Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Thành nhà Hồ, còn được gọi là Thành Tây Đô, Thành Tây Giai, Thành An Tôn, thuộc địa phận hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt – vương triều Trần từ năm (1389 – 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu – vương triều Hồ từ năm (1400 – 1407).
Trải qua hơn 600 năm, tòa thành kỳ vĩ này vẫn trường tồn với thời gian. Cách đây tròn một năm, vào tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của tổ chức UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), Thành nhà Hồ được tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại. Đây là sự ghi nhận cho những nét đặc sắc mang tầm vóc và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, là niềm tự hào không chỉ của người dân xứ Thanh mà đó là sự minh chứng cho trình độ văn minh của người Việt đã phát triển từ rất sớm.
Cuối thế kỷ XIV, nhận thấy vùng đất phủ Vĩnh xưa là nơi có địa hình hiểm, hợp với việc xây dựng kinh đô, tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly sai Thượng thư lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành đào hào, lập nhà tôn miếu, xây đàn thờ thần, mở phố xá.
Địa điểm xây thành được chọn lựa trên một vùng đất bằng phẳng nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vị trí này còn được bao bọc bởi tứ phía núi non hiểm trở thuận lợi cho việc phòng thủ. Nhà Hồ đã bắt tay vào xây dựng thành. Thành được xây dựng bao gồm Thành nội, La thành, Đàn tế trên khu đất rộng tới 155,6ha nay thuộc huyện Vĩnh Lộc.
Kinh đô có nhiều vòng thành bao bọc lẫn nhau và mở cửa chính về phía Nam, chính điện thiết triều ở giữa…với hai bức tường thành phía Bắc – Nam dài 877m, phía Đông – Tây dài 880m. Toàn bộ tòa thành được lắp ghép bằng những khối đá lớn khổng lồ hình chữ nhật chồng khít lên nhau, tường thành có chiều cao từ 5 – 6m, điểm cao nhất là 10m. Bốn cổng thành được ghép đá theo hình vòm mở ra ở chính giữa, riêng cửa phía Nam có 3 vòm cuốn.
Ngoài diện tích rộng 155,6ha nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, Di sản Thành nhà Hồ còn được bao bọc bởi vùng đệm rộng 5.078,5ha trải dài trên địa bàn 8 xã, thị trấn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Điều này cho thấy công tác bảo tồn tính nguyên khiết di sản là việc làm cần được các cấp ngành từ địa phương đến trung ương đặc biệt quan tâm.
Thành nhà Hồ là Trung tâm kinh thành của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV, Trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Qua nhiều lần tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dưới lòng đất trong khu vực nội thành vẫn còn lưu giữ dấu vết của nhiều công trình quan trọng khác như: Điện Hoàng Nguyên, cung Phù Cực, Tây Thái miếu…
Cách thành chính khoảng 2km, Hồ Hán Thương cho lập đàn tế Nam Giao vào năm 1402 để phục vụ lễ tế trời đến nay được khai quật hoàn chỉnh cho thấy khu đàn còn khá nguyên vẹn.
Nét độc đáo trong nghệ thuật lắp ghép những khối đá khổng lồ, trong khoảng thời gian thi công ngắn nhất, có độ bền vững nhất, được xếp vào bậc nhất không chỉ trong nước mà trong khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia của UNESCO thừa nhận rằng, chưa có một tòa hoàng thành bằng đá nào tương tự ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
Có được niềm tự hào của một Di sản mang tầm vóc thế giới phải kể nỗ lực của chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng như Uỷ ban UNESCO Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chí khoa học hết sức khắt khe do tổ chức này đề ra, đặc biệt là chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Trên thực tế, thử thách thực sự đối với hồ sơ di sản Thành nhà Hồ xuất hiện khi tổ chức tư vấn độc lập ICOMOS đưa ra khuyến nghị không công nhận và đề nghị Việt Nam xây dựng lại hồ sơ để trình lên trong các năm tiếp theo.
Song với sự quyết tâm cao, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng UB quốc gia UNESCO Việt Nam thành lập nhóm phụ trách nội dung với mục đích xây dựng lập luận khoa học, đưa ra các cam kết có tính thuyết phục cao với các thành viên thuộc Tổ chức UNESCO thế giới. Và cuối cùng đã thuyết phục được Uỷ ban Di sản thế giới về giá trị nổi bật toàn cầu của Thành nhà Hồ.
Tiến sĩ Khảo cổ học Đỗ Quang Trọng – Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết: “Thành nhà Hồ là sự biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa Phương Đông, đặc biệt là Nho giáo thực hành. Kiến trúc thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chỉ cải cách theo xu thế thời đại; khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong việc quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiên trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa cho biết, khoảng 30 tỷ đồng đã được đầu tư cho công tác nâng cấp các tuyến đường chính về khu di sản, đường nội thành, các công trình phụ trợ, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi hoạt động như hội thảo: Phát huy giá trị DSVH thế giới Thành Nhà Hồ, triển lãm ảnh “Khoảnh khắc Thành Nhà Hồ”, “Liên hoan văn hóa dân tộc lần thứ XIV-2012”, “Hội chợ quê”, “Triển lãm trưng bày hiện vật thời Trần, Thành Nhà Hồ, Vương Triều Hồ…”, tổ chức cuộc thi tranh cổ động “Thanh Hóa – Ấn tượng một miền di sản”… Đặc biệt, từ ngày 16 – 18/6, tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế của Ủy ban Quốc gia UNESCO các nước châu Á – Thái Bình Dương với sự tham gia của gần 100 đại biểu quốc tế.
Duy Tuyên – Hoàng Văn