Chiều ngày 4/3, chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến” với một số đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 đã được tổ chức.
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là giải thưởng do T.Ư Đoàn, Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phát động, nhằm tuyên dương những người trẻ xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, doanh nhân, quốc phòng, an ninh trật tự, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và hoạt động xã hội.
Năm nay, Thường trực Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam nhận được 172 hồ sơ đề cử được gửi về từ 52 đơn vị (tăng hơn 30 hồ sơ so với năm 2014), thuộc 9 lĩnh vực khác nhau. Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn ra 20 đề cử để bạn đọc cả nước bình chọn trên các báo và trang thông tin điện tử. Đây là kênh tham khảo quan trọng để Hội đồng tiếp tục họp (dự kiến ngày 9/3) đánh giá, bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.
Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến” được tổ chức với sự tham dự của 4 khách mời gồm: Đại úy Trần Xuân Hải (SN 1983) Trưởng công an phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội; TS. Nguyễn Xuân Nhiệm (SN 1982), Phó Trưởng phòng Nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đỗ Hoàng Linh Chi (SN 1997), nghệ sĩ trẻ giành rất nhiều Huy chương vàng, giải nhất các cuộc thi Piano quốc tế; Đại úy Ngô Ngọc Trân (SN 1984), Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng, Bộ Công an.
Trong thời gian giao lưu, hàng trăm câu hỏi đã được gửi tới cho các khách mời qua thư điện tử.
Bạn Bảo Phong đặt câu hỏi cho Đại úy Trần Xuân Hải: “Có vụ án hay đối tượng, tội phạm nào khiến anh không thể quên không?”.
Anh Hải trả lời rằng: “Có một vụ án khiến tôi không thể quên đó là 2 giờ sáng 11/7/2014, trong ca trực, tôi nhận được đơn trình báo của một giáo viên nghỉ hưu hiện đang ở một mình về việc bị các đối tượng gọi điện giả danh công an yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để bọn chúng kiểm tra xem có phải nguồn tiền bất hợp pháp không, sau đó bà đã chuyển 500 triệu vào tài khoản bọn chúng chỉ định.
Cả đêm hôm đó tôi chỉ chờ trời sáng để đưa người trình báo đến ngân hàng để phong tỏa tài sản. Đến 6 giờ sáng, tôi và đồng đội của mình đã cùng bà có mặt ở cửa ngân hàng để chờ lúc họ mở cửa, kịp thời chặn tài khoản của bà.
Lúc kiểm tra tài khoản các đối tượng chỉ kịp rút 172 triệu đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tôi đã trực tiếp cùng tổ công tác bắt giữ hai đối tượng là người trực tiếp rút tiền ở bến xe Miền Đông, TP. HCM và làm rõ các đối tượng có liên quan”.
Bạn Duy Nghĩa hỏi em Đỗ Hoàng Linh Chi: “Đối với một người chơi đàn, việc bảo vệ đôi tay của mình là vô cùng quan trọng. Vậy em làm thế nào để vừa bảo vệ bàn tay của mình, vừa có thể giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà?”
Đỗ Hoàng Linh Chi nói: “Em nghĩ công việc nhà là việc đơn thuần mà mọi người đều làm, đều biết. Đối với em kỹ năng sống cũng quan trọng như kỹ năng chơi nhạc bởi vì theo quan niệm của em, âm nhạc phải gắn với thực tế, với đời sống của mình. Nếu thiếu đời sống thì âm nhạc của mình sẽ không chân thật.
Em không có nhiều thời gian như mọi người vì còn phải luyện tập, đi học nhưng những lúc có thời gian rảnh, công việc mà em thích nhất chính là giúp bố mẹ những công việc nhà. Tất nhiên, việc bảo vệ đôi tay là vô cùng quan trọng với người chơi nhạc nhưng em không nghĩ những công việc nhà lại ảnh hưởng tới đôi tay”.
Cô Hải Hà, (email: nguyenhaiha…@yahoo.com ) là người tiếp tục đặt câu hỏi cho Linh Chi: “Cháu Linh Chi có thường nghe nhạc trẻ không? Việc nghe nhiều nhạc trẻ theo cháu có ảnh hưởng đến thẩm mĩ của những người trẻ không?”.
Chi nói: “Với chuyên ngành của mình, cháu thường nghe nhạc cổ điển và hầu hết thời gian là cháu dành cho loại nhạc này nên cháu hiếm khi tiếp cận các loại nhạc khác”.
Bạn Dũng (email: quocdu…@gmail.com ) hỏi TS. Nguyễn Xuân Nhiệm: “Theo anh, khó khăn nhất của việc nghiên cứu khoa học là gì? Người làm công việc nghiên cứu có gặp khó khăn hơn những ngành nghề khác không?”.
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm trả lời: “Việc nghiên cứu khoa học giống như là vận hành một bộ máy gồm nhiều bộ phận. Để vận hành trơn tru thì không thể thiếu một bộ phận nào. Mình cho rằng việc nghiên cứu khoa học có rất nhiều khó khăn như: trang thiết bị nghiên cứu, môi trường nghiên cứu và cơ hội gặp những giáo sư đầu ngành để trao đổi, thảo luận, đặc biệt là phải giành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu.
Người làm công việc nghiên cứu có gì khó khăn hơn các nghề khác? Mình cho rằng nghề nào cũng có khó khăn đặc thù và mình phải xác định, vượt qua. Mấu chốt vấn đề là phải khắc phục và hóa giải các khó khăn như là: nếu thiếu trang thiết bị thì phải đề xuất với ban lãnh đạo, thiếu tài liệu thì phải cố gắng, kiên trì bằng tất cả khả năng của mình như là nhờ các đồng nghiệp ở nước ngoài tìm tài liệu giúp…”.
Bạn Ngọc Phan hỏi: “Hiện nay ở Việt Nam có trường nào, tổ chức nào đào tạo chuyên nghiệp, bài bản về lĩnh vực An ninh mạng không ạ?”.
Đại úy Ngô Ngọc Trân trả lời: “Những trung tâm đào tạo về lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay tương đối nhiều như vừa qua, tôi biết được thông tin tại Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng (Viện CSO) có một nhân sự là người đầu tiên của Việt Nam (và là người thứ 91 trên thế giới) đã đạt được chứng chỉ an ninh mạng GMON uy tín tại Học viện SANS của Mỹ.
Theo quan điểm cá nhân, viện này sẽ là một trong những cầu nối quan trọng để đưa những kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng thế giới đến với Việt Nam”.
M.C