vừa để làm. Ngay đến diễn đàn do cả nhóm lập nên hầu như cũng chỉ được “chăm sóc” về đêm.

“Lợi ích từ việc làm đêm chắc chắn phải cao hơn so với những gì chúng tôi có được từ việc làm ban ngày”, Long trò chuyện, “không gian của đêm yên tĩnh, giúp tôi dễ suy nghĩ và tập trung hơn trong công việc”. “Điều quan trọng hơn, khi lượng kiến thức gia tăng nhanh chóng, ban ngày mình phải thời gian dành hết cho làm việc ở công ty, học trên lớp, đêm chính là thời gian mình kiếm thêm kiến thức mới, mà nếu không mở rộng thời gian để học, tôi sẽ không theo kịp”, Long khẳng định.

Online đêm buồn lắm!?

“Đêm nào em cũng online cả, không phải mê đâu, nhưng cứ như là bệnh ấy, không dừng được. Cứ bật máy là phải chạy tới khuya…”, trên topic có tên Hội những người online đêm của Box Sở thích, thành viên Bangbangbum trải lòng mình.

Topic của Hội online đêm tràn dài đến 58 trang, khi nó mới chỉ lập lên được hơn hai tháng. Chính những người online đêm đã chỉ ra cái hay cái dở của việc online đêm. Baotrungvip bảo: “Online đêm có cái thú riêng của nó, mặc dù hơi hại sức khoẻ…”.

Chính thành viên này khám phá: “Ở Diễn đàn Ttvnol không có khái niệm đêm và ngày vì số lượng thành viên ở nước ngoài khá lớn, trung bình lúc nào cũng có khoảng 2 đến 3 ngàn người duyệt site. Online đêm có cảm giác chỉ mình ta với mạng, mình ta với ta… Lang thang trong ttvnol, đến với những box chat đêm, chủ yếu gặp các du học sinh. Họ “buôn dưa lê” với 1 tốc độ chóng mặt, chưa đến một phút đã có một bài post mới”.

Baotrungvip viết “với những người coi mạng như cuộc sống thứ hai, như thức ăn tinh thần không thể thiếu, thì online đêm luôn mang lại cảm giác rất lạ, rất thú vị…” như chỉ có thành viên này lướt net đêm. Trong khi trên thực tế, người trẻ online đêm ngày càng nhiều, nhất là khi áp lực công việc, học tập gia tăng và các mối quan hệ mở rộng đến cả những nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất.

Nhiều người “nghiện” online đêm là thế, nhưng cũng có thành viên thả bộp vào “khoảng đêm yên lặng” một câu: “Vào ngó nghiêng, định tham gia Hội online đêm, nhưng mà Hội này thấy buồn thảm quá…!”. Có thành viên khác đồng tình: “Buồn, nhưng theo kinh nghiệm của một con sâu online đêm để hacking hay làm điều tương tự thì đúng là không có gì bằng. Chỉ khổ khi cầm hoá đơn điện thoại cuối tháng thôi!”.

Ngay trên topic Hội những người online đêm đã có không ít thành viên tâm sự “đêm nào cũng online, một mình, bên cạnh cũng không có ly cafe và bao thuốc…”

 

Theo Bùi Dũng

Vietnamnet

Exit mobile version