Chị Trang, 28 tuổi, chung cư Dương Nội (Hà Nội) cho biết, khoảng gần 1 tháng nay, nhà chị bị hàng đàn kiến ba khoang tấn công.
“Nhà tôi ở tầng 22 chung cư nhưng cứ 8-9 giờ tối, kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều, bám dày đặc trên bờ tường, bóng đèn và ghế sofa, làm cách nào cũng không đỡ. Nhiều hộ gia đình tại đây cũng phản ánh tình trạng tương tự”, chị Trang kể.
Chung cảnh ngộ, anh Hiệp, 34 tuổi, chung cư Gemek Tower (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho biết, mấy tuần nay gia đình anh “mất ăn, mất ngủ” vì kiến ba khoang tấn công. “Cách đây 5 ngày, tôi bị kiến bò vào tay, theo phản xạ, tôi lấy tay gạt ra thì bị bỏng rát, sưng phồng, phải bôi thuốc nhiều ngày liền mới đỡ”, anh Hiệp kể.
Dù đã đóng hết cửa sổ, cửa chính và tắt bóng đèn vào buổi tối nhưng gia đình chị Huyền (38 tuổi) hiện sống ở một chung cư quận Hà Đông vẫn bị kiến ba khoang bò vào nhà. Cách đây vài ngày, khi đang ngủ, người con trai chị Huyền vô tình nằm đè vào kiến, khiến nọc độc tiết ra làm chân bị bỏng rộp, đau rát.
“Con đang ngủ bỗng nhiên khóc thét, tôi bật đèn dậy kiểm tra thì thấy hàng chục con kiến ba khoang bò rải rác trên tường. Sau đó, tôi phải rửa xà phòng, nước muối và bôi thuốc để làm dịu vết đau cho con”, chị Huyền nói.
Cũng theo chị Huyền, tòa nhà chị ở ngoại thành Hà Nội, xung quanh là cánh đồng, hồ nước nên kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa. Nhiều gia đình sống gần đó cũng gặp tình cảnh khốn khổ vì bị kiến tấn công, phải đi viện điều trị.
“Người dân ở đây phải góp tiền phun thuốc và lắp lưới chống côn trùng nhưng vẫn không đỡ, kiến vẫn xuất hiện. Nhiều gia đình có con nhỏ phải mang con đi gửi ông bà, hoặc đến nhà người thân sống tạm”, chị Huyền kể.
Trao đổi với Pv Dân trí, các chuyên gia y tế cho biết, hiện đang là mùa cao điểm kiến ba khoang hoành hành, với những yếu tố thuận lợi như thời tiết, thức ăn để kiến ba khoang phát triển. Đặc biệt là đối với các khu dân cư sống cạnh cánh đồng, ao hồ, nơi có nhiều thực vật là nguồn thức ăn cho kiến.
Trong kiến ba khoang có một chất độc tên là Pederin, có độc tính cao gấp từ 12 đến 15 lần chất độc của rắn hổ mang. Chất này gây ức chế phân bào, người dân không biết khi gặp kiến ba khoang thường dùng tay đập, sau đó bị chất độc dính vào tay dẫn đến viêm da tiếp xúc với côn trùng. Tại cùng tổn thương, người bệnh có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, cho biết kiến ba khoang thường xuất hiện vào buổi chiều tối, theo ánh sáng điện bay vào nhà. Thực kế, loài vật này không đốt người mà trong cơ thể chúng có độc tố, khi dùng tay đập, giết kiến nọc độc này dính vào da gây tổn thương.
“Khi gặp kiến bò thì tuyệt đối không được đập, giết bằng tay mà phải dùng chổi quét đi hoặc dùng thuốc diệt côn trùng. Nếu như phát hiện bị ảnh hưởng bởi chất độc kiến ba khoang thì tùy theo mức độ để xử lý, nhẹ thì có thể bôi thuốc giúp vết thương giảm khó chịu, nặng thì cần phải đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị”, bác sỹ Cấp nói.
Do là loài ưa ánh sáng đèn ban đêm, nên để hạn chế kiến bay vào nhà các gia đình nên đóng cửa, buông rèm, tắt điện, dùng lưới chắn côn trùng. Ngoài ra, có thể bật điện ngoài ban công để thu hút kiến, phía dưới đặt một chậu nước. Kiến ba khoang thấy ánh sáng sẽ bay vào, rơi xuống chậu nước.
Hà Trang – Trọng Trinh