Trị giá giải thưởng mỗi thành viên là 8000 USD.
Bạn biết đến cuộc thi này như thế nào?
Em biết về cuộc thi qua Ngọc, bạn học cấp 2. Lên lớp 8, Ngọc sang Úc du học. Hiện tại, tuy mới 16 tuổi nhưng Ngọc là sinh viên xuất sắc của khoa toán ĐH Newcastle, Úc.
Tình cờ trên mạng, Ngọc rủ em “ứng thí” vào chỗ còn thiếu của Coffee Team bây giờ. Lúc ấy nhóm đã có 5 người, em may mắn được trở thành một thành viên.
Nhóm gồm em và Ngọc (Việt Nam), Ben (Úc), Sigit (Indonesia), Ammu (Mỹ), và hai người huấn luyện là James Poirier (Mỹ), Carol Calderwood (Úc).
Trong nhóm, Ben là “chuyên gia” về Flash, Sigit thiết kế web, Ammu rất giỏi đồ hoạ, Ngọc sử dụng Office và xử lý ảnh. Em cũng dùng được Office và đang “bập bẹ” tự học Photoshop.
Về công việc, em tham gia viết phần chế biến cà phê và một số phần nhỏ khác như Timeline, Random Facts hay Glossary. Sau đó, em dịch phần lớn website ra tiếng Việt (bạn Ngọc cũng dịch khá nhiều). Ngoài ra còn phỏng vấn, khảo sát, tìm kiếm thông tin…
Bạn có thể giới thiệu đôi nét về cuộc thi và giải thưởng?
ThinkQuest là một cuộc thi quy mô, mang tầm cỡ quốc tế, có tính cạnh tranh cao (riêng lứa tuổi 19 trở xuống có gần 400 trang web dự thi). Tuy nhiên, chúng em vào cuộc đầy quyết tâm, lao động chăm chỉ, và xứng đáng được nhận giải thưởng.
Em nghĩ ThinkQuest là cuộc thi rất bổ ích, giúp các bạn trẻ phát huy trí tuệ, kỹ năng tìm kiếm, khai thác thông tin, sử dụng Internet một cách có ích, thay vì “chat chit” tốn thời gian. Em mong Oracle tại Việt Nam tổ chức một cuộc thi tương tự cho học sinh Việt Nam.
Nhóm em với website “Cà Phê: All Ground Up!” (http://library.thinkquest.org/04oct/01639/index.html) đoạt giải website tốt nhất về chủ đề thực vật (Best of Category: Plants) và một giải ba.
Với giải thưởng này, mỗi thành viên sẽ được tới San Francisco (Mỹ) 5 ngày (dưới 18 tuổi phải có người lớn đi kèm, trên 18 thì tùy, ThinkQuest đài thọ chi phí cho cả 2).
Các đội thắng cuộc sẽ được tôn vinh tại đêm ThinkQuest Live, được tham gia các workshop và gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực CNTT, đi du lịch quanh San Francisco…
Trị giá giải thưởng cho người được giải và một người đi kèm là 8000 USD. Ngày 18/9 tới, em sẽ sang Mỹ cùng bố em. Lúc đầu mọi người trong gia đình em cho rằng đấy chỉ là một chuyện đùa!
Các bạn tìm hiểu về cà phê như thế nào? “All Ground Up” có ý nghĩa gì?
All Ground Up vừa mang nghĩa là “Xay hết (cà phê) ra”, vừa có ý “Hãy xới tung kiến thức của bạn lên” (khai thông trí óc). Nguồn thông tin chính cho website được lấy từ Internet.
Ngoài ra chúng em còn xin phỏng vấn qua e-mail một số bác nông dân tại Việt Nam. Em rất ngạc nhiên khi biết có những nông dân Việt Nam sử dụng e-mail. Chúng em còn làm rất nhiều phiếu thăm dò ở các trường mà thành viên của nhóm đang học.
Việc tìm gặp những người quan trọng để phỏng vấn là khó khăn nhất. Như buổi phỏng vấn bác Đoàn Triệu Nhạn, chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Ca Cao Việt Nam, bạn Ngọc hẹn đi hẹn lại nhiều lần với cô thư ký mà không được.
Cuối cùng Ngọc phải “rình rập” ở cơ quan bác Nhạn để tìm cơ hội gặp trực tiếp. Gặp rồi mới thấy bác ấy thật dễ chịu và tôn trọng người đối thoại dù chúng em chỉ là học sinh. Chúng em còn bị đuổi khi vào một số quán cà phê để tìm hiểu về cách rang xay. Vượt qua những khó khăn đó, em thấy mình lớn hơn.
Các bạn khắc phục trở ngại về ngôn ngữ, thời gian, khoảng cách thế nào?
Em ít kinh nghiệm giao lưu quốc tế nhất trong nhóm, nhờ các bạn giúp đỡ, em tiến bộ dần. Khả năng Anh ngữ tăng dần theo từng bài viết, bài dịch, bài phỏng vấn, những buổi nói chuyện và gửi bài trên mạng. Qua mạng, nhiều lúc muốn “cãi nhau” cũng không thoải mái!.
Chúng em lại đến từ nhiều nước, múi giờ chênh lệch nên nhiều lúc cũng thấy khá luống cuống. Ví như khi Ammu (US) muốn họp nhóm vào lúc 4 giờ chiều thì cũng đồng nghĩa với việc em phải dậy lúc trời chưa sáng. Đứa này bắt đầu đi học thì đứa kia bắt đầu đi ngủ.
Thậm chí, sau một thời gian, Ben dần dần có thói quen thức đêm ngủ ngày. Còn em trong thời gian đầu chỉ có một máy tính “lụ khụ”, không nối mạng nên phải ra quán. Sau em được bố cho kết nối dial-up. Thực ra, nhóm còn có một bạn người Hà Lan, nhưng bạn này không giữ được liên lạc với nhóm nên bị loại. Có thời điểm cả nhóm lăn ra ốm một lượt.
Bạn thu nhận được gì từ cuộc thi và có tiếp tục tham gia nữa không?
Em nhận được nhiều bài học về tinh thần đồng đội, cách làm việc nhóm (teamwork), cách tổ chức công việc một cách khoa học. Em cũng học được tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc và chuyên nghiệp của các bạn nước ngoài.
Chẳng hạn, khi sử dụng tài liệu trên Internet, bất kỳ câu trích dẫn nào cũng phải được chú thích, hoặc dùng ảnh của bất cứ ai cũng phải xin phép. Những thứ không có bản quyền nhất định không dùng. Những quyết định quan trọng đều được lấy ý kiến và biểu quyết…
Hiện nay, cả em và Ngọc đều đã tìm được nhóm mới cho riêng mình để tham gia thi lần sau.
Theo PC World