Cơ duyên nào đưa anh đến với “Trăng Hát”, thưa đạo diễn?
Câu chuyện cũng không có quá nhiều chi tiết bất ngờ nhưng tôi tin đó cũng là một mối duyên.
Lần đầu tiên tôi gặp Phạm Thùy Dung là tại buổi tập cho một show diễn của Tùng Dương (tại chương trình đó, Phạm Thùy Dung là ca sĩ khách mời). Sau khi nghe Phạm Thùy Dung hát, tôi cảm thấy khá ấn tượng với chất giọng trong veo của cô ấy.
Bởi vậy, khi êkíp của Phạm Thùy Dung có lời mời tôi đảm nhận vai trò đạo diễn ánh sáng cho concert “Trăng Hát”, tôi đã nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên ấy, mường tượng lại ấn tượng của mình về giọng hát của Phạm Thùy Dung và cảm thấy rất thú vị: chất giọng trong veo ấy khá phù hợp, có nhiều tương đồng với chủ đề “Trăng Hát”.
Và anh sẽ thể hiện chủ đề đó như thế nào?
Thứ nhất, đó là việc sử dụng màu trắng. Có lẽ, chưa sân khấu nào dám làm toàn bộ bằng màu trắng như vậy. Tôi cho rằng, với giọng hát trong veo như của Phạm Thùy Dung, concert lại mang tên “Trăng Hát” thì việc sử dụng sắc trắng làm màu sắc tổng thể sẽ khá thú vị.
Cái khó cho êkíp thiết kế sân khấu, ánh sáng là vừa phải đảm bảo tính tôn nghiêm, quy chuẩn, hàn lâm của dàn nhạc giao hưởng, vừa đảm bảo tính hiện đại cho ca sĩ và các phần trình diễn ca khúc. Tất cả phải hài hòa để cho ngôn ngữ âm nhạc lên tiếng. Bao giờ cũng thế, nghệ thuật phải phục vụ tâm trí trước, sau đó mới phục vụ mắt nhìn.
Khác biệt và thách thức hơn nữa đến từ kết cấu của chương trình. “Trăng Hát” có cả nhạc cổ điển thế giới, nhạc Việt Nam và nhạc giao thoa. Từ đó, bài toán đặt ra là phải làm sao phối trộn hài hòa các yếu tố để không tạo ra độ vênh; chỉ cần một chi tiết phụ kém thôi thì giá trị tổng thể sẽ kém đi.
Nếu “Trăng Hát” là một chương trình hòa nhạc cổ điển thì không quá khó để làm vì các chương trình hòa nhạc có một quy chuẩn về vị trí dàn nhạc, ánh sáng… Thế nhưng, đây lại là một live-concert với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau. Cái khó cho êkíp là vừa đảm bảo tính tôn nghiêm, quy chuẩn của dàn nhạc vừa đảm bảo tính hiện đại cho ca sĩ và các ca khúc. Tất cả phải đảm bảo để cho ngôn ngữ âm nhạc lên tiếng.
Trong những thiết kế lần này, anh cảm thấy thích thú nhất với phần nào?
Với một live-concert như “Trăng Hát” thì âm nhạc vẫn phải là yếu tố quan trọng nhất. Tất cả những thứ bài trí trên sân khấu (từ ánh sáng, sắp đặt, múa phụ họa…) chỉ được phép tôn âm nhạc lên, làm cho sức lan tỏa của âm nhạc mạnh nhất, lớn nhất. Chúng tuyệt đối không được can thiệp vào âm nhạc quá sâu.
Còn dĩ nhiên, nếu để chọn lựa trong những thứ bài trí ấy, thứ mà tôi hứng thú nhất thì đó là phần điêu khắc, sắp đặt hai bên cánh gà. Nó tạo ra một không gian khác vừa hiện đại vừa gợi những đường nét, sự uyển chuyển, mềm mại cũng như những trạng thái cảm xúc, tâm lý của phụ nữ; giúp khán giả liên tưởng tới sóng, gió, những đường cong… Nghĩa là khi khán giả có sự tưởng tượng, họ sẽ liên tưởng được rất nhiều thứ trong đó.
Việc thiết kế một sân khấu trừu tượng, ẩn dụ nhiều như vậy liệu có “làm khó” khán giả không?
Hoàn toàn không! Ca sĩ và dàn nhạc vẫn là chủ đạo. Khi âm nhạc có sức lan tỏa, nó sẽ dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Nhạc đi vào tai, kết hợp với những hiệu ứng thị giác mà mắt đón nhận được sẽ tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Những liên tưởng sẽ mở ra không ngừng.
Cái khó khăn nhất là tôi phải tiết chế để trong không gian đó, âm nhạc vẫn phải là chủ đạo.
Ngoài ánh sáng, sắp đặt, sân khấu còn chiếu visual art. Việc tiết chế ánh sáng đòi hỏi tính toán vô cùng chi ly. Khi lên bản thiết kế, tôi phải tính từng cm để làm sao để cân đối. Khi nhạc trưởng sắp xếp, xác định xong vị trí của dàn nhạc, tôi phải đo đếm chi tiết xem sân khấu còn thừa diện tích bao nhiêu để đặt những thứ kia vào. Tôi phải gạn từng cm sân khấu, chưa bao giờ phải làm việc đó dù đã từng làm rất nhiều liveshow khác.
Tôi phải dùng từ “kinh khủng” – mọi thứ đều vô cùng khắt khe, chặt chẽ. Khi dàn nhạc sắp xếp xong vị trí các nhạc cụ, nhạc công thì đã đặc quánh sân khấu Nhà hát Lớn. Chính ca sĩ cũng không còn nhiều môi trường ánh sáng để thể hiện. Đó là khó khăn tiếp theo. Từ đây, tôi lại phải tính vị trí nào tốt nhất để làm cho ca sĩ lộng lẫy nhất có thể. Đó là bài toán khó vì vị trí treo đèn ở nhà hát đã cố định rồi.
Nếu là một buổi hòa nhạc của dàn nhạc, ca sĩ chỉ là khách mời thôi thì câu chuyện lại khác. Nhưng đây lại là live-concert của ca sĩ cùng dàn nhạc, ca sĩ là tâm điểm thì lại là một bài toán khó khác: vừa tính cho ca sĩ vừa tính cho dàn nhạc.
Ngoài ra, tôi cũng phải tính đến lối đi lại của những người chạy hậu đài, tính làm sao để khi các khối điêu khắc xếp vào rồi thì vẫn còn chỗ cho những người đi lại hai bên. Chỉ cần sai lệch một chút thôi là có vấn đề.
Giữa bối cảnh nhạc thính phòng ở Việt Nam không nhiều khán giả, việc thực hiện một live-concert như “Trăng Hát”, theo anh, có phải là sự liều lĩnh của Phạm Thùy Dung không?
Khi nghệ sỹ dám đi con đường riêng thì đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Vấn đề là họ có đủ niềm tin để đi hay không. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy thôi. Thế nhưng, với một nghệ sỹ, muốn khẳng định mình, muốn đi trên con đường riêng thì phải chấp nhận mọi rủi ro. Đó là điều quan trọng.
Lần đầu tiên tôi làm chương trình với dàn nhạc 65 người. Tất cả mọi việc tôi làm đều là muốn thách thức chính bản thân mình. Tôi không quan tâm giá tiền bao nhiêu. Tôi tập trung toàn bộ vào làm nghệ thuật, muốn xem mình có chịu được nó không, có đi qua được nó không và đi như thế nào.
Mỗi lần bước qua được thách thức như vậy là một trải nghiệm mà tôi tin, trong đời sống, không phải ai cũng có được.
Xin cảm ơn anh!