Con trai, con gái với chữ “x” thứ 3

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 20/04/2009
Lần cập nhập cuối: 30/12/2020
 

(Ảnh minh họa)

“Nếu gặp khúc mắc thì mình sẽ tìm lời giải đáp trên mạng đầu tiên”, Đình Đức, học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) thường xử lý như vậy khi có các vấn đề về giới tính. Theo Đức, con gái có thể hỏi mẹ hoặc cô giáo. Còn con trai thì không biết phải chia sẻ với ai”.  

 

“Giữ” cho chắc

 

Khánh Ly, một thành viên của diễn đàn THPT Trần Phú (Hà Nội) đã “khơi mào” chủ đề: có nên quan hệ tình dục (QHTD) khi cả hai thật lòng yêu nhau.

 

Ly cho biết, bạn trai của cô nhiều lần đòi chữ “x” thứ ba. Phần vì quá yêu, phần vì sợ mất bạn trai, Ly phân vân không biết có nên đồng ý trao “cái ngàn vàng” hay không?.

 

Hữu Tùng, một cựu học sinh của Trường THPT Trần Phú khẳng định: “chuyện ấy” quá sớm khi chưa sẵn sàng sẽ chẳng hay ho gì.

 

Nhiều thành viên khác cũng cho rằng: QHTD trước hôn nhân là chuyện hệ trọng, không thể quyết định bừa.

 

Còn Ngọc Khánh, một thành viên nữ trong diễn đàn thì dù khẳng định: mỗi người có một hoàn cảnh và cách nghĩ khác nhau, nhưng vẫn chốt lại rằng: “Nói gì thì nói, cứ giữ lấy thân là chắc nhất”.

 

Có thể thấy, những chủ đề, topic tương tự đang ngày càng “nở rộ” trên các diễn đàn THPT.

 

Chủ đề của những cuộc trao đổi này cũng rất đa dạng, từ các biện pháp tình dục an toàn, hậu quả của thuốc phá thai… cho tới các bệnh lây qua đường tình dục và cách điều trị…

 

“Người thầy đầu tiên”

 

Khánh Toàn, điều hành viên box Giáo dục giới tính của diễn đàn THPT mới chỉ 19 tuổi, nhưng tự tin cho biết mình khá am hiểu lĩnh vực “tế nhị” này.

 

Những thông tin mà các thành viên đưa ra, Toàn đều kiểm tra trên các website đáng tin cậy. “Có nhiều bạn ngại lên diễn đàn còn nhắn tin nhờ mình trả lời giúp”, Toàn vui vẻ nói.

 

Hồng Sơn, điều hành viên box Giáo dục giới tính của diễn đàn THPT Việt Đức (Hà Nội) cũng thường kiểm chứng thông tin thông qua sách báo và các tài liệu trên mạng internet.

 

Cả Sơn và Toàn đều cho rằng, với những chủ đề về giới tính, người quản trị website phải cố gắng “hâm nóng” các cuộc trao đổi bằng cách giúp các thành viên đi đúng hướng và cập nhật những thông tin bổ ích.

 

Nhiều HS khác cho biết: muốn tìm hiểu các vấn đề này, lên mạng là giải pháp… hiệu quả nhất.

 

Đình Đức, học sinh lớp 12 trường THPT Kim Liên lí giải việc tham gia vào các diễn đàn về giới tính: “Con gái có thể hỏi mẹ hoặc cô giáo. Còn con trai thì không biết phải chia sẻ với ai”.

 

“Nếu gặp khúc mắc thì mình sẽ tìm lời giải đáp trên mạng đầu tiên”, Đức chia sẻ.

 

“Tự tay dắt hươu”

 

Có thể thấy, giáo dục (GD) giới tính tuy đã được đề cập cởi mở hơn so với trước, song vẫn chưa được truyền đạt tới học sinh một cách hệ thống.

 

Ở Trường THPT Hai Bà Trưng, GD giới tính được lồng ghép chung với các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân.

 

Nhà trường cũng kết hợp tổ chức một số buổi nói chuyện về tâm sinh lý tuổi mới lớn trong các hoạt động ngoại khoá.

 

Tuy nhiên, theo nhiều HS, những kiến thức đó chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu tìm hiểu của các bạn.

 

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải – Hiệu phó Trường THPT Hai Bà Trưng cho rằng: Tuy được lồng ghép trong các môn học, nhưng thầy cô giáo vốn không có nhiều chuyên môn trong lĩnh vực này. Các buổi nói chuyện với chuyên gia lại quá ít. Còn đối với cha mẹ và người lớn, khoảng cách về tuổi tác giữa hai thế hệ khiến các em thấy ngại”.

 

“Các em tự tìm hiểu về vấn đề này thì rất tốt. Song, các diễn đàn chỉ thực sự hiệu quả khi cung cấp nhiều thông tin bổ ích và được quản lý một cách chặt chẽ, nghiêm túc”, cô Hải nhấn mạnh.

 

Là một giảng viên ĐH, chị Thanh Huyền tin tưởng và khuyến khích con trai  tự tìm hiểu các vấn đề về giới tính trên internet.

 

Chị Huyền giải thích: “Mẹ và con trai thường khó nói chuyện về vấn đề tế nhị này. Tuy nhiên, tôi cũng nhắc nhở con là phải tìm đến những trang nghiêm túc và khoa học thực sự”.

 

Trong khi đó, anh Hồng Quân, nhân viên của một công ty viễn thông, lại cẩn thận: “Các cháu đều cùng độ tuổi, tức là cùng hiểu biết về vấn đề này như nhau thì làm sao có thể khuyên lẫn nhau được. Để các cháu tự do như vậy chỉ sợ là vẽ sai đường.. cho hươu chạy. Chi bằng, tôi tự tay dắt … hươu đi đúng đường”.

 

Bởi vậy, một mặt, anh Quân để cho cô con gái học lớp 10 được tiếp xúc với mạng internet.

 

Mặt khác, anh luôn động viên con trao đổi trực tiếp các vấn đề còn khúc mắc.

 

“Chỉ cần biết cách trao đổi thân mật với con như hai người bạn, tôi tin cháu sẽ không còn ngại ngùng khi tâm sự với bố mẹ”, anh Quân cho hay.

 

Theo Ngọc Khanh

Vietnamnet

Exit mobile version