Chuyện rơi nước mắt về người đàn ông chở xe miễn phí cho bệnh nhân ung thư

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 03/05/2017
Lần cập nhập cuối: 23/11/2020

Ông Nguyễn Xuân Trường có nước da đen, khuôn mặt khắc khổ mưu sinh bằng công việc chạy xe ôm quanh khu vực Hà Đông. Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu từ 5h30 sáng và kết thúc vào lúc 8h tối. Tranh thủ những lúc vắng khách, rảnh rỗi ông Trường lại nhận chở xe miễn phí cho những bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện K Tân Triều – Hà Nội. Gần 3 năm qua, ông Trường không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu chuyến xe miễn phí. Bất cứ khi nào, chỉ cần có người gọi là ông đều sẵn sàng giúp đỡ dù nửa đêm, hay giữa trưa nắng gắt. Có lúc là đưa đón người nhà bệnh nhân về quê, khi thì chở họ đi mua thuốc hay đơn giản là những chuyến tham quan cảnh đẹp Hà Nội để người bệnh với bớt nỗi buồn. Nhiều bệnh nhân tại khoa nhi – bệnh viện K Tân Triều trìu mến gọi ông là “bố Trường” hay “ông nội Trường” như một cách thể hiện sự trân trọng, yêu mến dành cho ông.

Hàng nghìn chuyến xe miến phí chở bệnh nhân nghèo

Ông Trường tâm sự, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên cách đây 15 năm ông đã “khăn gói” lên Hà Nội mưu sinh bằng đủ nghề từ: kéo gạch, bốc vác thuê… để kiếm sống. Năm 2013, dành dụm được chút tiền, ông mua một chiếc xe máy cà tàng chạy xe ôm. Trong một lần chở khách, ông gặp một nhóm sinh viên chở đồ cho các bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K, Tân Triều Hà Nội. Cảm động trước tấm lòng thiện nguyện của các bạn trẻ, ông Trường thường xuyên nhận chở xe ôm miễn phí. Dần dần, ông cũng tham gia vào các chương trình giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. “Vào bệnh viện, chứng kiến những cháu còn rất nhỏ tuổi nhưng đã mang trong mình nỗi đau bệnh tật giày vò, trông rất thương tâm. Tôi cũng ngỏ ý với người nhà bệnh nhân khi cần đi đâu, làm gì thì cứ gọi, tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ.”, ông Trường kể. Cũng từ đó, bên cạnh việc chạy ôm kiếm sống, ông Trường kiêm nhiệm luôn việc làm thiện nguyện giúp đỡ mọi người. Số điện thoại của ông cũng được các bệnh nhân thuộc nằm lòng và truyền tai nhau.

Người đàn ông này cho hay, thời gian đầu, khi nhận đưa đón bệnh nhân miễn phí, nhiều người cũng tỏ ra nghi ngại nghĩ ông lừa đảo. Thậm chí, một số người xe ôm ở cổng bệnh viện còn tìm cách gây khó dễ vì không muốn ông “cướp” khách của họ. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả những khó khăn ấy, sự chân thật và lòng tốt hiếm có của ông đã khiến cho nhiều người cảm động, tin tưởng.

Ông Trường ngoài cùng bên phải thường xuyên nhận chở xe miễn phí và tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bệnh nhân ung thư. (Ảnh: NVCC)

Gần 3 năm chạy xe ôm miễn phí, ông Trường có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhiều bệnh nhân, sau khi ra viện vẫn đều đặn gọi điện thoại hỏi thăm hay gửi chút quà quê để cảm ơn lòng tốt của ông. Người đàn ông này xúc động kể, ông nhớ nhất là trường hợp của một nữ sinh tên Hoài (17 tuổi, Ninh Bình) mắc bệnh ung thư xương. Dù bệnh tật giày vò nhưng cô gái này luôn thể hiện sự bản lĩnh, mạnh mẽ. Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện K Tân Triều, ông Trường chính là người chở xe miễn phí giúp Hoài di chuyển đến các viện để điều trị. “Trong mỗi chuyến đi, hai chú cháu thường tâm sự, tôi coi con bé như con gái. Đến khi bệnh viện trả về, lần chở Hoài ra bến xe hai chú cháu chỉ biết nhìn nhau khóc…”, ông Trường xúc động. Sau này, khi Hoài mất, ông Trường cũng lặn lội về tận quê thăm viếng.

Cũng có trường hợp, cháu bé bị ung thư bị bệnh viện trả về. Tâm nguyện cuối cùng của cháu là được đi thăm các cảnh đẹp ở Hà Nội như: Lăng Bác, Hồ Gươm, Văn Miếu… Dù thương con nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền thuê xe, ông Trường cũng đứng ra nhận chở miễn phí. Hình ảnh cháu bé vui đùa, khuôn mặt rạng rỡ thích thú khi lần đầu tiên được thăm thú Hà Nội khiến ông Trường không khỏi xúc động. Đây cũng chính là động lực để người đàn ông này duy trì công việc thiện nguyện suốt nhiều năm qua.

Ông Trường thành thật tâm sự, trong mỗi chuyến xe, xót xa nhất là mỗi lần chở người bệnh ra bến xe về quê. Đó đều là những người bị bệnh viện trả về và hết cơ hội cứu chữa. Có những bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người chưa lập gia đình, cũng có không ít trường hợp các cháu còn quá nhỏ tuổi để hiểu hết nỗi đau, bất hạnh mà bản thân và gia đình phải chịu đựng. “Mỗi chuyến xe như vậy, cảm giác thời gian như ngừng lại, tôi cũng chỉ biết im lặng hoặc động viên để họ vơi bớt nỗi buồn. Nhiều khi bác cháu chỉ biết nhìn nhau khóc”, ông Trường xúc động. Có không ít trường hợp, gia đình bệnh nhân ở các tỉnh lân cận Hà Nội như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh… không có tiền về quê, ông Trường cũng sẵn sàng nhận chở miễn phí. Thậm chí, ông còn trích một phần tiền lương ít ỏi để ủng hộ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đóng viện phí, thuốc thang.

Với những bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện K Tân Triệu (Hà Nội) hình ảnh của ông Trường đã trở nên thân thuộc, gần gũi như người thân trong gia đình. (Ảnh: NVCC)

Vừa chạy xe miễn phí, vừa chăm vợ ốm nằm viện

Vừa chạy xe ôm, vừa giúp đỡ bệnh nhân ung thư nhưng ít ai biết, người đàn ông này còn một tay chăm lo cho vợ mình là bà Đào Thị Yến (54 tuổi) đang điều trị tại Viện huyết học và truyền máu Trung ương. Kết thúc mỗi ngày làm việc, ông Trường lại tranh thủ vào viện thăm và trò chuyện với vợ. “Bà ấy vẫn tự mình làm được các công việc cá nhân nên vẫn động viên tôi tham gia các công việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo. Dù gia đình cũng không dư dả gì nhưng giúp đỡ được ai cũng cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc”, ông Trường trải lòng.

Mỗi ngày ông Trường “chạy” được từ 5 – 7 “cuốc” xe, trừ chi phí xăng xe cũng được khoảng 200 nghìn tiền công. Một phần ông dành để chi tiêu, ăn uống hàng ngày, một phần trích ra để chăm lo và điều trị cho vợ. Để tiết kiệm tiền, ông Trường thường nhịn ăn sáng, bữa trưa và tối ông chọn những quán cơm “bụi” rẻ tiền. Đêm về thì ngả lưng ngủ nhờ tại nhà người quen. Cuộc sống dù khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ ông Trường thôi ý định làm những công việc thiện nguyện giúp đỡ mọi người. “Có người thấy hoàn cảnh của tôi cũng nói tôi gàn dở, thân mình chưa lo xong còn lo chuyện thiên hạ. Thế nhưng, mình có sức khỏe cũng là hơn rất nhiều người. Hơn thế, trông thấy niềm vui của mọi người, cũng cảm thấy bản thân sống có ích hơn”, ông Trường tâm sự. Hiện nay, ông Trường cũng tham gia và là thành viên của một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội. Ngoài việc chở xe miễn phí, ông còn tham gia các hoạt động như nấu cháo tình nguyện, phát quà cho bệnh nhân tại bệnh viện K – Tân Triều (Hà Nội).

Hà Trang

Exit mobile version