Giải tỏa stress trong bạn gái trẻ

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 04/04/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

Chỉ mới 30 tuổi nhưng Thanh (Q.Bình Thạnh, TPHCM) đã có hơn ba lần mở công ty. Lần thứ nhất với một công ty nho nhỏ chuyên buôn linh kiện vi tính. “Máu mê” làm giàu đã khiến Thanh cho quá nhiều “gia vị” ảo vào sản phẩm của mình. Công ty bị phá sản do một khách hàng phản ánh. Đến lượt một công ty tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp, Thanh lao đao vì trụ sở không ổn định, đối tác lần lượt bỏ rơi nên mọi thứ đều đội nón ra đi.

Lần thứ ba, Thanh lập Công ty quảng cáo AN, đặt mục tiêu trong vòng năm năm nữa sẽ là “đinh” trên thị trường game show, talk show… Chiến lược làm giàu bị phá sản, Thanh đến phòng tư vấn sức khỏe trong một tâm trạng căng thẳng đến tột độ… Bác sĩ xác định Thanh đã bị stress thật sự khi cô luôn mất ngủ, căng thẳng thần kinh, cáu gắt, không kiềm chế chính mình, xử lý vụng về, chán ngấy chuyện yêu đương…

Thủy – sinh viên năm 2 của một trường đại học tại TPHCM&nbsp – luôn mong mỏi vươn lên và lo lắng sau khi ra trường phải có việc làm tốt để ít nhất là phải bằng bạn bằng bè. Học cùng lúc hai trường đại học, lại đi làm bán thời gian cho hai công ty, buổi tối nhận dạy thêm, rồi còn đi học thêm các lớp kỹ năng giao tiếp.

Thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên nhưng nỗi lo canh cánh ngày càng nhiều. Thủy trở nên lầm lì, ít nói, không dám bộc bạch cùng ai và cũng không có ai để bày tỏ những tâm sự của mình. Sau một buổi tối tắm trễ, Thủy bị ngất. Gặng hỏi và điều tra gần một tuần lễ, gia đình đã phải nhờ chuyên gia tâm lý để giải tỏa những ấm ức trong lòng Thủy.

Khát vọng vươn lên của các bạn trẻ thế hệ 8X đi cùng với những thách thức về sức khỏe, chưa đủ kinh nghiệm kiểm soát bản thân. Stress không chừa một ai dù rằng có nhiều người hoàn toàn không muốn chọn stress là bạn của mình. Tuy nhiên, chính những xúc cảm vượt quá ngưỡng mà không được thoát ra hay đã quá giới hạn thì chính nó sẽ quay lại áp đảo con người.

Khi các bạn trẻ, nhất là bạn gái trẻ, không chế ngự những cảm xúc của mình, stress càng dễ đến và trở thành người đồng hành hơn bao giờ hết. Đặt cho mình một mục tiêu quá lớn, muốn nhảy cóc hoặc muốn đánh đổi bằng mọi thứ để đạt được mục tiêu sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến stress.

Mục tiêu cuộc đời được xây dựng dựa trên khát vọng của bản thân vẫn chưa đủ, mà còn dựa trên thực lực của chính mình cũng như điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Không thể không có mục tiêu sống với những phấn đấu, nhưng nếu tự gây áp lực để hành xác mình, để gửi thân mình cho stress thì mục đích sống lúc này chỉ vô nghĩa khi sức khỏe không còn.

Việc giã từ loại stress như vậy không khó nếu bạn biết kiềm chế mình ngay lúc đặt mục tiêu sống. Trả lời câu hỏi “Tôi là ai, tôi cần gì, tôi có thế mạnh gì, tôi làm điều này sẽ gặp những trở ngại nào, tôi có thể làm được việc này thành công bao nhiêu phần trăm, tôi sẽ mất gì khi thực hiện nó” sẽ giúp bạn ứng phó với stress.

 

Hãy tranh thủ thời gian rảnh rỗi để thảo luận với chính mình về đề tài “Hạnh phúc là gì với chính tôi”, sẽ cảm thấy mục tiêu mình đặt ra cho mình thật nhẹ nhàng và trong tầm với.

Theo TS Huỳnh Văn SơnTuổi Trẻ

Exit mobile version