Cửa hàng hàn gắn trái tim

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 22/05/2009
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021
Niềm vui nâng nhau vượt qua mặc cảm tật nguyền và chung tay giúp trẻ em mắc bệnh tim… thôi thúc họ sáng tạo các sản phẩm đẹp, mới lạ.      

Một góc ở cửa hàng Healing wounded heart      

 

Từ một tấm lòng…

 

Thấp thoáng sau nụ cười các bạn trẻ khuyết tật và những trẻ em mắc bệnh tim là hình ảnh một người phụ nữ gốc Ý – bà Marichia Simcik Arese. Bà là thành viên tổ chức Chuyên hỗ trợ việc làm cho người nghèo và người tàn tật tại Mỹ – The Spiral. Marichia đã bỏ tâm sức khai trương cửa hàng Healing wounded heart tại Huế. Cửa hàng được ví là điểm hẹn của những tấm lòng.       

 

Hình ảnh đất nước Việt Nam anh hùng trong chiến tranh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong Marichia. Năm 2003, bà nhận những bức thư kêu gọi hỗ trợ trẻ em mắc bệnh tim của TS Nguyễn Viết Nhân (người phụ trách Văn phòng tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật của Trường đại học Y dược Huế (OGCDC). Marichia không ngần ngại đến Huế làm từ thiện.     

 

Những ngày rong ruổi trên đất cố đô, Marichia chứng kiến nhiều trẻ em quằn quại trong cơn đau tim, những cảnh đời không lành lặn tại Cơ sở dạy nghề và đào tạo việc làm cho người khuyết tật và trẻ em khó khăn (20 Nhật Lệ, TP Huế)… Bà đau đáu câu hỏi: “Mình phải làm gì để giúp đỡ các em?”. Thế rồi, Marichia nảy ra ý tưởng: mở cửa hàng Healing wounded heart tạo việc làm cho các trẻ khuyết tật, và lợi nhuận sẽ trích ủng hộ bệnh nhi mắc bệnh tim.      
 

Chị Lan Hương (phải, ngoài cùng) – quản lí cơ sở đang hướng dẫn các bạn trẻ làm sản phẩm mới

 

Địa chỉ chữa lành trái tim bị tổn thương      

 

Không ngẫu nhiên khi các sản phẩm tại cửa hàng đều gắn hình một trái tim và dòng thông điệp: “Healing wounded heart” (Hàn gắn những trái tim bị tổn thương). Số tiền bán sản phẩm thủ công tại cửa hàng được chia làm ba phần: 40% để trả công cho trẻ khuyết tật và chi phí vận chuyển. 40% gửi Văn phòng tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật của trường Đại học Y dược Huế, giúp đỡ các em mắc bệnh tim. 20% là chi phí hành chính.       

 

Ngày ngày, 17 bạn trẻ cần mẫm sáng tạo các sản phẩm thủ công truyền thống tại cơ sở sản xuất Spiral (69 Bà Triệu, TP Huế) cung ứng cho cửa hàng. Những bàn tay khéo léo đã biến vải nilong, vỏ lon sođa, dây điện thoại… thành các sản phẩm độc đáo. Chị Nguyễn Thị Lan Hương (quản lí cơ sở sản xuất) cho biết: “Cơ sở có 17 nhân công. Trong đó 15 em bị bệnh câm, điếc. Hai em A Viết Đá và Hồ Thị Thu mồ côi bố mẹ từ nhỏ… Hiểu rõ ý nghĩa sản phẩm nên các em luôn chú ý từng chi tiết”.      

 

Các bạn trẻ khuyết tật làm việc tại công xưởng nhận lương theo sản phẩm. Trung bình mức thu nhập mỗi người từ 800.000  – 1.000.000/ tháng. Ngoài ra, các em được đóng bảo hiểm, không mất tiền ăn trưa, nghỉ qua đêm… tại phân xưởng. Các thành viên cơ sở sản xuất lúc nào cũng tươi nguyên nụ cười hạnh phúc. Em Nguyễn Văn Truyền (SN: 1992) tâm sự bằng “ngôn ngữ bàn tay”: “Em rất hạnh phúc khi làm việc ở đây. Càng làm việc, chúng em càng hiểu người khuyết tật như bọn em không vô ích. Chúng em có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn…”.      
 

Nguyễn Văn Truyền say mê với công việc

 

Phối hợp với Văn phòng OGCDC, “Kể từ năm 2003, lợi nhuận từ các sản phẩm do người khuyết tật làm tại cơ sở sản xuất The Spirit đã được sử dụng để hỗ trợ cho 112 ca phẫu thuật tim, 54 bệnh nhân cấp cứu nhi và 13 ca bệnh u não được phẫu thuật bằng dao Gama.” (Trích từ báo cáo về Nhiệm vụ và thành quả của xưởng sản xuất Spiral). Lợi nhuận cửa hàng còn dành để giúp đỡ các gia đình có con bị bệnh tim sau phẫu thuật. Trước đây, sản phẩm của các trẻ em khuyết tật cung ứng chủ yếu cho thị trường Mỹ, Italia… Cửa hàng Healing wounded heart xuất hiện, trở thành điểm đến của nhiều cá nhân trong và ngoài nước.       

 

Mỗi sản phẩm tại cửa hàng Healing wounded heart còn giúp khách hàng hiểu tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Tất cả nguyên liệu được sử dụng đều thân thiện với môi trường. “Ngoài việc kêu gọi bảo vệ môi trường, sản phẩm thủ công mĩ nghệ hướng đến bảo tồn các sản phẩm thủ công truyền thống. Đặc biệt là ngành nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số…”, chị Lan Hương – quản lí cơ sở sản xuất  cho hay.

 

Mỗi sản phẩm tại cửa hàng Healing wounded heart mang tính nhân đạo và phi lợi nhuận. Đó là lí do vì sao nhiều người thường xuyên ghé cửa hàng. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (Khách du lịch) bộc bạch: “Đến đây mua hàng, mình có một cảm xúc khó tả. Mình thực sự hạnh phúc khi góp phần giúp đỡ các bạn trẻ khuyết tật, những em bé mắc bệnh tim…”                        

 

Trương Quang Hiệp

Exit mobile version