Hơn nửa thập kỷ miệt mài lao động và sáng tạo, Lê Đình Quỳ đạt thành công trên nhiều lĩnh vực, được những người trong giới mệnh danh là “con người 3 trong 1”, họa sĩ, nhà điêu khắc và nhà nghiên cứu thiên văn học.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở làng Bàng Thạch, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, ngay từ thủa còn nhỏ, dòng máu nghệ sĩ đã chảy mạnh mẽ trong Lê Đình Qùy. Mỗi lần đi chăn trâu xa nhà, cậu bé Qùy không quên lấy đất sét để nhào nặn những hình con trâu hay con hưu, nai. Mang theo bao niềm mơ ước của tuổi thơ ấy, năm 19 tuổi dù mới tốt nghiệp lớp 7 nhưng cậu bé chăn trâu họ Lê đã liều gửi lên Trường Mỹ thuật những bức tranh và thi vào trường.
Nhập học lớp sơ cấp Trường Mỹ thuật được 8 tháng, Lê Đình Qùy được cử sang Liên Xô tu nghiệp ngành nghệ thuật điêu khắc. Những ngày đầu bắt đầu sự nghiệp học hành của chàng trai xứ Thanh tại Liên Xô hết sức khó khăn. Bởi mới chỉ học hết trình độ sơ cấp về hội họa tại Việt Nam nên Lê Đình Qùy không theo kịp các bạn cùng lớp. Không ít lần cậu phải bỏ lớp ra ngoài hành lang ngồi khóc vì nhà trường có ý định trả mình về nước. Nhưng rồi chỉ sau 1 năm, cậu đã khiến thầy cô ngỡ ngàng khi vượt hết thành tích học tập của những sinh viên nước khác để giữ vị trí xuất sắc nhất trường.
Kết thúc 4 năm đào tạo tại Liên Xô, Lê Đình Qùy trở về nước và theo học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1966 cậu tốt nghiệp Thủ khoa Điêu Khắc, dù được nhà trường giữ lại nhưng Lê Đình Qùy có nguyện vọng trở về mảnh đất quê hương để làm tượng đài.
Trở về Thanh Hóa, Nghệ sĩ Lê Đình Qùy bắt đầu thỏa sức sáng tạo và thực hiện niềm đam mê của mình. Bức tượng đài đầu tiên mà ông dựng là tượng đài “Thảm họa B52” tại Hoàng Hòa, Thanh Hóa. Tượng đài cao được đúc bằng đá khắc họa hình ảnh những em bé, những người phụ nữ mang thai và cả anh đảng viên bị chết nhưng vẫn đứng vững như một gốc cây đại thụ bán trụ tại làng.
Ngày ấy, không được sự đồng ý của lãnh đạo huyện nhưng những đồng chí Đảng viên ở xã và người dân lại cương quyết giúp cho Lê Đình Qùy làm bằng được bức tượng đài. Một phòng học bí mật đã được bố trí, ở đó ông đã đào một hố sâu 4m và thêm 5m phía trên để làm được bước tượng đài B52 cao 9m. Toàn bộ lượng đất, đá và sắt thép làm tượng đều được vận chuyển vào ban đêm. Cùng ông làm tượng đài ngày ấy là những chàng trai cô gái của chính ngôi làng này, khi ấy mới 15, 16 tuổi.
“Cả địa phương chỉ quyên góp được 35.000 đồng, không đủ để xây dựng tượng đài, tôi đã về bán hết tài sản quý của gia đình để làm bằng được. Sau nhiều ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ, bức tượng đài B52 đã được hoàn thiện. Thời điểm tượng đài được dựng lên cũng là lúc lãnh đạo huyện phát hiện ra, toàn bộ những Đảng viên cùng tôi làm tượng ngày ấy bị xuống hết Đảng viên loại 4”, Lê Đình Qùy không ngần ngại chia sẻ.
Gần nửa thế kỷ đam mê và sáng tạo, với năng lượng dồi dào, sức khỏe trời cho và lòng nhiệt thành, bền bỉ Lê Đình Qùy nổi danh là tác giả của hàng chục tượng đài nổi tiếng được dựng tại những địa danh lịch sử đặc biệt xuyên suốt chiều dài Tổ quốc như: Tượng đài “Ngã ba Đồng Lộc” (Hà Tĩnh), “Chiến thắng Nghĩa Lộ” (Yên Bái), Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội), “Lão dân quân Hoằng Trường” (Thanh Hóa)… Ở tác phẩm nào, người xem cũng cảm nhận được sự chân thành từ trái tim của Lê Đình Quỳ.
Bên cạnh điêu khắc, Lê Đình Quỳ còn là một người họa sĩ với số lượng tranh lớn. Ông đã sáng tác những bức tranh mang tính khái quát cao, những vấn đề xã hội giữa con người với vũ trụ bao la, con người với môi trường sống. Dù vẽ theo cách tả thực, siêu thực hay trừu tượng… tranh của Lê Đình Qùy đều là những tác phẩm được chắt lọc công phu và luôn gây được ấn tượng mạnh khiến người xem có cảm giác như thấy một sự va đập trong bản chất của sự kiện. Đến nay, số lượng tác phẩm hội họa của Lê Đình Qùy đã lên tới con số gần 500 tác phẩm. Điều này cho thấy sự sáng tạo không ngừng của người nghệ sĩ đã ngoài tuổi 70.
Là một người được đào tọa chính quy trong chuyên ngành mỹ thuật, Lê Đình Qùy không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực tượng đài, hội họa mà còn ở lĩnh vực nghiên cứu thiên văn, vũ trụ. Lúc đầu chỉ là tranh thủ thời gian để tìm hiểu, tự đọc, tự học, tự nghiên cứu, sau rồi thiên văn, vũ trụ trở thành niềm đam mê không thể chia lìa của ông. “Mật mã vũ trụ” là cuốn sách đã được ông cho ra đời, nó như góp thêm cho nền thiên văn học Việt Nam và thế giới hướng tiếp cận mới, cái nhìn mới, quan điểm mới về vũ trụ, về Hệ Mặt Trời.
Là một người nghệ sĩ luôn lao động chân chính Lê Đình Qùy đã để lại nhiều công trình tượng đài hoành tráng và những sáng tạo cho quê hương, đất nước. Ông từng được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007 và được tổ chức kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập kỷ lục “Nhà Điêu khắc có nhiều Tượng đài về chủ đề chiến tranh Cách mạng nhất Việt Nam. Gần đây nhất ngày 16/12/2015 Lê Đình Qùy đã được vinh danh “Người hiền tài đất Việt nhận cúp và bảng vàng danh dự” vì sự nghiệp khoa học và nghệ thuật.
Hiện nay, dù đã ngoài 70 tuổi, cái tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hy nhưng niềm đam mê nghệ thuật có trong Lê Đình Qùy luôn luôn “bùng cháy”. Bởi vậy mà cái bóng dáng người nghệ sĩ già ấy vẫn đang mải mê trên hành trình khám phá cái đẹp của thiên nhiên đất trời nhằm thực hiện những tác phẩm còn dang dở của mình.
Nhữ Trang