Nhóm 3 chàng trai lãng tử Zero Studio đều là dân gốc Huế gồm Nguyễn Duy Hiền (trưởng nhóm), Trần Hữu Nhật và Nguyễn Hoàng Việt với tuổi đời còn khá trẻ. Trong Festival Huế 2010, họ đã từng làm nên kỷ lục quốc gia với tác phẩm đường tranh dài nhất với 3.000 bức tranh tự vẽ.
Với tâm huyết đưa nghệ thuật cộng đồng vào đời sống nhân dân và nhằm quảng bá nét độc đáo của tranh Huế, nhóm đã tiếp tục thực hiện đề án “Phố tranh Festival 2012” có nội dung “Tôn vinh đất nước – con người Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa cố đô Huế nói riêng”. Tổng cộng 2012 bức tranh trên vải bố, giấy từ 0,3m (nhỏ nhất) đến 25m (lớn nhất) chủ yếu là màu acrylic sẽ được sắp trên giá xếp dọc đường từ đàn Nam Giao đến Lăng Tự Đức và Zero Studio, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai trên 3 trục đường có chiều dài 4km là Lê Ngô Cát, Huyền Trân Công Chúa và Đoàn Nhữ Hải (TP Huế). Phố tranh sẽ diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Festival Huế, từ 7-15/4 sắp tới.
Chủ đề trọng tâm là tranh tĩnh vật, phong cảnh, trừu tượng, ấn tượng, dã thú, hình tượng người phụ nữ, kiến trúc xứ Huế, dân tộc các vùng miền. Đặc biệt sẽ có 2 tấm toan dài 50m cho người dân đến tự do vẽ. Nhóm còn mời một số họa sĩ từ Hà Nội, TPHCM và Huế đến để tham gia vẽ tranh. Sau khi triển lãm, một số bức tranh sẽ được nhóm đấu giá nhằm gây quỹ từ thiện cho các em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong những ngày này, một không khí vô cùng khẩn trương tại “đại bản doanh” – nhà của họa sĩ Nguyễn Duy Hiền và cũng là nơi đặt trụ sở Zero Studio (số 75 đường Lê Ngô Cát, TP Huế). 3 họa sĩ đang dồn hết tâm sức đặt vào từng nét cọ để có những bức tranh đẹp cuối cùng. Áo quần lấm lem màu vẽ, họa sĩ Hiền vui vẻ nói: “Mệt lắm em ơi, mình vì Huế mà chơi hết mình, miễn răng đem lại niềm vui cho mọi người để tất cả có thể thấm hiểu sâu về nghệ thuật tranh Huế là không còn chi sung sướng bằng. 20 năm lăn lộn vẽ tranh mưu sinh trên các lăng tẩm, chừ Hiền sáng tác rất sung mãn và nhanh lắm. Một ngày có thể vẽ vài chục bức như chơi. Mình rất thích các cảnh vật về Huế và theo dòng tranh trừu tượng. 1.000 bức tranh của mình vẽ đây đều theo chủ đề đó”.
Là thủ lĩnh của nhóm, họa sĩ Hiền năm nay tuổi đời trên 40, đã từng đi bụi, xem đường phố là nhà, làm đủ thứ nghề kiếm sống. Nhưng lớn nhất vẫn là một tình yêu thật mãnh liệt với hội họa và xứ Huế. Tranh của anh thoắt ẩn hiện những khung cảnh vàng son của đền đài, lăng tẩm với những mảng màu đúng chất Huế khi kết hợp bảng ngũ sắc cung đình là đỏ – vàng – xanh – lục – tím. Xen vào đó là những cảnh trời mây, sông nước, con đò và thiếu nữ Huế mặc áo dài trắng, áo dài tím làm ngẩn ngơ lòng người. Có được một độ chuẩn nhất định khi nhìn vào là biết tranh của Duy Hiền, anh tâm sự “đã có những tháng ngày ăn dầm ở dề trong lăng vua, đi ngao du đây đó và yêu thiên nhiên, di tích, người con gái Huế đến khó tả nên tôi cứ vẽ. Và tất cả những gì mình thích cứ dần dần đi vào tranh lúc nào chẳng hay”.
Người thứ hai góp phần định hình các ý tưởng táo bạo và quyết liệt cho nhóm và nhằm đưa nền nghệ thuật Huế phát triển với những đề tài lạ, độc đáo là họa sĩ Trần Hữu Nhật. Anh từng đạt khá nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế, từng gây “sốc” cho dân Huế với các tác phẩm sắp đặt, tranh nên chỉ cần gõ Google là có hàng trăm bài viết về Nhật. Với hơn 500 bức tranh vẽ cho phố tranh nhưng rất khiêm tốn nói về mình, Nhật chỉ tâm sự những niềm đam mê về thể loại tranh trừu tượng.
“Sắc thái Huế đã chuyển tải cảm xúc cho mình. Vì vốn dĩ bản chất người Huế đã có sẵn lửa, nham thạch ở trong. Nên lúc sáng tác nó cứ chảy, tuôn ra cuồn cuộn với nhiều cảm xúc lúc mạnh mẽ, lúc chơi vơi, trống trải. Nhiều lúc cảm hứng khi ngồi ở phòng tranh nhà Hiền, tôi vẽ tù tì liền một đêm 75 bức tranh làm phiền cho vợ chồng Hiền phải thức dậy ra đưa lồng toan vào khung cho tôi. Vẽ đến sáng khi thấy ngoài đường có người đi tập thể dục thì thôi.
Ở 2 đầu đất nước, việc vẽ tranh gắn liền mật thiết với mưu sinh. Riêng Huế cũng có vẽ tranh kiếm sống nhưng đúng chất giang hồ hơn. Do thị trường, nếu một bức tranh bán với giá 200 đô la Mỹ tại Huế chưa chắc bán được nhưng ở Hà Nội, Sài Gòn thì bức tranh với giá 1.000 đô la Mỹ bán vô tư. Đó là lý do mà trong lúc vẽ tranh ở Huế, tính nặng mưu sinh đối với tôi đã không còn. Tôi đã tự giải tỏa cảm xúc và sống trong tranh kèm theo những tâm trạng riêng mình hay nghĩ một nghĩa khác là mình chơi đúng kiểu tài tử. Như sau khi nghe nhạc Rock, đi nhảy đầm hay vào vũ trường, âm thanh làm ta giải tỏa hết toàn bộ thì vẽ tranh cũng vậy, chính những gì tôi không nói thì đã có ở trong tranh”.
Hoàng Việt là người trẻ tuổi nhất nhóm khi mới tốt nghiệp thạc sĩ ĐH Mahasarakham (Thái Lan) vào ngày 14/3 vừa qua, nhưng với nhiều cuộc triển lãm, Việt đã định hình được sự yêu thích qua dòng tranh trang trí theo phong cách Graffiti, trường phái Pop Art (nghệ thuật mang tính thị hiếu bình dân). Các chủ đề về con vật với đa số là chú chó, các kiểu trang trí lạ mắt đã khẳng định được tranh của Việt khi nhìn vào.
Các họa sĩ cho biết, với tất cả những gì qua 2.012 bức tranh với phong cách Huế rõ nét, người xem sẽ thấy 2 nét là lãng mạn – cuồng nộ. Đó là do khi vẽ, sự lãng mạn bao trùm tất cả, nhưng sau khi hoàn tất lại thấy những nét dữ dội, cuồng nộ – vốn là bản tính sâu kín hun đúc từ trong tính cách của họa sĩ Huế. 2.012 cũng chính là con số ứng với năm tổ chức Festival lần thứ 7 tại Huế và cũng là món quà cả 3 họa sĩ dành tặng những ai yêu tranh và đem tới nghệ thuật cộng đồng trong hội họa để phổ biến hơn một thú chơi tao nhã, hào hoa, sang trọng là thưởng thức tranh.
Giáo sư Quảng Hồ, Học viện nghệ thuật Denver (Hoa Kỳ) đã có thời gian tiếp xúc với nhóm Zero Studio nhận xét rất khách quan về 3 họa sĩ: “Nhóm các bạn này làm việc rất tốt, nghiêm túc và rất say mê với phong cách mạnh mẽ, táo bạo. Dự án phố tranh với số lượng tranh khổng lồ, chất lượng tốt sẽ đem đến công chúng nhiều góc nhìn mới lạ về hội họa và tính tương tác lớn đến cộng đồng”.
Cũng được biết, toàn bộ 2.012 tranh vẽ với vật liệu từ khung, toan, màu đều do chính họa sĩ Hiền bỏ tiền túi hơn 2 tỷ đồng – là tiền chắt góp để xây nhà Hiền vào để vẽ và sáng tác. Nhóm cũng thật tình tâm sự từng gặp không ít khó khăn với ban tổ chức Festival trong việc tài trợ. Trong năm 2010, cũng không có kinh phí nào từ ban tổ chức hỗ trợ nhóm và đành phải bỏ tiền túi anh em với gần 2 tỷ đồng. Trong năm nay, tình thế cũng không khả quan là bao khi chỉ còn gần 3 tuần nữa là khai mạc Festival và không có động tĩnh nào từ ban tổ chức cho thấy nhóm sẽ giúp nhóm được một ít kinh phí.
Hơn thế, họa sĩ Trần Hữu Nhật trăn trở: “Chúng tôi rất mong được là đưa vào chương trình chính của Festival từ năm 2010 nhưng vẫn mãi là chương trình hưởng ứng. Nghệ thuật cộng đồng chính là linh hồn của Festival, không chỉ đã phổ biến ở thế giới từ lâu mà phải được xem xét nhiều hơn tại Huế. Phố tranh kết hợp hội họa với cộng đồng chắc chắn sẽ là một hoạt động cộng đồng rất lớn, Huế cần những điều như vậy để kỳ Festival thêm sôi nổi và thực sự là “Festival sống” cho mọi người cùng tham gia”.
Nếu ai đã từng lên thăm lăng Tự Đức từ các năm 90-95 (những năm manh nha du lịch ở Huế) cho đến ngày nay, dọc đường Lê Ngô Cát, đoạn gần tới lăng sẽ thấy một số phòng tranh bày tranh chủ đề Huế về con gái Huế, đò Huế, sông nước Hương Giang, cầu Trường Tiền, núi Ngự. Đây là loại tranh rất được du khách Tây ưa chuộng và mua về làm quà bởi chúng rất đặc trưng về phong cảnh Huế, khổ không quá lớn và giá tiền rất “mềm” với vài trăm ngàn đồng Việt. Không xa lạ gì bởi đa số các tranh đó đều do họa sĩ “bụi đời” Nguyễn Duy Hiền vẽ – một người rất tâm huyết trong hội họa ở Huế, trưởng nhóm Zero Studio với dự án “Phố tranh 2012 bức tranh” cho Festival Huế năm nay. |
Những hoạt động của nhóm để ra đời 2.012 bức tranh phục vụ Festival Huế 2012:
Phòng sáng tác tràn đầy tranh và các lọ màu đã sử dụng
Họa sĩ Duy Hiền đang chăm chút những nét vẽ cuối cùng trong một bức tranh về đò Huế mang tên “Hừng đông”
Hữu Nhật vẽ tranh rất nhanh và cực kỳ ấn tượng bởi nhiều đường nét lạ, có chiều sâu
Một bức tranh liên hoàn (gồm 2 bức ghép lại) về vịnh Hạ Long được họa sĩ Hiền vẽ trong sáng 14/3
Tác phẩm “Chiều tà” nói về Huế của họa sĩ Nguyễn Duy Hiền
“Đêm huyền”
“Trăng muộn“
Tác phẩm “Vườn tình” – Trần Hữu Nhật
“Khung trời yêu” – Trần Hữu Nhật
Tranh của Nhật rất ngang tàng, khí phách và có chất
Đại Dương