Sống chết với nghề… nông
Chúng tôi tìm đến vườn hoa hồng cổ rộng hơn 2.000m2 của anh Phạm Văn Hưng không khó, bởi người dân địa phương ai cũng biết đến anh nông dân có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, suốt ngày loanh quanh với ruộng đồng hiện đang làm Chủ tịch Hội nông dân phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình).
Dù hẹn trước nhưng phải chờ mãi chúng tôi mới gặp được nông dân đặc biệt nhất thành phố Ninh Bình, vì hôm nay anh có cuộc họp đột xuất ở phường. Trong lúc chờ đợi, tôi được thoải mái ngắm hàng trăm cây hoa hồng cổ với đủ chủng loại mà anh Hưng bỏ biết bao công sức và tiền bạc lang thang khắp nơi tìm mua về.
Chiều muộn, họp xong ở phường, anh Hưng liền phi xe về vườn hồng để gặp chúng tôi. Phần khác cũng là để thăm những đứa “con mọn” của mình, đây cũng là khối tài sản hàng trăm triệu đồng mà vợ chồng anh bỏ ra đang để phơi sương phơi nắng.
Bận bịu là thế, nhưng mỗi khi có người đến, anh nông dân ngoài 40 tuổi lại dành thời gian để chia sẻ mối lương duyên của mình với hoa hồng cổ. Vừa pha trà mời khách, anh Hưng kể cho tôi nghe về quãng thời gian dài gian khó của mình. “Đến giờ cũng chưa hết khổ chú à, nhưng cảm thấy yêu đời hơn vì nhà đầy hoa”, anh Hưng cười nói.
Có lẽ, nghề nông đã vận vào anh như một duyên nợ. Anh bảo, không yêu, không ham thì chẳng ai làm được nghề. Nghề nông càng đặc biệt hơn vì hầu hết mọi người đều xuất phát từ nhà nông nhưng không mấy người yêu và ham nghề cơ khổ này.
Nhìn ra vườn hoa anh Hưng nhớ lại: “Từ khi nghề nông vận vào đời, đến nay tôi trải qua không biết bao nhiêu lao đao. Tôi từng hợp tác với nhiều doanh nghiệp để đưa cây ớt, cây ngô ngọt về Ninh Bình trồng giúp bà con nông dân. Thấy ở đâu có mô hình trồng trọt, chăn nuôi hay tôi lại khăn gói đi học hỏi để có kinh nghiệm, sau đó về làm thử nghiệm, có kết quả mới dám “khoe” với mọi người. Nhưng chưa có mô hình nào là thành công theo mong muốn cả, gian khó đủ đường”.
“Trước khi trồng hoa hồng cổ, tôi học hỏi việc trồng nghệ lấy tinh bột, còn mấy sào đến kỳ thu hoạch đến nay vẫn chưa đưa về, đang nằm ngoài ruộng vì giá thấp. Thất bại lớn nhất đó là dịp tôi đưa mô hình con dế thịt về nuôi. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ vào dế cuối cùng trắng tay. Thất bại là thế nhưng chưa bao giờ tôi nản chí, chắc đến chết tôi vẫn không bỏ nghề nông”, anh Hưng tâm sự.
“Cắm sổ đỏ” mua loài hoa “kiêu sa”
Chỉ mới bắt đầu chơi hoa hồng cổ chưa đầy một năm nay, nhưng đến nay anh Hưng có kinh nghiệm đầy mình về loài hoa kiêu xa này. Ban đầu, anh nông dân chưa một ngày chơi hoa, chưa từng biết đến kỹ thuật trồng, chỉ một lần xem trên tivi thấy loài hoa “nữ hoàng” này mà anh đã quyết định bỏ hết những thứ khác để theo nghiệp trồng hồng cổ.
“Xưa kia quê tôi nhà nào cũng có ít nhất một khóm hồng cổ. Loài hoa đẹp và kiêu sa này khi ấy rất bình dân. Mọi người chỉ nghĩ trồng cho đẹp, chứ chẳng ai quan tâm đến giá trị về tiền bạc như bây giờ. Phố phường đô thị hóa, thế rồi loài hoa cổ cũng biến mất, giờ chẳng còn nhà ai giữ được cây nào”, anh Hưng nói.
Trăn trở bao đêm, anh Hưng quyết đưa ý định sẽ sưu tầm hồng cổ về vườn trồng với vợ, trước là để chơi, sau mới tính đến chuyện kinh doanh. Không ngờ ý tưởng của anh được vợ ủng hộ tuyệt đối. Những ngày đầu, gia đình có bao nhiêu tiền của anh gom góp đem đi mua hoa hết. Lang thang khắp nơi trong xã, ngoài huyện, hễ nghe nhà nào có cây hồng cổ là anh tìm đến lân la hỏi mua bằng được.
Nói về giai thoại đi mua hoa, anh Hưng kể chuyện vui: “Thấy tôi đi chiếc xe máy cà tàng, người da lại ngăm đen lang thang đây đó, thấy nhà nào có hoa lại lấp la lấp ló, người dân ban đầu cứ nghĩ tôi đi ăn trộm ăn cắp gì, sau mới biết là đi mua hoa về trồng. Mua được ít cây ở gần, tôi lại chạy xe cả chục cây số đi tìm mua những cây ở xa. Hết Ninh Bình lại vào Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình… Khi hết tiền trong nhà, tôi đã phải mang cả “sổ đỏ” của gia đình đi “cắm” mới có đủ tiền mua được 300 gốc hồng cổ ở nhiều nơi mang về”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn hồng, anh Hưng giới thiệu, đây là loài hồng cổ Sapa mua tận trên vùng núi đưa về, kia là hồng Vân Khôi, rồi hồng nhung, hường hồng, hồng Hải Phòng. “Đặc biệt và quý hiếm nhất trong vườn hiện nay là cây hường hồng cổ 60 năm tuổi, tiếp đến là cây hồng Huế hiếm thấy chục năm tuổi, ở Ninh Bình hầu như không có loại hoa này”, – anh Hưng khoe.
Nói về việc chăm sóc hoa hồng cổ, anh Hưng chia sẻ, hồng cổ rất dễ trồng và chăm sóc. Vì đây hầu hết là hồng bản địa nên cây rất khỏe, ít mắc sâu bệnh. Loài hoa này đẹp lại có hương thơm quyến rũ, hoa nở quanh năm rất cuốn hút.
“Ban đầu tôi trồng cũng bị chết nhiều cây, sau rút ra được nhiều kinh nghiệm. Trồng hồng cổ không quá khó nhưng phải kiên trì và có lòng đam mê. Giờ vườn hồng của tôi đang chiết cành nhân giống để mở rộng thêm nữa”, anh Hưng bày tỏ.
Vườn hồng 300 cây với hơn chục loài hoa của anh Hưng hiện có rất nhiều khách đến hỏi mua. Tuy nhiên, dù đã có lãi hàng trăm triệu đồng sau gần một năm chăm sóc nhưng anh vẫn chưa quyết bán. Anh dự định sẽ trồng và nhân giống thật nhiều, khi đó mới nghĩ đến chuyện kinh doanh loài hoa kiêu sa này.
Thái Bá