Căn nhà nhỏ nơi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng sống ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình) giờ là nơi thờ tự bà, đây cũng là không gian sinh hoạt của gia đình con gái nghệ nhân – chị Nguyễn Thị Mận.
Chị Mận là người con gắn bó với cuộc đời nghệ nhân Cầu lâu nhất, khi lúc bà còn ở trần gian đi hát xẩm rong kiếm sống cho đến lúc bà “nhắm mắt xuôi tay” về với “Tổ xẩm”.
Mỗi khi kể về mẹ, chị Mận luôn đầy lòng tự hào. Hình ảnh của “báu vật nhân văn sống” luôn mãi đẹp trong lòng chị, để giờ đây dù không theo nghiệp hát xẩm rong kiếm sống như mẹ, chị vẫn quyết giữ bằng được giá trị của chất xẩm cổ và nghệ nhân Cầu từng lưu giữ.
Chị bảo: “Khi còn sống, mẹ tôi rất ghét những ai hát xẩm nhưng lại biến tấu thành điệu giai điệu xẩm mới, biến tấu nó. Bà không thích điệu xẩm này, vì thế ai đến nói chuyện về điều này sẽ bị bà mắng cho. Còn ai có ý định muốn học và lưu giữ giọng xẩm cổ bà rất yêu quý”.
Chị Mận kể, khi cụ Cầu còn sống, có lần chị xin mẹ lên tỉnh theo học lớp xẩm mới để về hành nghề kiếm sống. Nhưng khi đó cụ Cầu buồn rầu và định từ mặt chị Mận. “Mẹ đây con không học còn đi học ai. Nếu con đi theo học, hành nghề hát giọng xẩm mới đó, thà mẹ chết đi còn hơn”.
Nghe lời mẹ, từ đó chị Mận không đi học hát xẩm nữa. Từng ngày ở bên mẹ, nghe mẹ hát chị Mận dần thuộc hết những bài xẩm nối tiếng mà mẹ mình hát. Chất xẩm cổ của nghệ nhân cầu từng hát, chị cũng nhớ từng câu, từng nhịp điệu. Vì thế mà chị thể hiện lại những bài xẩm không khác gì mẹ mình. Giọng của chị Mận được nhiều người đánh giá như là “truyền nhân” của “thần xẩm” Hà Thị Cầu.
Chia sẻ về nghiệp hát xẩm kiếm sống, chị Mận suy tư: “Cả cuộc đời mẹ tôi lang thang kiếm sống bằng nghề hát xẩm, đến cuối cuộc đời bà vẫn còn lận đận. Đời tôi, không đi hát rong như mẹ, nhưng mỗi khi có dịp được mời đi hát, tôi đi ngay. Không phải vì tiền “cát – xê”, mà tôi muốn cho mọi người được thưởng thức đúng chất giọng xẩm mà mẹ tôi từng hát. Đó cũng là điều mà mẹ tôi mong muốn nhất”.
Truyền nhân “thần xẩm” Hà Thị Cầu
Nói đến chuyện hát xẩm sẽ là “di sản văn hóa phi vật thể của thế giới”, chị Mận chia sẻ: “Mẹ tôi sống, lưu giữ và cống hiến cho xẩm, mong sao các thế hệ nghệ sĩ sau này hãy hát như bà, đừng vì điều gì mà biến tấu xẩm thành một làn điệu mới, không đúng với lịch sử của nó. Có như vậy “báu vật” như mẹ tôi ở dưới suối vàng mới được yên lòng”.
Thái Bá