Cái kết có hậu của người mẹ nhận chết thay con
Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, câu chuyện về người mẹ bị ung thư Nguyễn Thị Yên đã từ chối điều trị, chấp nhận hi sinh đôi mắt để con được sinh ra đã gây xúc động dư luận.
Đến nay, cô bé Lê Hoàng Cẩm Tú hơn 2 tuổi, cười khanh khách, đôi mắt đen, đôi môi đỏ. Không nhìn thấy vẻ đáng yêu của con, nhưng chỉ cần nghe giọng bé đã quá đủ cho chị Yên nở nụ cười mãn nguyện.
Cho đến nay, chị Nguyễn Thị Yên đã làm nên một kỳ tích ở Việt Nam. Bị ung thư vòm mũi giai đoạn cuối khi mang thai ở tháng thứ ba, nhưng chị đã từ bỏ phác đồ điều trị để sinh con, chấp nhận khả năng tử vong. Sau khi sinh, chị vừa phải chiến đấu với bệnh ung thư vòm mũi, lại hứng thêm khối u buồng trứng. Đến nay, chị đã hết tế bào ung thư trong người.
Đám cưới của chị với anh Lê Văn Được diễn ra đầu năm 2013, khi chị 32 tuổi, còn chồng 33. Sau kết hôn, chị làm nghề may, còn anh lái taxi kiếm sống. Cưới được một tháng, chị mang thai. Cũng từ lúc này chị phát hiện mình bị ung thư vòm mũi.
Thương vợ, chồng chị khuyên bỏ con đi để chữa bệnh, nhưng trong đầu chị chưa bao giờ có ý nghĩ này. “Chuyện sống chết với tôi rất nhẹ nhàng, chỉ có con là có ý nghĩa”, chị hạ quyết tâm.
Gần đến tuần thứ 36, do ảnh hưởng khối u, mắt chị càng mờ. Sau lúc gây tê mổ bắt con, chị đã không còn nhìn thấy gì. Cả gia đình đã chuẩn bị sẵn tư tưởng “chỉ có thể cứu con, không thể cứu mẹ”.
Chưa kịp nhìn mặt con thì người phụ nữ kiên cường này đã phải chuyển về Bệnh viện 103 điều trị. Ròng rã suốt 9 tháng với 2 đợt xạ trị và 6 đợt truyền hóa chất thì tế bào ung thư trong người chị đã không còn nữa. Chị Yên sống sót một cách thần kỳ, dù bị mất đi ánh sáng của đôi mắt do khối u chèn ép dây thần kinh đến mức không phục hồi được nữa.
Hiện tại, bé Bống đã 2 tuổi, lanh lợi, hoạt bát chính là nguồn động lực tinh thần lớn lao tiếp thêm sức mạnh cho chị trong những ngày tháng khó khăn đã qua và cả một chặng đường dài còn nhiều thử thách ở phía trước. Ngoài tình yêu, sự hy sinh lớn lao của mẹ thì hiện tại bé Bống còn nhận được sự chăm sóc tận tình của người bác ruột – chị gái chị Yên. Còn về phía chị Yên, anh Được cho biết, sức khỏe của chị tạm thời ổn định, chị vẫn thường xuyên đi khám định kỳ ở Bệnh viện 103 và uống thuốc đều đặn để phòng tránh và ổn định sức khỏe. Ước mong duy nhất của người mẹ này hiện tại là một lần được nhìn thấy con gái.
Mới đây, hạnh phúc gia đình chị đầy đặn thêm khi anh Được đã vay tiền để thực sự sở hữu chiếc taxi thương quyền. Dù còn phải trả nợ nhiều nhưng anh có thể chủ động thời gian về với vợ con. Chị bộc bạch: “Tôi thấy mình rất may mắn khi có chồng không rời bỏ lúc khó khăn. Từ khi có con, anh vui hơn, tình cảm vợ chồng gắn bó hơn”.
Chuyện tình… xiên thịt nướng và màn đánh cược với Thần Chết để sinh con
Phát hiện mắc bệnh tan máu từ năm 13 tuổi, sau 23 năm chống chọi với tử thần, mang trong mình hàng loạt biến chứng, nhưng cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hương (1980) không vì thế mà dừng lại. Với chị, động lực lớn lao nhất chính là cu Ỉn, cậu con trai quý giá hơn cả mạng sống của mình.
Thời điểm gặp và quyết định đến với chồng hiện tại, anh Hoàng Dũng, chị Hương đang kinh doanh một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở phố Nguyễn Khang (Hà Nội) cách nhà anh không xa. Nhắc về kỷ niệm làm quen với nhau, hai người không khỏi bật cười. Hồi mới quen, biết chị nằm viện, anh hỏi chị thèm ăn gì để mua vào thăm, chị hồn nhiên: “Em muốn ăn chả chó nướng”. Thế mà anh mua thật. Cả phòng bệnh ai cũng cười rũ vì màn chăm sóc kỳ cục đó, khi thấy chị ngồi ăn vui vẻ trong tiếng cười của anh.
Rồi họ đến với nhau, trong sự phản đối dữ dội của cả hai bên gia đình. Táo bạo hơn, họ quyết định có con. Nhớ lại quãng thời gian mang thai cu Ỉn, chị Hương bảo, không hiểu mình lấy đâu ra nội lực để có thể có con, sinh con. Suốt hơn 8 tháng kể từ khi biết tin con đến với mình, chị điều trị nội trú tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến khi thai nhi được 7 tháng, bác sĩ gọi riêng chị vào trò chuyện, thông báo tình hình sức khỏe của chị diễn tiến quá tệ, cơ thể chị sắp “quá tải” vì mang thai. Mức hồng cầu của chị xuống chỉ còn 32 – 35, trong khi chỉ số này ở người bình thường là 120 – 150. Bác sĩ tư vấn, chị nên đình chỉ thai nghén để bảo toàn mạng sống cho mình.
Vài tuần sau, các bác sĩ tiên lượng, cơ thể chị không thể chịu đựng thêm, chỉ định mổ lấy thai. Thời điểm đó, bác sĩ xác định, chỉ có thể cứu được con, và dặn người nhà chuẩn bị sẵn sàng chuyện hậu sự. Anh Dũng kể lại: “Sáng hôm đó, bên cạnh đồ đạc để đón con, tôi đã mua sẵn quan tài để đấy, ra chùa Láng xin đồ “trang điểm” cho vợ”.
Chị sinh con và sống như một kỳ tích. Khi cu Ỉn được 1 tháng tuổi, anh Dũng, chị Hương mới chính thức trở thành vợ chồng trên giấy tờ. Họ vẫn bên nhau, trước sự cản ngăn của hai bên gia đình.
Để có tiền nuôi con và chữa bệnh, chị Hương và chồng đã xoay sở đủ việc để kiếm sống. Khi về quê để kinh doanh nhà hàng, karaoke. Rồi vì bệnh của vợ, anh chị phải để lại cơ ngơi ở quê, ra Hà Nội khi thì bán cơm bình dân, kinh doanh online để có tiền chữa bệnh và sinh sống.
Còn anh Dũng, không làm cán bộ văn hóa, hết làm ông chủ nhà hàng, giờ phụ giúp vợ việc kinh doanh và tất bật làm shipper với những đơn hàng của vợ. Chia sẻ về những bước ngoặt trong cuộc đời mình, về những thăng trầm mình đã trải qua từ khi gắn bó với vợ, anh Dũng nhẹ nhàng bảo: “Tôi lường trước mọi điều rồi nên không sốc. Tất cả là sự lựa chọn của tôi…”
Còn câu chuyện về sự sinh tử của chị Hương khi sinh con, anh chị chưa bao giờ kể cho con nghe. Ngỡ ngàng nghe chuyện mình như chuyện cổ tích, đến đoạn mẹ tỉnh lại, thằng bé hô “Yeah” đầy hạnh phúc, rồi tròn xoe mắt hỏi mẹ: “Ơ, thế sao mẹ lại sống được ạ?”. Chị Hương chỉ cười, khe khẽ bảo: “Vì con đấy!”. Và hôm nay, khi cậu bé sinh non ra đời bằng sự đánh cược mạng sống của mẹ đã 10 tuổi, anh chị vẫn chưa có cho mình một bộ ảnh cưới hay một đám cưới rình rang.
Theo Gia đình & Xã hội