Công việc lạ: hướng đi thông minh hái ra tiền

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 05/06/2013
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Vui với những người bạn bốn chân

 

Tốt nghiệp khoa Thú y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, trong khi các bạn cùng lớp phần lớn về quê tìm việc, Trần Phương Ngọc đã tự tạo cho mình một công việc chẳng giống bạn bè. Đó là dắt chó đi dạo, đỡ đẻ cho chó mèo…

 

Ngọc bỏ ra 3 tháng làm việc tại một viện thú y trên đường Âu Cơ. Công việc này thu nhập chỉ 2 triệu đồng/tháng nhưng cho Ngọc kinh nghiệm và mối quan hệ với những khách hàng yêu mến thú cưng. Cảm thấy mình đã vững tay nghề, Ngọc quyết định nghỉ việc và bắt đầu nhận chăm sóc chó mèo.

 

Nhà của Ngọc tại đường Lạc Long Quân, Hà Nội, từ hơn một năm nay biến thành tổ ấm của chó mèo. Cô nàng đang nhận chăm sóc tại gia cho 4 chú chó. Trong nhà có hẳn một hệ thống từ ăn uống, tắm rửa cho đến… WC cho những người bạn bốn chân này.

 

Công việc mỗi ngày là đến dắt chó đi dạo, cho chúng ăn, tắm rửa và chải lông sạch sẽ

 

Ngày nào cũng vậy, sau khi cho 4 chú chó ăn xong, đồng hồ điểm 7h sáng là Ngọc xách đồ đi chăm sóc chó theo giờ cho các hộ gia đình. Công việc không quá nặng nhọc nhưng khá bận rộn. Ở đó, buổi sáng Ngọc làm từ 7h – 9h sáng, chiều từ 16h – 18h.

 

Công việc mỗi ngày là đến dắt chó đi dạo, cho chúng ăn, tắm rửa và chải lông sạch sẽ. Gia đình người Việt thường thù lao cho Ngọc mức 3 triệu đồng/tháng nhưng với người nước ngoài, họ có thể trả 6 triệu đồng, ngày lễ, Tết còn có thưởng.

 

Theo Ngọc, cái khó của công việc này là yêu cầu của người nước ngoài vô cùng khắt khe, từ việc cho chó ăn, uống cho đến… đi vệ sinh. Thức ăn thường là xúc xích, dăm bông, thịt bò… phải được đong đếm, kiểm soát lượng protein để chú chó không quá béo, lông được óng mượt.

 

Vì thế, trước khi nhận bất kỳ một con vật nào, Ngọc đều phải kiểm tra tổng thể sức khỏe của nó để đề ra chế độ dinh dưỡng, chăm nuôi hợp lý. Gắn bó với những người bạn bốn chân, Ngọc bảo cảm giác hạnh phúc nhất là khi người chủ đến đón thấy chú chó, chú mèo của mình khỏe mạnh. Còn nếu chẳng may chủ nhà… chuyển nhà, Ngọc đành phải xa chúng, cảm giác lúc ấy giống như xa một người bạn tốt.

 

Chăm sóc chó mèo là một hướng đi thông minh với những bạn đang theo học chuyên ngành thú y

  

Ngọc “bật mí”: “Trung bình, mình thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng từ chăm sóc chó. Chủ động với công việc mình yêu thích, không phải gò bó cảnh “sếp – nhân viên”, đó là điều khiến mình hài lòng”. Ngoài công việc này, Ngọc còn tranh thủ kinh doanh thêm một shop quần áo online. Thu nhập cao nhưng cô chủ nhỏ này luôn nghĩ, “tiền chỉ đến khi mình làm việc tận tâm”.

 

Bây giờ “hiếm”, sau này “quý”!

 

Năm năm trước, khi không đỗ nguyện vọng 1, Nguyễn Thu Thủy đã lựa chọn ngành Công nghệ sinh học, Viện ĐH Mở Hà Nội như một giải pháp tạm thời. Thời sinh viên, cũng dăm ba lần Thủy đi làm thêm nhưng tất cả đều là việc thời vụ, chẳng liên quan gì đến ngành đang học. Tìm hiểu thì được biết đây là một ngành học còn mới mẻ ở Việt Nam, bản thân Thủy cũng khá hoang mang cho tương lai của mình sau khi ra trường.

 

Công nghệ sinh học là một ngành học còn mới mẻ ở Việt Nam, Thủy cũng như nhiều bạn trẻ thấy khá hoang mang cho tương lai của mình sau khi ra trường

 

Tuy nhiên, ngày ra trường, trái với sự lo lắng của mọi người, Thủy lại tìm được một công việc rất “ngon”: PR cho một hãng sữa chua nổi tiếng, chỉ sau một tuần gửi hồ sơ. “Nhờ các anh chị khóa trên và thầy cô trong khoa hướng dẫn, mình đã hiểu ra, Công nghệ sinh học có thể làm việc trong lĩnh vực như xét nghiệm, tạo ra thực phẩm mới, bảo quản thực phẩm tốt hơn… chứ công việc không bó gọn trong phòng nghiên cứu như mọi người thường nghĩ”, Thủy nói.

 

Với vị trí nhân viên PR cho hãng sữa chua, Thủy hoàn toàn có thể vận dụng những kiến thức mình đã được học để nói với khách hàng một cách cụ thể về thành phần, tác dụng của sản phẩm ra sao. Mức lương khởi đầu tốt, công việc hấp dẫn lại đúng một chuyên ngành được coi là “khó xin việc”, đó là điều khiến Thủy cảm thấy khá hài lòng.

 

Cơ hội từ sự chủ động

 

Lý Thu Hà (năm cuối, khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, trường ĐH Văn hóa Hà Nội) đã có hơn một năm làm việc tại phòng Nghệ thuật và Đào tạo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây là một công việc “rất ổn” và đúng chuyên ngành mà Hà đang theo học.

 

Cơ duyên đưa đẩy Hà tới cơ hội công việc, không ở đâu xa, mà là một vài tiết học trên giảng đường. “Cuối năm thứ hai, bọn mình học môn Marketing Văn hóa Nghệ thuật. Thầy giáo dẫn sinh viên tới thực tế, giao lưu tại Liên đoàn Xiếc. Tại buổi gặp gỡ, Ban Giám đốc Liên đoàn chia sẻ mong muốn thành lập những câu lạc bộ khán giả xem xiếc. Vì đã có kinh nghiệm làm MC và điều hành câu lạc bộ nên mình đã xung phong”, Hà kể.

 

Thực tế, có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên mong muốn được học ảo thuật với giá rất mềm, điều đó khiến Hà dự định sẽ mở câu lạc bộ ảo thuật tại Liên đoàn. Vậy là mùa Hè năm đó, Hà thử nghiệm một công việc mới toanh với lời chỉ dẫn của Giám đốc: “Cháu phải viết dự án, làm từ đầu vì ở đây chưa có ai làm như vậy cả đâu nhé!”.

 

Nhiều bạn học sinh, sinh viên mong muốn được học ảo thuật với giá “mềm”, điều đó khiến Hà nẩy ra một hướng đi thông minh cho riêng mình

  

Tuy nhiên, Hà lại nhận thấy những thuận lợi ngay trước mắt như: Có nghệ sĩ xiếc tại Liên đoàn làm thầy dạy, địa điểm học không phải đi thuê… Cộng với những kinh nghiệm điều hành câu lạc bộ đã có, Hà bắt tay viết, triển khai dự án vào tháng Năm thì tới tháng Sáu, câu lạc bộ đã đi vào hoạt động, với hơn 100 thành viên.

 

Công việc này đã đem lại cho Hà những trải nghiệm ngọt ngào. Mùa Hè đến cũng là lúc số lượng thành viên đông lên gấp ba, gấp bốn lần, chủ yếu là học sinh, sinh viên, thậm chí, nhiều phụ huynh cũng đi học ảo thuật cùng con.

 

Không ít trong số đó là những anh chàng đi học ảo thuật như một thứ tài lẻ để… “cưa cẩm” người yêu. Bản thân Hà là người điều hành câu lạc bộ nên được đọc khá nhiều quyển sách về ảo thuật, tiếp xúc với các ảo thuật gia và cô cũng biết một vài ngón nghề ảo thuật cho bản thân mình. Có một công việc yêu thích, ngay từ trước khi cầm bằng tốt nghiệp (mặc dù ngành học được coi là khó xin việc), là thành quả đến từ sự chủ động của cô sinh viên này.

 

“Không thụ động chờ việc mới hay tiếp tục nộp hồ sơ trong vô vọng, những người trẻ năng động đã nắm bắt nhu cầu của xã hội, tự tạo ra việc làm cho chính mình. Đó là điều cần thiết trong tình hình các công ty, cơ quan đang cắt giảm nhân sự như hiện nay. Sở thích, sở trường và ngoại ngữ là công cụ giúp bạn tìm được công việc như ý muốn”. (Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng Phòng thông tin thị trường lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội).

 

Theo Hà Minh

SVVN

Exit mobile version