Thông điệp từ bánh chưng
Thấy bánh chưng là thấy Tết. Ngày xưa, mỗi cái Tết về, bánh chưng là cầu nối để mỗi người trong chúng ta xích lại gần nhau hơn. Cứ vào tháng Chạp, bên nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng là tiếng cười đùa vui vẻ của ông bà, con cháu. Khoảnh khắc cả gia đình quây quần trò chuyện, chờ bánh chín để dâng lên bàn thờ gia tiên ngày Tết là những điều giản đơn đã làm nên cái Tết Việt.
Ngày trước, mỗi khi bánh chín, nhà nhà lại tặng nhau những cặp bánh chưng được gói tỉ mẩn. Gửi vào chiếc bánh, người ta còn tặng nhau cái tình, tặng nhau cái Tết trọn vẹn. Mộc mạc, đơn giản là thế nhưng đủ để khiến Tết ngọt ngào và ý nghĩa. Ấy vậy mà Tết bây giờ, người ta chạy đua theo những món quà vật chất cầu kỳ, đi tìm những ý niệm xa xôi, rồi tự hỏi “Tết sao cho ngọt?”
Xã hội phát triển, cuộc sống bộn bề những lo toan, tất bật thì việc không cầu kỳ chuẩn bị Tết là điều tất yếu. Nhiều người đi làm xa nhà thậm chí còn lỗi hẹn về quê ăn Tết với gia đình.
Trong quan niệm của một bộ phận người lao động hiện nay, họ sợ Tết bởi những gánh nặng mưu sinh. Giá trị Tết truyền thống đang bị ảnh hưởng bởi sự đề cao của giá trị vật chất. Chi phí mua sắm đắt đỏ cùng với quan điểm quà Tết dần biến tướng nặng nề chuyện tiền bạc, biếu xén, mối quan hệ…
Áp lực kinh tế đã khiến nhiều người còn có suy nghĩ tiêu cực, không dám về quê ăn Tết. Như gia đình chị Nguyễn Thị Lan (nhân viên văn phòng, Q.4, TP.HCM) quyết định ăn Tết đơn giản hơn tại TpHCM và không về quê đoàn tụ cùng bố mẹ.
Chị cho biết, do năm nay kinh tế eo hẹp, cả hai vợ chồng dành dụm cả năm cũng chả được bao nhiêu. Mà mua vé xe về cũng đắt, rồi quà cáp cho mọi người ở quê, lì xì… Nên chị quyết định chỉ gửi tiền về biếu bố mẹ hai bên rồi đành lỡ hẹn sang năm.
Không riêng chị Lan, nhiều người đang làm ở đủ các ngành nghề từ công nhân viên chức, đến kinh doanh, buôn bán, xây dựng… cũng cảm thấy áp lực từ Tết. Tiểu thương tranh thủ ba ngày Tết kiếm thêm chút đỉnh, nhưng lại lo sợ ôm hàng tồn chết vốn; công nhân xây dựng lo chủ trả chậm lương thưởng; nhân viên công ty gấp rút hoàn thành công việc để còn kịp về quê đón Tết…
Việc gói bánh chưng trước đây cũng hàm chứa giá trị truyền thống cao quý đó. Những chiếc bánh chứa đựng nhiều tâm huyết, tình cảm của người gói.
Đó là khi lựa chọn những chiếc lá đẹp nhất, cẩn thận bẻ góc để chiếc bánh được vuông vức đẹp đẽ; là khi cùng nhau ngồi canh bếp lửa cười đùa vui vẻ, là lúc sang tận nơi để biếu nhau cặp bánh chưng nhà làm. Cái cầu kỳ của người xưa là trong cách thể hiện, để cả người gói, người cho và người nhận đều cảm nhận được cái chân tình mà họ đang dành cho nhau.
Sợ Tết, nhưng vẫn phải có Tết
Tuy mang nhiều áp lực khi Tết đến, nhưng nhìn chung, người Việt Nam vẫn xem Tết là dịp lễ quan trọng, ý nghĩa nhất trong năm. Nhưng để giảm bớt những nỗi lo và “nỗi sợ” Tết đi, điều cần nhất là sự đồng lòng thấu hiểu của tất cả mọi người. Tết chỉ thực sự ngọt ngào và ý nghĩa khi hàm chứa giá trị của tình cảm chân thật. Phóng sự ngắn “Tết sao cho ngọt” do Đường sạch Biên Hoà thực hiện vừa qua đã nêu được câu trả lời cho những băn khoăn, trăn trở dịp Tết của đa số mọi người.
Đôi khi bận rộn khiến người ta quên đi giá trị ban đầu của ngày Tết cổ truyền, lý do vì sao lại có Tết. Ngày nay, Tết rất cần những sự sẻ chia, những tấm chân tình, để đọng lại những giá trị truyền thống thiêng liêng trong mỗi thế hệ chúng ta. Hãy cùng nhau làm nên một mùa Tết ngọt trọn vẹn