Đại lễ cầu siêu cho đồng bào tử nạn trong Thất thủ kinh đô Huế

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 18/06/2017
Lần cập nhập cuối: 06/01/2021

Được sự đồng ý của UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế và sự giúp đỡ của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Môn phái Tổ Đình Tường Vân thực hiện trai đàn chẩn tế cầu siêu cho các Anh hùng Liệt sĩ, chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn trong biến cố năm Ất Dậu nhân dịp 132 năm ngày thất thủ Kinh đô (1885-2017).

Cách đây 132 năm, quân đội triều đình nhà Nguyễn tại Kinh thành Huế đã bất ngờ tấn công Tòa khâm sứ Pháp ở bờ nam sông Hương trong đêm. Do lực lượng yếu và thiếu về vũ khí, quân Pháp đánh trở lại, đưa quân vào càn quét Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương. Hàng ngàn người dân, binh lính, quan lại nhà Nguyễn đã bị giết hay tử vong trên đường chạy trốn ra khỏi Kinh thành. Từ đó Huế lấy ngày 23 tháng 5 âm lịch làm ngày Thất thủ kinh đô.

Vào năm 1894 dưới triều vua Thành Thái, triều đình Huế đã cho lập Đàn Âm Hồn để thờ các vong linh bị tử vong trong ngày Thất thủ kinh đô. Năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận Đàn Âm Hồn là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, biểu trưng cho tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc cuối thế kỷ XIX.

Đây là lần đầu tiên Đại lễ cầu siêu được tổ chức tại Đàn Âm Hồn. Thời gian Đại lễ cầu siêu diễn ra trong hai ngày 17 và 18/6 (nhằm ngày 23 và 24/5 âm lịch). Trong ngày 23/5, một lễ tế thuần túy theo nghi lễ Phật giáo được diễn ra. Ngày 24/5 âm lịch, sẽ có đại diện lãnh đạo các cấp chính quyền và người dân lên dâng hương.

Trong Đại lễ cầu siêu vừa diễn ra sáng nay gồm các phần lễ nghi và tụng kinh liên tục để cầu nguyện cho những vong linh. Bên cạnh đó là phần tuyên dương công đức, lễ phóng sinh chim sẻ để cầu cho các vong linh sớm được yên nghỉ.

Đàn Âm Hồn
Đại lễ cầu siêu tại Đàn Âm Hồn cho các vong linh trong Thất thủ kinh đô năm xưa
Các nghi lễ tiến hành
Các Hòa thượng, Chư tăng ni và người dân Huế cùng cầu nguyện

Đại Dương – Hồng Hạnh – Như Trang

Exit mobile version