Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở phụ nữ, sau ung thư vú. Tại Việt Nam, năm 2018 ghi nhận hơn 4000 phụ nữ phát hiện ung thư cổ tử cung, trong đó gần 2.500 người tử vong do bệnh này. Điều đáng nói, căn bệnh nguy hiểm này lại đang ngày càng gia tăng về số lượng, độ tuổi bị ung thư cổ tư cung cũng có xu hướng trẻ hóa so với trước đây.
Tiến sỹ Vũ Hải – Bác sĩ Ngoại khoa, Bệnh viện K Trung ương; Cố vấn chuyên môn, Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, cho biết, hầu hết các trường hợp mắc ung thư cổ tử cung là do người bệnh nhiễm virut HPV (HPV chủ yếu lây truyền do quan hệ tình dục không an toàn).
Một số trường hợp chưa quan hệ tình dục nhưng vẫn bị phơi nhiễm HPV do tiếp xúc với virus hoặc lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ, đột biến gien hoặc không xác định được nguyên nhân.
Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu thường không có hoặc xuất hiện các triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác như: ra khí hư, đau rát khi quan hệ.
Ở giai đoạn nặng hơn thì người bệnh sẽ thấy các dấu hiệu rõ nét hơn như: chảy máu âm đạo bất thường. Trong đó có thể xuất hiện chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh, hoặc kỳ kinh kéo dài bất thường. Tiết dịch âm đạo bất thường, đau khi giao hợp; đau vùng chậu…
Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu thường không có hoặc xuất hiện các triệu chứng mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác nên người bệnh hay chủ quan. Ảnh minh họa
Theo Tiến sỹ Vũ Hải, cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư cổ tử cung càng phát hiện sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh càng cao.
“Nếu phát hiện ung thư cổ tử cung sớm, có thể sử dụng nhiều phương pháp điều trị tại chỗ để giữ lại chức năng tử cung và buồng trứng như: khoét chóp – chỉ cắt một phần nhỏ tử cung theo hình nón hay phẫu thuật bằng vòng cắt đốt, laser… Đến giai đoạn 1, thì phải tiến hành cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng. Nặng hơn nữa thì phải dùng phương pháp tia xạ để thu nhỏ khối u, sau đó mới tiến hành phẫu thuật. Càng phát hiện muộn thì nguy cơ tử vong của người bệnh càng cao”, Tiến sỹ Vũ Hải nói.
Gần 40 năm gắn bó điều trị cho các bệnh nhân ung thư, tiến sỹ Vũ Hải cho biết, rất nhiều trường hợp bệnh nhân do chủ quan, không thăm khám bệnh cẩn thận, nên khi phát hiện ung thư cổ tử cung đã ở giai đoạn muộn, viêc điều trị vì thế rất khó khăn.
“Nhiều người bệnh thấy ra khí hư, đau rát vùng kín thì cho là do viêm nhiễm thông thường, tự mua thuốc về chữa trị. Ban đầu các vết viêm loét còn nhỏ, có thể chưa gây đau lắm nhưng một thời gian sau đó vết loét lan rộng, gây đau rát, ra máu nhiều mới đến bệnh kiểm tra. Tuy nhiên, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống sót sẽ không cao như trước”, bác sỹ Vũ Hải chia sẻ.
Chuyên gia này cũng cho hay, hiện nay y học hiện đại, rất nhiều trường hợp phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 nhưng sau khi xạ trị, phẫu thuật, bệnh tiến triển rất tốt. “Tôi đã từng điều trị cho nhiều bệnh nhân ở giai đoạn muộn, sau khi phẫu thuật tia xạ, sức khỏe ổn định, đến giờ sau 10 năm vẫn sống khỏe mạnh, bệnh không tái phát.”, bác sỹ Vũ Hải nói.
Hiện chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh ung thư cổ tư cung đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin ngừa virut HPV. Người bệnh cũng nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Khi thấy các dấu hiệu bất thường như: ra khí hư có mùi, sau giao hợp ra máu thì cần phải đi làm xét nghiệm ngay. Nếu không may phát hiện bị bệnh hãy tuần thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
5 dấu hiểu cảnh báo ung thư cổ tử cung:
– Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
– Ra máu âm đạo bất thường.
– Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
– Đau tức vùng bụng dưới.
Hà Trang