Ít ai biết rằng “ông bố ”trong clip quảng cáo ấy ở ngoài đời cũng bận rộn không kém, khi vừa là thầy giáo vừa là “ông hoàng quảng cáo”: thầy Nguyễn Xuân Hiệp (giáo viên bộ môn Thể dục trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP. HCM).
Bất ngờ thầy làm diễn viên…
Từ hơn 10 năm nay, nhiều teen THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) có sở thích đón xem từng clip quảng cáo trên ti vi, vì rất dễ gặp… thầy mình trên đó. Và thầy Hiệp được gán luôn biệt danh “Ông hoàng quảng cáo” với gần cả trăm vai trong nhiều quảng cáo lớn nhỏ.
Thầy Hiệp bắt đầu bén duyên với nghề vào năm 2002, khi “tỏa sáng” ở cuộc thi Nét đẹp phấn trắng. Lúc được một đạo diễn mời đi casting, thầy đi thử cho biết ai dè đậu luôn và bắt đầu đóng quảng cáo từ đó tới giờ, thầy Hiệp kể.
Vì không được đào tạo bài bản, nên lúc nào thầy cũng dốc hết sức mình vào từng phân cảnh. Thái độ lao động nghiêm túc, đúng giờ và hết mình có lẽ đã tạo nên điểm cộng cho thầy trong mắt đạo diễn.
“Thầy thường được vào vai nhân viên văn phòng, kĩ sư, bác sĩ và doanh nhân. Có lúc cũng thắc mắc là không biết bao giờ mới nhận được một vai phản diện, quậy quậy, quái quái…”. Cầu được ước thấy, cuối năm 2011, thầy được phân vai một gã giang hồ bụi bặm trong bộ phim truyền hình Sơn ca không hát (Do TFS sản xuất). Để vào vai thật “ngọt” thầy phải tập luyện thể lực gắt gao, tập phóng xe máy, tập bắn súng…
Nhiều lúc sợ đóng vai “phản diện” sẽ “mất điểm” trong mắt học trò, nên khi được mời đóng mấy vai “nhạy cảm” thầy hay hỏi ý kiến của các bạn trong trường trước. Học trò đồng ý thì thầy mới nhận lời với đạo diễn.
2 ngày thầy chỉ ngủ… 6 tiếng
Kỉ niệm “nóng hổi” của thầy là lần quay clip quảng cáo “Tết đoàn viên” năm nay. Quảng cáo chỉ có 2 phút nhưng cả ê kíp phải quay liên tục trong 2 ngày. Vì là sản phẩm cho dịp Tết nên đạo diễn làm rất kĩ.
Ngày đầu tiên quay ròng rã từ 7 giờ sáng đến 11 giờ khuya. Ngày thứ 2 bắt đầu từ 5 giờ sáng đến tận… 7 giờ sáng hôm sau. Cũng có lúc thầy bị “stress” nặng khi cả ngày dạy ở trường, chưa kịp nghỉ ngơi thầy đã bắt xe đò đi đến Phan Thiết để đóng phim. Quay xong một phân cảnh thầy lại bắt xe về thành phố để kịp giờ lên lớp. Cứ liên tục như vậy trong 2 tuần khiến thầy mất ăn mất ngủ.
Những câu chuyện phía sau hậu trường thường được thầy Hiệp tâm sự với học trò để các bạn biết rằng làm diễn viên không phải lúc nào cũng hào nhoáng như trên khung hình. Những bạn nào còn đang đi học và muốn “lấn sân” sang nghệ thuật thì phải sắp xếp thật khoa học thời khóa biểu và phải nhờ bố mẹ hỗ trợ, giúp đỡ thêm.
Thầy Hiệp “tiết lộ” quy trình tuyển diễn viên đóng quảng cáo sẽ qua 3 vòng:
– Diễn thử cho trợ lí đạo diễn/phó đạo diễn, các biểu hiện tâm lí như là vui mừng, buồn thảm, tức giận, trợ lí ghi hình từng khung hình.
– Đạo diễn nhìn hình chọn ra những người tốt nhất.
– Những người tốt nhất đó gặp riêng đạo diễn và khách hàng (doanh nghiệp, chủ sản phẩm) để kiểm tra trực tiếp về giọng nói, điệu bộ, phong thái và diễn xuất.
Đóng quảng cáo có cái khó hơn đóng phim là thời lượng ngắn, chuyển tải nhiều nội dung nên phải tập trung diễn xuất và để ý từng chi tiết nhỏ… |
Theo Minh Đức
Mực Tím