Chuyên gia bật mí cách “ghi điểm” với nhà tuyển dụng

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 16/08/2013
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Anh thấy sinh viên mới ra trường phải đối mặt với những khó khăn gì?

 

Khó khăn lớn của sinh viên mới ra trường chính là sự dung hợp giữa những gì mình được học và thực tế cuộc sống, công việc. Những điều được dạy đa số nghiêng về hướng chuyên môn mà thị trường lại yêu cầu những kỹ năng đi kèm. Rất nhiều sinh viên giỏi bị “nốc ao” ở vòng phỏng vấn hoặc bị từ chối hợp tác sau khi đã thử việc được một vài tháng.

 

Sinh viên kém kĩ năng đầu tiên là do nhà trường ngoài việc trang bị cho sinh viên khả năng chuyên môn thì ít có nơi có những môn chuyên biệt để hướng dẫn các bạn “tỏa sáng” trong mắt nhà tuyển dụng.

 

Chỉ có bằng chuyên môn với tâm hồn “ngây thơ, vô tư” thì khó ghi được điểm cao. Thị trường việc làm cạnh tranh khá gay gắt nên việc thiếu trang bị các kỹ năng để vượt qua phỏng vấn thì tôi đánh giá là “bịt mắt mình và đua trên đường cao tốc”.

 

Chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương với những gợi ý hữu ích để bạn trẻ “ghi điểm” trước nhà tuyển dụng.

 

Các bạn cần chuẩn bị những kỹ năng gì để xin việc thành công, thưa anh?

 

Theo trình tự thì các bạn phải có kỹ năng viết hồ sơ xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng tư duy sáng tạo, …

 

Ngoài ra thì rất nhiều kỹ năng khác bạn cần phải trang bị để khẳng định vị trí của mình bởi trong một công ty, cơ quan, chuyên môn không phải là yếu tố duy nhất để để quyết định bạn thành công hay không!

 

Anh có thể gợi ý một số cách để các bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng?

 

Phỏng vấn là bước thứ hai cũng là vòng quyết định vì hầu hết nhà tuyển dụng mong muốn tìm hiểu được nhân viên tương lai của mình thông qua những nhận định trực tiếp chứ không phải là một hồ sơ “hoành tráng”.

 

Cho nên trang bị kỹ năng phỏng vấn xin việc là điều cực kỳ cần thiết cho các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm nhiều. Một vài gợi ý để bạn có thể có một buổi phỏng vấn tốt và nâng tỷ lệ được tuyển của mình lên mức cao nhất:

 

Thời gian: Bạn nên đến trước 30 – 40 phút để có thể dùng một ly cafe để tỉnh táo ở gần địa điểm phỏng vấn. Trước 15 phút, bạn sẽ bước vào với tâm thế tốt nhất. Đừng “ôn bài” một cách lộ liễu lúc ngồi đợi tới lượt mình. Trễ hẹn, bước vào với mồ hôi đầy mặt, thở gấp là điểm trừ trong mắt nhà tuyển dụng.

 

Trang phục và trang điểm: Tùy tính chất công việc bạn đang mong muốn làm mà chọn trang phục phù hợp theo phong cách: nghiêm túc, lịch sự, công sở hay là tươi trẻ, năng động hoặc thời trang, quyến rũ, quý phái… Phụ kiện đi kèm phải hài hòa. Nhiều bạn mặc váy xinh nhưng vác chiếc ba lô to đùng đến phỏng vấn dễ làm “hoang mang” nhà tuyển dụng.

 

Hồ sơ: Khá nhiều công ty tuyển dụng với câu hỏi “sứ mệnh, slogan, định hướng, của công ty là gì” đã đánh gục không ít ứng cử viên. Vì nếu bạn không tìm hiểu toàn diện về một công ty thì chứng tỏ bạn chưa thật sự chuyên nghiệp, hơn nữa là không thật biết về bộ máy làm việc mà bạn đang định tham gia. Cho nên nắm rõ thông tin về công ty sắp phỏng vấn là cực kỳ cần thiết để bạn vượt qua nhiều câu hỏi của nhà tuyển dụng

 

Tự tin: Khá nhiều bạn trẻ bị mắc sai lầm với sự “tự tin quá đáng” hoặc “tự ti quá trớn”. Hãy thể hiện sự tự tin nhưng biết mình đang ở đâu và đối diện với ai. Bạn hãy lưu ý những cái nhăn mặt, cười mỉa, thở dài, … của nhà tuyển dụng vì có thể đó là dấu hiệu bạn nâng cái tôi của mình hơi cao đấy.

 

Tự ti không có nghĩa là được điểm “khiêm tốn” vì sẽ bị đánh giá thấp nếu ta nhút nhát, e sợ, …  Gia tăng sự tự tin bằng cách tự tổ chức các buổi phỏng vấn thử với bạn bè, người thân với áp lực cao sẽ giúp cho bạn đỡ “khớp” và kiểm soát mình tốt hơn.

 

Diễn đạt và giao tiếp: Đây chính là lúc bạn “tỏa sáng” trong mắt nhà tuyển dụng hoặc “tối thui” và đánh mất cơ hội có việc làm của mình. Cách bắt tay, ánh mắt, tư thế ngồi, cách lắng nghe, … là những tác động đến nhà tuyển dụng. Họ luôn mong muốn tìm thấy ứng viên chuyên nghiệp chứ không phải là có tố chất chuyên nghiệp.

 

Hồ sơ xin việc nên theo mẫu hay sáng tạo để gây ấn tượng, thưa anh?

 

Điều này phụ thuộc vào tính chất của công việc. Tuy vậy ngay cả ở những công việc theo kiểu chuẩn mực hoặc có mẫu sẵn thì các bạn vẫn được quyền sáng tạo một phần để làm nổi bật hồ sơ xin việc của mình.

 

Bổ sung những hình ảnh, các đường dẫn những trải nghiệm đã qua của mình (ví dụ: hình ảnh bạn tham gia làm cộng tác viên cho một chương trình quốc tế, tình nguyện,..) sẽ làm sinh động hơn lời giới thiệu của bạn trong hồ sơ.

 

Ví dụ như clip “Giới thiệu bản thân của Quỳnh Đỗ” từng ấn tượng với sự thể hiện lưu loát, súc tích thông tin cá nhân, sở trường và nguyện vọng bản thân là cách làm sáng tạo so với kiểu tìm đến nhà tuyển dụng truyền thống.

 

Nhiều bạn không chỉ dùng clip mà còn  dùng facebook, blog, website riêng để đưa hình ảnh của mình ra thị trường việc làm. Đây là phương pháp đem nhà tuyển dụng đến với mình, khá ấn tượng.

 

Các bạn khi đi xin việc có nên thành thực quá về nhược điểm bản thân trong quá trình phỏng vấn không?

 

Nếu những nhược điểm mà bạn có thể hoặc đang khắc phục khá hiệu quả thì cũng không nhất thiết phải “khai tất tần tật” ra với nhà tuyển dụng. Thực tế là qua quá trình phỏng vấn, họ có thể khám phá những nhược điểm của bạn, nhất là những liên quan đến yêu cầu công việc.

 

Như thế các bạn nên tìm cách khắc phục nhược điểm đến mức có thể chấp nhận chứ không phải là tìm cách qua mặt nhà tuyển dụng.  Chúc các bạn trẻ có được công việc thích hợp!

 

Cảm ơn chuyên gia về những chia sẻ hữu ích này!

 

Hoàng Dung

Exit mobile version