Nghiện hàng hiệu
Là con một gia đình khá giả ở Hải Phòng, lên học ở Hà Nội, N không tiếc “ném” tiền vào những shop hàng hiệu để thể hiện “đẳng cấp” của mình. Được bố mẹ chu cấp khá “sộp”, nhưng hầu như N. chỉ dồn hết vào việc mua sắm hàng hiệu.
Thời gian đầu, N. thậm chí còn phát cuồng vì mua sắm. Cô say sưa lượn shop cả ngày trời, mê đắm với những quần áo, giày dép, túi xách: “Quần là phải D& G, Channel, áo thì phải CK, Levis, Dior… Có như vậy mới không lẫn vào đám đông được. Mà mình dùng đồ hiệu quen rồi, giờ bảo mình mặc hàng chợ, ớn!…”, N. tuyên bố.
Còn D, một “thiếu gia” con nhà lính đang học ở Hà Nội tỏ ra sành sỏi: “Thời buổi nào rồi, ai chả soi xem mình đi xe gì, dùng điện thoại gì, mặc áo gì, quần gì! Đứa nào đại gia là phải iphone, laptop hàng hiệu từ chân đến… đỉnh đầu. Thế mới là đẳng cấp!”.
17 tuổi, chới với giữa kì thi khảo sát chất lượng ở trường, nhưng D. lại rất sành về các thương hiệu thời trang, nước hoa, điện thoại “hot” nhất, nổi tiếng nhất. Hỏi, tiền đâu mà mua đồ đắt thế, D. cười phá: “Chịu khó học với “nịnh” tí thì “ông bà bô” sá gì. Với lại đồ mình diện chứ có ném qua cửa sổ đâu!”.
Không chỉ ham hố những món hàng tiêu dùng đắt tiền, nhiều bạn trẻ còn chạy theo những trào lưu “ngoại” cực kì tốn kém. Nuôi thú cảnh hàng triệu đồng, săn phụ kiện, đồ đôi độc (với số tiền cũng “độc” không kém.!), sưu tầm đồ cổ, chơi xe cổ…là những cách chẳng giống ai để thể hiện sự sành điệu và độ có tiền của những tiểu thư, công tử con nhà giàu. Những thú tiêu khiển tưởng chỉ có ở trên phim, ở nước ngoài, của những người nổi tiếng thế giới nay đang dần phổ biến ở teen Việt.
Đại gia đi thuê
Dễ dàng nhận thấy, không phải ai cũng đủ khả năng tài chính nhằm thỏa mãn sở thích dùng hàng hiệu, nhất là với phần đông giới trẻ Việt là những người thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập.
Không ít người luôn trong tình trạng cháy túi vì chạy theo thời trang, hàng hiệu. Có người còn sẵn sàng đi vay để có tiền mua điện thoại xịn, xe xịn… Những tình huống dở khóc, dở cười cũng từ đó mà ra.
“Tại mình có tính bốc đồng, lại mê hàng hiệu nên nhiều khi khổ lắm. Thích là mua, dù nhịn ăn cũng phải mua. Cầm chiếc ví LV mà bên trong còn chẳng đủ tiền ăn một tháng, thẻ ngân hàng thì luôn hết nhẵn… Nhiều khi phải vay nóng bạn bè hoặc xin viện trợ của bố mẹ, cũng ê mặt lắm”, Thanh Thủy, nhân viên PR thành thật.
Dù sao Thủy cũng có việc làm ổn định với mức lương tương đối. Còn nhiều cậu ấm cô chiêu con nhà lính, tính… sính ngoại, để có tiền mua hàng hiệu lấy le với bạn bè đã không tiếc công nghĩ ra những tuyệt chiêu lừa mẹ dối cha, lấy tiền tiêu xài.
Không đủ sức để mua đồ hiệu “xịn”, có người còn phải kham bằng cách dùng đồ fake (hàng nhái), thậm chí đi thuê đồ hiệu với giá cắt cổ để thỏa mãn cơn ghiền hàng hiệu. Thanh Nga (Lạng Sơn) như vớ được vàng khi biết đến dịch vụ cho thuê hàng hiệu.
Từ những hiệu quần áo nổi tiếng, đến những bộ nữ trang đắt tiền, hay đơn giản hơn là chiếc điện thoại di động đều có thể…thuê được. Thay vì phải vất vả làm thêm, Nga dễ dàng sở hữu những chiếc túi xách vài trăm đô, thậm chí cả nghìn đô trong khoảng thời gian đi thuê. Được biết, giá thuê cũng tùy theo nhãn hiệu của món đồ, còn tiền thuê thì vào khoảng 5% đến 10% giá trị.
Cũng không ít teen nghiện hàng hiệu lại có cách sở hữu hàng hiệu đơn giản hơn đó là mua hàng có thương hiệu đã qua sử dụng. Chỉ cần tút tát lại nhiều teen đã hãnh diện sắm cho mình những đồ dùng y như mới với cái giá mềm mỏng hơn nhiều.
Tuy nhiên, việc thuê đồ hiệu cũng không thật dễ dàng. Mặc dù số tiền thuê không cao bằng việc mua nguyên sản phẩm nhưng với mật độ “mỗi ngày đến trường là một nhãn (hiệu) mới” Nga cũng méo mặt để chi tiền. Đôi lần, Nga sơ ý làm hư đồ, thế là phải đền cho cửa hàng thuê, mà tiền đền thì ít cũng phải 50% – 70% giá trị món đồ.
Bên cạnh đó, mỗi lần lỡ trả không đúng hẹn là chủ hàng lại có lí do để tăng tiền. Nhiều cô cậu trót dính vào hàng hiệu thì dễ bị nghiện hay không dám lộ vỏ bọc hay phá vỡ hình ảnh lung linh trong mắt bạn bè. Họ vô tình tự cuốn mình vào vòng xoáy của cơn lốc hàng hiệu.
Theo Vietnamnet