Đi săn rau dại

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 06/09/2015
Lần cập nhập cuối: 08/01/2021

Rau rừng vào phố

Mỗi sáng sớm quanh năm, trên khắp ngả đường dẫn về chợ Tân An thành phố Buôn Ma Thuột đều có những nhóm phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số địu trên vai đủ các loại rau rừng non mướt vào chợ bán.

Bà H’Rúi (58 tuổi) ở phường Tân Lập, đã hơn 4 năm chuyên bán rau rừng kể: Ngày trước chỉ có dân bản địa mới hay ăn rau rừng mỗi khi tranh thủ vào rừng lấy củi hái về. Giờ người Kinh cũng thích ăn nên mình hái về bán.

Rau mọc tự nhiên ăn lành cái bụng nên người Kinh khoái lắm. Giá cũng rẻ! Các loại rau như:  Rau dớn, rau tàu bay, lá bép, lá é, dây khổ qua rừng cả lá lẫn quả bán theo bó, mỗi bó giá chỉ từ 5 tới 10 nghìn đồng. Còn cà đắng, măng rừng đắt hơn cũng chỉ 15 tới  20 nghìn đồng một ký. Mùa nắng hiếm hàng, thì giá đắt hơn một chút thôi.

Không chỉ cung ứng trong tỉnh, rau rừng còn được chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước. Chị Tuyết Trinh, nhà ở nội thành Buôn Ma Thuột chuyên cung cấp rau rừng qua mạng cho hay: Sở dĩ rau rừng hút khách là nhờ đặc tính tươi ngon, lạ miệng, không bón phân, không thuốc hóa học. Khách hàng mua thường xuyên với số lượng lớn là các nhà hàng, khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh.

Mỗi khi có nhu cầu họ đặt hàng từ 20-40 kg/tuần/lần với giá bình quân 30 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường hiện nay chưa ổn định, lúc ế ẩm, lúc gom hàng không kịp nên người trồng, kinh doanh rau rừng nào giỏi nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ, ráo riết tìm kiếm khách hàng mới tồn tại lâu được.

Rau rừng có thể chế biến đủ món: Luộc, nấu canh, xào, nộm, ăn sống. Tuy nhiên để có món ăn ngon, hấp dẫn đòi hỏi người nấu phải có bí quyết riêng. Amí Sơn (tức Mẹ Sơn- tiếng Ê Đê) tiết lộ: Mỗi loại rau rừng đều có mùi và những vị hắc, đắng, ngọt, độ mềm hoặc nhớt khác nhau, phải biết cách khử bớt mùi của chúng thì mới ngon được.

Ví như trái cà rừng, người này nấu lên vị đậm đà ngọt hậu, người kia nấu đắng chát nuốt không trôi là chuyện thường. Muốn loại bớt vị đắng chát, ngoài cách ngâm muối thông thường chưa đủ, mà phải chẻ cà làm đôi, luộc sơ qua nước sôi thì mới được.

Không chỉ xào nấu thông thường, người nấu còn nên khéo kết hợp rau với các loại thịt, cá theo tỉ lệ phù hợp làm phong phú món ăn nhưng vẫn giữ được hương vị rừng thuần khiết vốn có.

Di thực về vườn

Rau rừng thường mọc hoang dại dọc các khe suối, triền đá, trên các đồi cao, nương rẫy. Mùa nắng, rau rừng rất hiếm, chỉ vài loại chịu hạn tốt như lá teng leng dùng để giã muối ớt ăn sống, hoặc các loại đọt cây trên cao vào rừng sâu mới có nhiều. Khi cơn mưa giao mùa xuất hiện, rau dại thường chen nhau mọc lên tươi tốt đủ loại khắp dưới tán cây rừng, đâm chồi nẩy lộc trong suốt mùa mưa.

Tuy nhiên diện tích rừng ngày càng thu hẹp, nhu cầu tiêu thụ rau càng tăng khiến rau rừng ngày càng trở thành của hiếm. Già làng Y Bông Êban ở xã Cư Êbur (Đắk Lắk) cho hay: Ngày trước, muốn ăn rau chỉ cần vào rừng là có liền. Giờ hiếm rồi.

Người dân hái về bán nhiều quá lại khai thác theo kiểu tận diệt khiến rau cạn kiệt hẳn. Già phải lội vào tận rừng sâu để hái. Sợ mất gốc, già bứng mấy loại về nhà trồng ăn cho chắc, chứ lỡ thèm rau mà vào rừng không có thì cái bụng khó chịu lắm!

Rau rừng được di dời vào nhà

Để khắc phục tình trạng “cháy” hàng vào mùa nắng, chủ động nguồn hàng cung ứng ra thị trường quanh năm, những người nhạy bén đã mạnh dạn đầu tư trồng rau rừng theo hướng thương mại.

Từng nếm trải mùi vị của nhiều loại rau ăn lúc “đói lòng”, thậm chí rau rừng còn cứu  ông Phan Đình Xuân (thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) thoát khỏi những cơn đau ruột thừa suốt thời kháng chiến hành hạ. Từ đó, ông thành tín đồ say mê nghiên cứu cách di thực đưa rau rừng về vườn nhà.

Năm 2012, với cương vị Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Nhất (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) ông khuyến khích hội viên triển khai trồng thí điểm 3 loại rau rừng gồm: bầu tím, bầu xanh, rau dớn.

Ông Xuân cho biết: Muốn giữ được hương vị đặc trưng của rau rừng phải để rau phát triển thuận theo tự nhiên. Từ lúc trồng đến thu hoạch ngoài tưới nước, nhổ cỏ, tuyệt đối không được sử dụng bất cứ loại thuốc hóa học nào. Nếu có sâu bệnh thì dùng tỏi, ớt ngâm trộn với nhau tưới hoặc dùng tay bắt thủ công.

Rau rừng mọc hoang nên sống rất khỏe, kháng bệnh tốt, không bón phân chúng vẫn xanh tươi cho năng suất cao. Trung bình 1 sào cho thu hoạch từ 30-40kg/lần/tuần, giá bán tại vườn 17 nghìn đồng/kg, xuất đi các tỉnh khác từ 25-30 nghìn đồng/kg. Với giá bán này, người trồng có lãi hơn so với trồng các loại rau thông thường khác.

Cũng bén duyên từ lần đầu thưởng thức món rau rừng dân dã của các buôn làng  tỉnh Lâm Đồng, thạc sĩ Lương Văn Dũng – Phó trưởng khoa Sinh trường Đại học Đà Lạt đã bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng mô hình trồng một số loại rau rừng tại Lâm Đồng” vào năm 2010.

Dày công khảo sát thực địa, sưu tầm, nghiên cứu, ông Dũng đã định danh, công bố được 126 loại rau rừng có mặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các loại rau trên đã được phân tích thành phần dinh dưỡng, tên khoa học và hình ảnh cụ thể giúp người dân dễ dàng nhận biết và yên tâm khi chọn làm thức ăn. Kết quả nghiên cứu cũng mở ra hướng đi mới cho người trồng rau ở Đà Lạt sản xuất rau rừng theo hướng thương phẩm.

Đặc sản rau rừng

Tháng 8/2014, Trung tâm nghiên cứu quốc tế Rừng nhiệt đới – Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) tiến hành trồng thử nghiệm rau rừng trên cơ sở tiếp nối đề tài nghiên cứu của ông Lương Văn Dũng. Từ kết quả trồng thử nghiệm, trung tâm chọn ra được 3 loại rau rất thích hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Lâm Đồng là bầu đất, lỗ bình và cần dại.  

Ông Tôn Thất Minh – Giám đốc Trung tâm cho biết: Rau rừng có sức đề kháng cao, sinh trưởng phát triển tốt. Sau 2 tháng triển khai trồng trên phần diện tích rộng 100m2, rau đã cho thu hoạch 200kg/tháng. Tính giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, trừ chi phí người trồng vẫn có lãi cao. Nếu tìm được đầu ra ổn định, rau rừng có thể sản xuất theo hướng đại trà thương phẩm.

Tuy nhiên, với nhiều người, việc sản xuất rau rừng theo hướng thương mại ổn định là rất khó vì không giải quyết được bài toán muôn thuở: đầu ra cho sản phẩm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ghi (phường Ea Tam, Buôn Ma Thuột) có hơn 3 năm trồng rau dớn chia sẻ kinh nghiệm về phong trào trồng rau rừng ở Đắk Lắk: Khoảng 3 năm về trước, dân Đắk Lắk ăn rau rừng rất nhiều. Rau trong rừng không đủ cung ứng, nhà nhà đua nhau mang giống về trồng.

Thịnh hành được một thời gian, sức mua kém, rau tồn nhiều quá bán không hết, họ lũ lượt nhổ bỏ đi. Con ông Ghi phải ôm rau rừng xuống thành phố Hồ Chí Minh chào hàng ở nhà hàng, quán nhậu. Rất may, thực khách chuộng món lạ, rau rừng được tiêu thụ hết.

Sau trận đó, nhiều người không còn mặn mà với rau rừng, chỉ còn vài hộ bám trụ trồng với số lượng ít. Cây, con gì cũng vậy, quan trọng là có đầu ra ổn định! Cứ thấy ai ăn khoai lại vác mai theo đào, không nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, thì rủi ro luôn tiềm ẩn.

Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk, khẳng định: Rau trong rừng hay di thực về trồng trong nhà đều có hoạt chất, hàm lượng dinh dưỡng tương đồng nhau. Chính nguồn giống, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng quyết định đến hàm lượng tinh dầu trong cây, tạo nên sự đặc sắc riêng cho mỗi loài rau dại. Phải để rau dại phát triển tự nhiên, không chất hóa học, cắt đúng thời điểm mới bảo đảm nguồn dinh dưỡng cao.

Theo Huỳnh Thủy

Tiền Phong

Exit mobile version