Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, tính đến cuối tháng 7/2019, toàn tỉnh có hơn 5.800 ha lúa bị thiếu nước tưới. Trong đó có 1.315 ha khả năng bị mất trắng do không còn nguồn nước để bơm tưới chống hạn.
Ngoài ra có khoảng hơn 6.000 ha lúa và hàng chục ngàn ha cây trồng cạn đang có nguy cơ thiếu nước, ảnh hưởng sinh trưởng kém tập trung chủ yếu ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An.
46 hồ chứa nước ở Phú Yên cũng đang ở trong tình trạng đáng báo động, khi mực nước và dung tích hiện tại của các hồ đang ở mức khoảng 20 – 57% so với dung tích thiết kế và thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 36 – 58%.
Nguyên nhân chính dẫn đến “đại hạn” trên địa bàn tỉnh được sở NN&PTNT lý giải là do tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 6 thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 7,7 – 207 mm.
Đồng lúa nứt nẻ, cháy khô
Theo ghi nhận thực tế của PV Dân trí tại một số cánh đồng của tỉnh Phú Yên, đa số những diện tích ruộng lúa nằm ở cuối nguồn nước đang rơi vào cảnh thiếu nước, lúa gieo sạ chết hơn 70%.
Hơn 700ha lúa của xã Hòa Thịnh rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng
Đơn cử như cánh đồng lúa tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, hầu hết các diện tích lúa đã gieo sạ rơi vào cảnh nứt nẻ, cháy khô… máy bơm đã được lắp sẵn sàng nhưng hiện tại nguồn nước không có để bơm vào ruộng.
Chua xót khi nhìn những diện tích lúa đã gieo sạ bị chết dần, chết mòn vì “khát nước”, ông Nguyễn Văn Hiền, xã Hòa Thịnh nói: “Đã lâu lắm rồi tôi mới chứng kiến cảnh hạn hán như thế này, nắng nóng khắc nghiệt, nên đa số các diện tích lúa sau khi gieo sạ thì rơi vào cảnh chết dần, chết mòn. Mùa này coi như mất trắng!”.
Theo nông dân thì hầu hết các diện tích này sẽ mất trắng
Theo ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho biết, tính đến nay đã có khoảng 80% diện tích lúa của địa phương rơi vào tình trạng mất trắng và thiếu nước ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và cho thu hoạch.
“Hiện tại nguồn nước từ sông suối, giếng khoan… cạn dần, nên dù máy bơm đã sẵn sàng nhưng vẫn không có nước để bơm. Hiện tại đã có hơn 700/862ha diện tích lúa rơi vào cảnh có nguy cơ mất trắng và mất trắng nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài” ông Lâm nói.
Tương tự như ở xã Hòa Thịnh, nhiều cánh đồng của xã An Ninh Đông (H. Tuy An) cũng rơi vào cảnh khô hạn, lúa chết dần chết mòn.
Cánh đồng 4ha của xã An Ninh Đông cũng rơi vào cảnh thiếu nước mất trắng
Ruộng đồng, nứt nẻ
Xót xa trước cảnh 4ha lúa của nông dân xã An Ninh Đông, huyện Tuy An đã gieo sạ, nhưng thiếu nước tưới dẫn đến mất trắng, ông Nguyễn Quang Trị, Trưởng ban kiểm soát của HTX An Ninh Đông nói: “Nắng hạn quá khủng khiếp, cả chục mấy bơm hoạt động liên tục nhưng không đủ thấm nên nhiều diện tích cuối nguồn của xã An Ninh Đông rơi vào cảnh mất trắng. Riêng khu vực này có khoảng 4ha bị nắng hạn làm mất trắng, còn nhiều nơi khác ở xã cũng rơi vào tình trạng tương tự…”
Thiệt hại cho người nông dân chưa dừng lại
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới Phú Yên là một trong những địa phương có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ đó nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Nhiều diện tích dù đã gieo sạ hơn 1 tháng nhưng đến nay mới có nước về ruộng
Nước về nhưng lúa thì đã chết khoảng hơn 70%
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PNTT Phú Yên dự báo, mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt ở Phú Yên sẽ rất nghiêm trọng, vì trời tiếp tục nắng.
Theo ông Tùng, để giảm bớt thiệt hại cho người nông dân, trước mắt Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương đào, khoan thêm giếng, lập các trạm bơm giã chiến ở những nơi có nguồn nước để tích cực cứu lúa.
Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh việc bơm tưới để cứu lúa
“Hiện chúng tôi đã lắp thêm nhiều trạm bơm dã chiến tại các vị trí có nguồn nước như Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) và trạm dã chiến xi phông, cũng như lắp các trạm bơm để bơm nước từ sông vào các kênh để phục vụ chống hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với các địa phương khoan giếng tại những vị trí có nguồn nước để cứu cây trồng.
Về lâu dài, sẽ đẩy mạnh trong đầu tư các công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, khai thác nguồn nước mặt từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các sông lớn… để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt mang tính ổn định hàng năm…” – ông Tùng nói.
Còn theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, để cứu ngành nông nghiệp tỉnh nhà, hiện tại tỉnh đã chỉ đạo tất cả các hệ thống thủy lợi trên địa bàn phải kết nối và hỗ trợ, san sẻ cho nhau để đảm bảo tưới.
“Đối với những hệ thống hồ đập và hồ thủy điện UBND tỉnh yêu cầu phải điều tiết tưới nước xuống hạ lưu để tập trung chống hạn. Ngoài ra, cùng với sự nỗ lực của địa phương trong chống hạn hiện nay, tỉnh Phú Yên cũng đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí 9,8 tỷ đồng để hỗ trợ chống hạn, xâm nhập mặn trong sản xuất vụ Hè thu năm 2019” – ông Thế cho biết.
Trung Thi