Anh Trần Duy Phong (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm hoa kiểng nổi tiếng ở TP Sa Đéc, tuy nhiên, anh chỉ thích và đam mê hoa sứ.
Vì thế khi nghe đâu có giống sứ lạ, hoa đẹp là anh tìm đến. Trong một lần đi Thái Lan, anh Phong được chiêm ngưỡng nhiều giống sứ có hoa, thân đẹp, tuy nhiên khi thấy một chậu sứ có thân cao, bộ rễ và tán xòe hình nón anh không sao rời mắt được. Dân bản địa gọi là sứ thân cao.
Sau chuyến công du đó, về nhà có bao nhiêu tiền anh Phong dành mua hạt giống về ươm, thử nghiệm, mỗi lần như vậy tiêu tốn vài chục triệu đồng nhưng anh nhất quyết không bỏ cuộc.
Trải qua 1-2 năm, kỹ thuật “kéo chân” sứ Thái mới nhuần nhuyễn. Khi người dân đến chơi thấy những cây sứ của anh có thân dài độc lạ nên đặt cái tên mỹ miều là sứ “chân dài”.
Để có tiền nuôi ước mơ làm sứ “chân dài”, anh phải bán đi những cây 2-3 năm tuổi, lấy tiền mua giống về ươm, trồng tiếp, tìm ra những cây sứ ứng ý nhất mới dành lại, tạo tán và bộ rễ.
Dù gia đình làm rất nhiều loại hoa kiểng, tuy nhiên anh Phong chỉ mê cây sứ, nhất là từ khi biết cây sứ “chân dài”
Hiện nay anh đã làm chủ được kỹ thuật làm sứ “chân dài” và đang sở hữu hàng ngàn cây sứ “chân dài” có dáng độc đáo. Đối với những cây có chiều cao trên 80cm, bề hoành 50-80cm phải mất từ 4-6 năm. Những cây này có giá từ 5 đến hàng chục triệu đồng.
Bí quyết làm sứ “chân dài”, theo anh Phong đầu tiên là chọn giống sứ phù hợp (sứ Thái Lan loại kim tự tháp). Sau đó, về ươm đến khi cây được 8 tháng tuổi, nhổ lên chọn một rễ khỏe nhất giữ lại, nuôi dưỡng cho lớn bằng thân cây thì tiếp tục nhổ lên, cắt những rễ nhỏ; chọn một rễ khỏe để lại và giâm xuống đất…
Từ cây sứ Thái, có thể làm sứ “chân dài” hay sứ tàn (chăm chút tán cây và bộ rễ)
Về kỹ thuật “kéo chân”, khi chọn được một rễ ưng ý, dùng hai thanh tre kẹp vào thân, giữ cho thân và rễ thẳng, sau đó đưa một phần rễ rất ngắn xuống đất (10 -20cm). Khi phần đuôi rễ mọc ra những rễ khác, tiếp tục cắt và nhóm rễ chính lên, sau đó đặt xuống đất. Qui trình này lặp đi lặp lại đến khi chiều cao cây sứ đạt như ý thì dừng lại.
Để cây sứ “chân dài” đẹp, có giá trị thì tạo dáng thêm phần tán lá và bộ rễ. Do giống sứ Thái có đặc điểm rễ và tán lá mộc ra đều theo hình nón nên phần cắt tỉa, tạo dáng không tốn nhiều công sức.
Theo anh Phong, người chơi sứ “chân dài” ở Việt Nam đã nhiều, nhưng đa phần là mua từ Thái Lan mang về. Hiện anh Phong là người đầu tiên làm ra sứ “chân dài”, do vậy khi sản phẩm anh rao bán là có người đặt mua ngay.
Theo anh Duy Phong, dân chơi sứ “chân dài” chủ yếu là mua từ Thái Lan, còn làm ra cây sứ này anh là người tiên phong ở Việt Nam
Nguyễn Hành