Hát Sắc bùa Bến Tre ra đời từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Tồn tại phổ biến cho đến những năm 70 của thế kỷ 20. Hát Sắc bùa là một trong sáu hình thức diễn xướng dân gian Bến Tre bên cạnh hò, lý, hát ru, lối vè, lối Vân Tiên.
Nghệ thuật hát Sắc bùa chỉ có ở làng rượu Phú Lễ. Sắc bùa diễn theo lối “cái kể con sô”. Cái kể là người thủ trống cơm, hát bắt cái, xướng nhịp cho những người còn lại, còn gọi là con sô. Sau khi cái kể xướng câu đầu tiên thì toàn bộ con sô sẽ hát câu kế hoặc hát nhạu lại một bài lý nào đó.
Ví dụ như cái xướng câu “ Hôm qua để ngõ chờ ai?” thì con sô sẽ tiếp “Hôm nay tôi tới ngõ cài khăn khăn…”. Hiện nay, Sắc bùa được diễn xướng trong ngày tết và chỉ khi có lời mời, lời yêu cầu.
Trong Sắc bùa có 4 loại nhạc cụ cơ bản: Đờn cò (đờn nhị), trống cơm, sanh tiền và sanh cái. Mội đội hát Sắc bùa có khoảng 6-8-12 người, ít nhất là bốn. Mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên vừa là nhạc công, vừa đàn vừa hát. Một số vùng miền khác có hát Sắc bùa không dùng đờn cò, hát luôn cả trong các ngày rằm, ngày lễ.
Hát Sắc bùa là hình thức xua đuổi cái xấu, không tốt để đón bình an, may mắn vào dịp năm mới của bà con xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, Bến Tre. Xã Phú Lễ còn được biết đến với một đặc sản rất đặc trưng, chính là rượu Phú Lễ.
Phạm Nguyễn
phamnguyen.dtr@gmail.com