Một nghiên cứu mới đây của các giảng viên tâm lý học thuộc trường Đại học Aberdeen (Scotland) đã cho thấy rằng một cặp đôi càng cùng nhau xem nhiều chương trình hoặc bộ phim truyền hình, thì cặp đôi đó càng cảm thấy hạnh phúc, gắn kết với nhau.
Đối với những cặp đôi không có sở thích theo dõi chương trình trên TV, việc cùng nhau đọc chung những cuốn sách cũng có thể đưa lại những tác dụng tương tự. Việc cùng nhau xem phim, đọc sách đặc biệt có lợi cho những cặp đôi có ít bạn chung hoặc có ít hoạt động chung trong đời sống giao tế ngoài xã hội.
Các giảng viên tâm lý học của trường Đại học Aberdeen cho rằng khi các cặp đôi cùng quan tâm đến những nhân vật trên màn ảnh hay nhân vật trong tiểu thuyết, họ sẽ nghĩ về những nhân vật này tương tự như nghĩ về những người quen trong cuộc sống thường nhật, điều đó giúp cặp đôi có thêm những mối liên hệ dù trong cuộc sống thật họ không có nhiều bạn chung.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia tâm lý đã tìm hiểu sinh hoạt văn hóa của hơn 250 cặp đôi đã gắn bó lâu dài với nhau bằng những câu hỏi về mức độ gắn bó, về tần xuất xem TV cùng nhau, về số đầu sách đọc chung với nhau, số bạn bè chung của cả hai người…
Kết quả cho thấy rằng những cặp đôi dành thời gian để cùng nhau ngồi xem TV hoặc cùng nhau đọc chung những cuốn sách có cảm nhận về sự thân mật, gần gũi cao hơn hẳn, đặc biệt, những cặp đôi này lại thường có ít bạn chung hơn so với những cặp đôi khác.
Thí nghiệm thứ hai được thực hiện với những cặp đôi có ít bạn chung, nhưng trước đây họ chưa thử cùng nhau xem TV và đọc sách. Sau khi chủ động thực hiện hai việc làm này một cách định kỳ, các cặp đôi này thông báo lại rằng càng lúc họ càng thích thú với việc cùng nhau xem TV hoặc đọc sách mỗi tối.
Tuy vậy, cũng cần phải chú ý rằng liệu pháp này chỉ phát huy tác dụng đối với những cặp đôi thực sự thấy thích thú với việc xem TV hay đọc sách.
Mối quan hệ giữa các cặp đôi sẽ gia tăng sự thân mật khi họ có những người bạn chung, nhưng khi một cặp đôi không có nhiều bạn chung, thì việc cùng nhau tạo nên những “người bạn ảo”, như các nhân vật trong phim truyền hình, trong tiểu thuyết… có thể là một giải pháp thay thế. Sự “bù đắp” này có thể khỏa lấp cho sự thiếu hụt bạn bè chung, giúp gia tăng cảm giác gần gũi.
Người đứng đầu nghiên cứu – giáo sư Sarah Gomillion – cho rằng con người có những nhu cầu mang tính nền tảng, trong đó, tình cảm đôi lứa đòi hỏi phải có cùng nhau những trải nghiệm xã hội, và khi thiếu những trải nghiệm này (do không có nhiều hoạt động chung ngoài xã hội), các cặp đôi có thể chủ động tạo ra bằng cách cùng nhau xem những bộ phim, cuốn sách yêu thích.
Mặc dù vậy, một nghiên cứu khác của trường Đại học Cambridge (Anh) hồi tháng 6 cũng đã thống kê được rằng khi một cặp đôi để TV trong phòng ngủ, việc làm này lại có thể “lợi bất cập hại”, khiến đời sống lứa đôi bớt thăng hoa.
Những con số thống kê về tần suất “yêu” của các cặp vợ chồng ở những thập niên trước đây so với thời hiện tại đã cho thấy một sự sụt giảm rõ rệt và nếu cứ theo đà giảm đó, nghiên cứu của Đại học Cambridge còn lo ngại rằng đến năm 2030, các cặp đôi có thể sẽ chẳng còn buồn “yêu” nhau nữa.
Giáo sư David Speigelhalter – người đứng đầu nghiên cứu – cho rằng một vấn đề mà con người hiện đại gặp phải đó là họ kết nối quá nhiều với những thiết bị điện tử, điều đó khiến con người hiện đại không bao giờ thiếu cái để quan tâm, để giải trí, và vì vậy, các cặp đôi dần dần vô tình xao lãng nhau, bớt “yêu” nhau.
Trong khi việc dành thời gian xem TV cùng nhau có thể đưa lại những lợi ích, thì việc xem quá nhiều, ngồi lì hàng tiếng trước màn ảnh nhỏ để “giết thời gian”, lại khiến tình cảm lứa đôi nhạt nhẽo đi.
Cuối cùng, nghiên cứu của trường Đại học Aberdeen nhấn mạnh rằng truyền hình có thể đưa lại cho người xem một đời sống tinh thần giàu có, sâu sắc hơn, với điều kiện người xem phải biết sử dụng đúng.
Remember When – Alan Jackson
Bích Ngọc
Theo Daily Mail