Luôn coi khách hàng là “thượng đế”
Lần đầu Hiếu đi bê tráp là trong đám hỏi của một thầy giáo. Vì chưa có kinh nghiệm nên hôm ấy, thay vì mặc quần âu đi giày tây, Hiếu lại mặc quần bò xanh sáng màu. Trước đó, tóc lại bị cắt hỏng nên trông cậu vừa “ngố”, vừa lạc lõng giữa đội hình. Hôm đó, Hiếu “dính” phải tráp rượu, nặng nên còn bị run tay đến đỏ cả mặt.
Sau lần đầu bỡ ngỡ ấy, Hiếu đã gắn bó với công việc “bán duyên” này hơn một năm trời. Hiếu lập ra “Dịch vụ bê tráp cưới hỏi trọn gói”, với đội ngũ toàn là sinh viên.
Hiếu cho biết, việc truyền thông cho nhóm chủ yếu là đăng bài giới thiệu trên các “group” Facebook có đông đảo thành viên, như: Chợ sinh viên, Dọn nhà cho đỡ chật, PG chuyên nghiệp… Quan trọng nhất là Hiếu liên lạc với các cửa hàng dịch vụ cưới hỏi để khi có khách, họ sẽ chủ động liên hệ với nhóm.
“Thường thì khách hàng sẽ thỏa thuận, chốt thời gian, địa điểm, giá với cửa hàng. Sau đó, cửa hàng thông báo và bọn mình sẽ nhận đám, lo gọi người, chốt nhân lực. Khách nào kỹ tính sẽ hẹn gặp mặt trực tiếp đội bê tráp nhưng cũng có một số khách hàng dễ tính thì chỉ cần tuân thủ theo đúng yêu cầu là được”, Hiếu nói.
Nhóm của Hiếu hiện tại có khoảng 50 bạn (cả nam và nữ) nòng cốt, khi có đám, thành viên nòng cốt sẽ được chọn lựa trước tiên. 50 thành viên nòng cốt được chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm có một bạn phụ trách. Ngoài ra, nhóm còn có trên 100 thành viên không thường xuyên.
Để gia nhập dịch vụ bê tráp của Hiếu, các bạn nam cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như: Cao trên 1,7 m, ngoại hình ưa nhìn, có áo trắng, quần âu đen, giày tây; đối với nữ: Cao trên 1, 58 m, biết trang điểm, ngoại hình ưa nhìn.
Hiện nay, có nhiều dịch vụ cưới hỏi, bê tráp chuyên nghiệp, để cạnh tranh, thu hút khách hàng, “bí kíp” của nhóm là luôn đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng: Đội hình đều, đẹp, nhiệt tình, đến đúng giờ.
“Thông thường, tiền công cho các bạn đi bê tráp trong khu vực nội thành Hà Nội là 50.000 đồng, ngoại thành 60.000 đồng và đi tỉnh là 80.000 đồng. Ngoài tiền công, bọn mình còn được nhận tiền lì xì của chủ nhà, thường là 50.000 đồng, có khi 100.000 – 200.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có đám lì xì chỉ 20.000 đồng.
Có đám, ngoài tiền lì xì, gia chủ ưng ý có thể bồi dưỡng thêm. Lần “khủng” nhất là nhóm mình từng được một chú rể hào phóng “bo” 2 triệu đồng cho 18 người cả nam và nữ trong đội bê tráp”, Hiếu kể.
Nhận “bán duyên” cho trên 500 đám cưới, hỏi
Vào mùa cưới, trung bình mỗi ngày, Hiếu nhận được khoảng 2 đám. Những hôm tốt ngày, Hiếu có thể nhận nhiều nhất là 5 đám.
“Lần chạy nhiều “sô” gần đây nhất của mình là 2 tuần trước: 3 đám/ngày. Hôm đó, 5h30 mình tập hợp quân số tại cổng trường và xuất phát, trời mưa to nên mọi người bị ướt hết. Gia chủ hẹn 6h có mặt tại nhà gái ở Gia Lâm, đến tận 8h30 xe nhà trai (ở Hải Phòng) mới đến. 9h30, xong xuôi công việc, chúng mình ra về với lì xì 30.000 đồng/người.
Đám thứ hai ở Ngọc Khánh, cách Gia Lâm khoảng 12 km, 12h10 là xong việc, lì xì 50.000 đồng/người. Đám cuối ở Long Biên, nhà gái hẹn 12h30 có mặt nên cả đội tức tốc phóng xe đi, chỉ sợ muộn. Đội mình có mặt lúc 12h40, anh em cứ lo bị mắng vì chậm 10 phút, ai ngờ, ngồi đợi đến tận 2h chiều, nhà trai mới đến”, Hiếu kể.
Tính tới thời điểm này, Hiếu đã nhận về cho “Dịch vụ bê tráp cưới hỏi trọn gói” trên 500 đám, riêng Hiếu góp mặt được khoảng 200 đám. “Dân gian quan niệm đi “bán duyên” thì sẽ hết duyên nhưng thực tế, từ công việc này, mình thấy duyên “vào” nhiều hơn, ai cũng có thêm nhiều bạn mới.
Niềm vui lớn nhất khi làm công việc này vẫn là lì xì to. Buồn là khi lì xì nhỏ hoặc phải ngồi chờ gia chủ quá lâu, gia chủ khó tính, có thái độ không tốt với đội…”.
Theo Hiếu, công việc này khá nhàn, lại là bán thời gian nên sinh viên có thể tự do chọn lựa, nếu “đắt sô” và chăm chỉ, có thể giắt “giắt túi” khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng. Việc đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người cũng sẽ khiến các bạn tự tin, trưởng thành hơn thông qua những trải nghiệm từ công việc.
Theo Hồng Giang
Sinh viên Việt Nam