Điều đáng nói là những cô gái từ 16-19 tuổi có tâm sinh lý hoàn toàn bình thường lại có xu hướng thích “chơi” les nhất. Thậm chí, các bạn ấy vẫn có bạn trai, nhưng lại tập tành “quen” với một bạn gái khác cho “hợp” mốt.
Nhận diện những cặp “giả” les
S (học lớp 12) nói: “Mấy đứa bạn gái của mình ở trường Quốc tế hầu như đứa nào cũng cặp với một đứa con gái khác, chúng nó coi đó là mốt và thể hiện sự sành điệu. Trường đó toàn con nhà giàu, đại gia nên chúng nó càng hay chơi theo phong trào để thể hiện đẳng cấp”.
Các “cặp” thường ít chơi riêng lẻ, mà thường tập trung thành một nhóm đi chơi với nhau. Điểm đến của các bạn vào những ngày cuối tuần là Diamond, là Parkson, là những điểm karaoke, là các vũ trường mà thậm chí đến người lớn còn không dám vào! Hay nói tóm lại là những chỗ đông người, đông giới trẻ tụ tập để có thể “thể hiện” mình rõ nhất.
Nếu đó là một cặp “giả” les trong trường, họ sẽ thường xuyên dính với nhau như hình với bóng, cặp kè rồi mua đồ ăn cho nhau. Chỉ chờ ra khỏi trường là thể hiện “nóng bỏng” hơn, ôm ấp tình tứ, hôn hít… Chẳng hề ngại ngùng. Táo bạo hơn, một số “cặp” les còn đưa nhau về nhà để “chơi”.
Q, một học sinh kể cho chúng tôi nghe: “Kế bên nhà tui có một cặp nè chứ đâu! Một nàng được ba má mua nhà cho ở trên Sài Gòn để đi học. Rồi thường xuyên đem bồ “con gái” của mình về. Nhìn bọn họ cứ nghĩ là hai chị em, nhưng nếu để ý kĩ sẽ thấy. Lúc nào cũng như hình với bóng, phải nói là 24/24 luôn! Nhìn mà choáng!”
Nhưng điều gì đã khiến giới học sinh xuất hiện lesbian “giả” ngày càng nhiều?
Những lý do… giời ơi cho một “trò chơi” nguy hiểm
Đầu tiên thì là vì muốn “nổi”. D, một cô bạn 15 tuổi, đang học lớp 9, tại trường K, đã cười xòa và nói: “Trời, năm cuối mà, phải làm cái gì đó thật nổi bật để người ta biết đến mình chứ! Không lẽ cứ chịu là người bình thường mãi sao?”.
Còn N, thì lại nói: “Tui thấy nhỏ đó cũng dễ thương, thấy cũng thích thích… rồi quen luôn. Cũng bình thường mà!” Trong khi đó, T, cũng là học sinh lớp 9 đã cười hinh hích, phẩy tay và nói: “Xin ông bà già đi chơi, có con gái ổng bả mới yên tâm”. Còn nhiều và rất nhiều lý do nữa để các bạn quan hệ yêu đương với những người đồng giới…
Rồi thì “chơi les” theo phong trào, cho bằng bạn bằng bè! Bây giờ ai cũng “chơi”, mình không “chơi” thấy kì kì! “Tụi nó rủ… thấy thú vị quá nên “chơi” luôn”.
T (một nữ sinh lớp 10) lại “khoác” cho chuyện “giả” les một lý do tưởng chừng như không – thể – hợp – lý – hơn. Đã một lần bị bạn trai phản bội -> đau khổ và tuyệt vọng -> mất niềm tin vào tình yêu nam nữ -> thử yêu những người cùng giới tính để “yên tâm… nó có phản bội thì mình cũng không mất mát nhiều”.
Chuyện “giả” nhưng hậu quả… thật
Thường thì những câu chuyện tình yêu nữ – nữ “giả” này sẽ bị chính những nhân vật trong cuộc… chán chỉ sau một hai tháng “chơi”. Tất nhiên, vì học đòi nên cũng chỉ giả les bằng hình thức thôi và vài âu yếm bên ngoài như ôm ấp, hôn hít chứ không có chuyện quan hệ tình dục. Nhưng họ không lường hết được hậu quả mà mình phải gánh chịu.
“D hồi trước rất dễ thương và học rất giỏi. Nhưng từ khi “chơi les” tới giờ, bạn ấy dường như càng ngày càng thích thể hiện mình sành điệu, đúng “mốt”, hay tụ tập bar nọ bar kia để cùng “bồ” mình thể hiện” – bạn thân một thời của D nói.
Bị bạn bè tẩy chay, cô lập hay soi mói; bị bạn trai chia tay sau khi phát hiện “bạn gái” mình có trò chơi “đáng sợ”… là những hậu quả dễ nhìn thấy nhất của hội chứng “giả” les này, khi câu chuyện bị phanh phui, lộ tẩy.
Ba mẹ của N thì hoàn toàn suy sụp tinh thần sau khi đọc được blast cô bạn tự thú trên blog: “Sao ba mẹ sinh con ra trong một thế giới đầy les thế này? Để bây giờ con cũng…” mà không biết rằng đó cũng chỉ là một sự “thể hiện” của N, cho ra dáng les.
Nhưng nước mắt và những lời khuyên lơn của hai đấng sinh thành dường như hoàn toàn không làm N mảy may hối hận. Cô bạn còn ra sức “khẳng định”: “Con đã như vậy, ba mẹ có nói sao con cũng vậy thôi!”
Theo JaneKênh 14.vn