Có điện rồi, việc học hành của các cháu sẽ được đảm bảo hơn!

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 12/02/2016
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Đối với bà con Vân Kiều, Pa Kô nơi núi rừng Trường Sơn này, điện chiếu sáng được ví như ”ánh bình minh”.

Ánh điện thắp sáng vùng khó

Đường dây điện lưới được kéo về bản nghèo.

Già làng Hồ Ốt (SN 1941, thôn Cu Pua, xã Đakrông) xúc động, chia sẻ: ”Bà con miềng vui cái bụng lắm nhà báo ơi. Lần đầu tiên được thấy ánh điện soi rọi khắp nhà. Bà con được xem ti vi, xem các chương trình, được nghe tiếng nói của mọi người khắp cả nước. Trước đây cả bản không có điện, đời sống dân bản vô cùng khó khăn.

Để có nguồn sáng, bà con miềng phải mua dầu thắp, quay máy nổ nên rất tốn kém. Và, để tiết kiệm tiền bạc nên phần lớn mọi hoạt động đều diễn ra trong bóng tối. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện đưa mạng lưới điện về từng thôn bản, việc học hành của các cháu được đảm bảo hơn, sinh hoạt cũng thuận lợi… dân bản ai cũng vui và phấn khởi lắm”.

Trẻ em tại bản Cu Pua, Chân Rò vui sướng xem truyền hình trong ngày đóng điện.

Những cảm xúc đó của già Ốt có lẽ cũng là tâm trạng chung của bà con Vân Kiều bản Ku Pua, Chân Rò và nhiều địa phương khác ở huyện nghèo này. Bởi hàng chục năm qua, bà con phải sống trong điều kiện hết sức thiếu thốn, không có điện chiếu sáng nên không tiếp cận được thông tin xảy ra bên ngoài, tội nhất là các em học sinh khi học bài ban đêm cũng phải thắp đèn dầu. Hơn nữa, thiếu điện chiếu sáng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực miền núi.

Sau hơn 7 tháng triển khai, Công trình cấp điện cho 15 thôn, bản chưa có điện tại 3 xã Tà Long, Đakrông và Hướng Hiệp của huyện Đakrông bước đầu đã mang đến nguồn sáng cho 225 hộ đồng bào dân tộc tại 5 thôn bản gồm: Tà Lao, Khe Hiên, Chân Rò, Cu Pua 1 và Cu Pua 2. Đây là công trình trọng điểm có ý nghĩa thiết thực, tạo bước đột phá tích cực trong việc đưa điện đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, góp phần ”phủ sóng” lưới điện khắp các vùng miền trên toàn tỉnh Quảng Trị.

“Có điện rồi, làm ăn phải khác”

Bí thư chi bộ thôn Hồ Văn Quyền cho biết: ”Thôn Tà Lao có gần 80 hộ dân, chia làm 3 tổ, nhưng có đến gần 50 hộ ở tít tận cùng của bản. Vừa qua, 49 hộ còn lại thuộc khu vực 2,3 được sử dụng lưới điện quốc gia, nâng tổng số hộ dân có điện trong thôn đạt 100%. Khi ngành điện tổ chức kéo đường dây vào bản, một số hộ đã đi mua sắm ti vi, chờ điện kéo vào nhà là sử dụng. Sau khi có điện chiếu sáng, khu vực này cũng đã có nhiều hộ dân sắm được ti vi, đầu máy rồi đó. Mấy chục năm nay sống trong bóng tối rồi nên giờ có điện chiếu sáng bà con trong bản vui sướng lắm”.

Điện sáng về bản có thể được xem là một bước ngoặt trong việc thay đổi tập quán của bà con trong bản, góp phần đưa ”ánh sáng văn minh” đến với bà con, thu hẹp lại khoảng cách phát triển với những khu vực bên ngoài.

Cán bộ ngành điện kiểm tra lại các thiết bị dẫn điện, công tắc trong nhà dân.

Chúng tôi thầm nghĩ, đây chính là động lực to lớn để bà con trong bản tiếp thu, học hỏi kiến thức khoa học để áp dụng vào trong sản xuất và đời sống, bà con tiếp cận được các đường lối tuyên truyền, rồi các quy định của pháp luật…

Bí thư Hồ Văn Quyền bộc bạch: ”Nói đến những khó khăn thì còn nhiều lắm. Mình luôn hy vọng rằng, có điện chiếu sáng rồi, nếu được cấp trên quan tâm hơn nữa thì bà con mình sẽ được tiếp cận với các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con có thể học tập các phương pháp thoát nghèo, làm giàu trên truyền hình vào thực tế đời sống. Chắc chắn, việc làm ăn sau này sẽ khác hơn rồi. Mình đã từng xem trên ti vi hướng dẫn các cách thức trồng trọt, chăn nuôi, nếu những kinh nghiệm, kiến thức quý báu đó đến tận tai người dân trong bản sẽ có sự thay đổi tích cực cho mà xem”.

Nghe xong lời anh Quyền, chúng tôi cũng cảm thấy vui như ”mở cờ” ở trong bụng. Trước mắt, mùa Xuân này bà con sẽ được đón Tết Bính Thân 2016 trong sự đầm ấm, tươi vui, rộn rã hơn. Bởi, đây là Xuân đầu tiên sau mấy chục năm điện lưới quốc gia mới về đến tận bản.

Còn về tương lai, hy vọng cuộc sống của bà con Tà Lao cũng như nhiều địa phương trên dải đất biên cương này sẽ thay đổi như vậy. Tôi tin là bà con nơi đây sẽ từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo đeo đẳng mấy chục năm nay.

Đăng Đức

Exit mobile version