Chiếc xe này có hộp trục, khi rút chốt có thể xoay bánh sau lên ngang bánh trước như thể gấp đôi lại rất nhỏ gọn giúp dễ di chuyển và tiết kiệm không gian khi đem cất hoặc gửi ở sân bãi.
Trọng lượng xe là 45 kg, có tốc độ tối đa 40 km/h, thời gian sạc pin khoảng 5 tiếng di chuyển trong khoảng 50km. Chiếc xe được thiết kế theo kiểu dáng thể thao năng động nhưng cũng rất bắt mắt với kết cấu lạ, màu sắc nổi bật phù hợp với các bạn trẻ.
Chiếc xe tương đối nặng – theo Tâm là do nguyên liệu sử dụng. Nếu bộ khung được làm bằng nhôm thay cho thép và pin Li-ion thay cho bình ắc quy khô đang dùng thì chiếc xe có thể giảm trọng lượng xuống khoảng15kg. Tuy nhiên, kinh phí lúc đó cậu có thể xoay xở là 13 triệu đồng chưa cho phép thực hiện tốt nhất các chi tiết, cấu trúc của chiếc xe.
Tâm có ý tưởng và bắt đầu thực hiện chiếc xe đạp gấp này khi đang là sinh viên năm cuối tại khoa Mỹ thuật Công nghiệp (ĐH Hồng Bàng). Từ một lần xem chương trình thế giới động vật, Tâm bị hút hồn với tư thế bay hùng dũng của loài chim đại bàng, Tâm nảy sinh ra ý tưởng “chế tạo” gấp cánh cho chiếc xe đạp điện. Sau một thời mày mò, tìm hiểu chiếc xe “độc” chưa từng đụng hàng ra đời với tên gọi Eagle.
Ngoài phong cách độc lạ, kiểu dáng đẹp mắt, điều đăc biệt hơn là mẫu xe đạp điện này phần vỏ nhựa che hết khung sườn có thể thay đổi màu sắc theo ý muốn. Phạm Văn Tâm chia sẻ chiếc xe có độ an toàn rất cao và tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng nhờ bộ thiết kế bộ giảm xóc trước và sau. Ngoài ra, tác giả hướng đến tính thân thiện với môi trường cùng việc nâng cao tinh thần luyện tập thể thao cho người sử dụng.
Về kết cấu chiếc xe đã rất ổn nhưng nếu đem vào sản xuất mẫu xe này, theo Tâm cần có sự điều chỉnh, bổ sung thêm về kỹ thuật điện tử, pin, đồng hồ báo dung lượng pin, đo tốc độ…
Chiếc Eagle của Tâm sẽ được cậu đem đi dự thi tại “đấu trường” tại cuộc thi Thiết kế Xe đạp Quốc tế lần thứ 18 (IDBC) năm 2014 sắp tới.