Chuyện chưa kể về “cha đẻ” cốc bia hơi huyền thoại ở Hà Nội

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 23/09/2017
Lần cập nhập cuối: 05/01/2021

Chuyện chưa kể về “cha đẻ” cốc bia hơi huyền thoại ở Hà Nội

Bia hơi được người Pháp đưa vào sản xuất ở Việt Nam khoảng những năm 1890. Trải qua những thăng trầm lịch sử, thứ đồ uống này nhanh chóng phổ biến và trở thành nét đặc trưng riêng của Hà Nội.

Gắn liền với những cốc bia dân dã vỉa hè là sự ra đời của loại cốc vại chuyên để uống bia. Hơn 40 năm qua dù xã hội có nhiều thay đổi, công nghệ cũng phát triển theo hướng hiện đại nhưng điều lạ là, chiếc cốc vại uống bia xù xì, thô kệch vẫn được nhiều thế hệ ưa chuộng, sử dụng.

Ít ai biết, ông Lê Huy Văn, nguyên Hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chính là “cha đẻ” của chiếc cốc uống bia huyền thoại này.

Họa sỹ Lê Huy Văn, nguyên Hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội – người thiết kế ra chiếc cốc bia huyền thoại ở Hà Nội.

Ông Văn từng theo học chuyên ngành thiết kế công nghiệp tại Đức. Đầu những năm 70, ông trở về nước và làm việc ở Phòng Kỹ thuật Liên hiệp xã Tiểu thủ Công nghiệp TW, chuyên thiết kế những sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống nhân dân. Thời kỳ những năm 1972, 1973, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn. Hàng hóa khan hiếm, bia hơi trở thành thứ đồ uống xa xỉ, chỉ được bày bán trong những cửa hàng Mậu dịch quốc doanh của nhà nước.

Dù vậy, mỗi buổi chiều về, hàng đoàn người vẫn xếp hàng, kiên nhẫn chờ đợi thưởng thức từng cốc bia. Họa sỹ Lê Huy Văn cho biết, khi ấy vẫn chưa có một loại cốc chuyên dụng, người ta uống bia bằng đủ thứ, đựng trong cặp lồng, cốc nhựa, uống bằng bát…

Họa sỹ Lê Huy Văn cho biết, ông chỉ biết khoảng 1 giờ để phác thảo về chiếc cốc uống bia chuyên dụng.
Chiếc cốc “nguyên bản” có màu xanh nhạt, hình côn trong đó miệng loe, thân đáy nhỏ.

Một lần, đang trong giờ làm việc, ông Văn được cấp trên khi ấy là ông Nguyễn Văn Thao chủ nhiệm Liên Hiệp Xã Thủ Công Nghiệp TW gọi lên, vỗ vai và bảo: “Cậu phải thiết kế cho tớ một chiếc cốc chuyên dụng chỉ để uống bia mà mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng”.

Nhận nhiệm vụ, họa sỹ Lê Huy Văn chỉ mất khoảng 1 giờ để lên ý tưởng và phác thảo bản vẽ ra giấy. Nguyên Hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội kể: “Tôi vẽ một mạch mà không mất quá nhiều thời gian. Thời điểm thiết kế chiếc cốc, tôi chỉ coi đây là nhiệm vụ cần phải hoàn thành, làm sao tạo ra một sản phẩm đơn giản, giá thành rẻ nhưng lại phải phù hợp với nhu cầu của mọi người chứ không hề đặt kỳ vọng quá cao siêu”.

Sau khi hoàn thành bản vẽ, họa sỹ Lê Huy Văn bàn giao cho Hợp tác xã Thủy tinh dân chủ Hà Nội để sản xuất đại trà.
Họa sỹ Lê Huy Văn phác thảo lại chiếc cốc trên bản vẽ

Sau khi hoàn thành bản vẽ, họa sỹ Lê Huy Văn bàn giao cho Hợp tác xã Thủy tinh dân chủ Hà Nội để sản xuất đại trà.

Chiếc cốc được thiết kế có hình côn, miệng loe, thân đáy nhỏ để tiện việc xếp chồng lên nhau; phía trên cốc có những gờ tròn dễ dàng cầm nắm. Quy trình sản xuất chiếc cốc cũng khá đơn giản, được làm thủ công và từ thủy tinh tái chế.

Sau khi thiết kế ra chiếc cốc vại uống bia “huyền thoại”, bản thân họa sỹ Lê Huy Văn cũng “quên bẵng” và bận rộn cuốn mình vào việc thiết kế ra các sản phẩm tiêu dùng khác. Nhiều năm sau, trong một lần đi uống bia cùng bạn bè, ông Văn bất ngờ khi thấy chiếc cốc của mình được sử dụng rộng rãi và gần như “phổ cập” ở tất cả các quán bia hơi Hà Nội.

“Khi thiết kế, tôi tiên đoán, chiếc cốc có thể chỉ tồn tại được khoảng 5 – 6 năm mà thôi, thế nhưng không ngờ hàng chục năm sau sản phẩm này vẫn được nhiều người sử dụng, ưa chuộng và gắn liền với văn hóa uống bia của người Hà Nội”, họa sỹ Lê Huy Văn nói.

Sau khi thiết kế ra chiếc cốc vại uống bia “huyền thoại”, bản thân họa sỹ Lê Huy Văn cũng “quên bẵng” và bận rộn cuốn mình vào việc thiết kế ra các sản phẩm tiêu dùng khác.
Điều họa sỹ Lê Huy Văn không ngờ là hàng chục năm trôi qua chiếc cốc vại huyền thoại vẫn được người dân ưa chuộng, sử dụng.

Theo ông Văn, cốc vại không chỉ phổ biến và được người dân Thủ đô ưa chuộng mà ngay cả những vị khách nước ngoài cũng yêu thích, đánh giá cao. Ông Julio de Leo, Giám đốc tiếp thị, nhà thiết kế người Ý từng cho biết: “Cảm giác vị ngọt của bia Hà Nội là nhờ ở cốc bia có bọt thủy tinh”. Năm 1991, vị giám đốc này đã quyết định mua 5 container xuất khẩu loại cốc này sang Ý với mong muốn “mang vị bia chuẩn Hà Nội ra nước ngoài”.

Qua thời gian nhiều nhà hàng ở Hà Nội cũng thử nâng cấp chiếc “cốc vại” uống bia thành những cốc thủy tinh cao cấp, có tay cầm thế nhưng không hiểu sao vẫn không được khách hàng ưa chuộng.

Lý giải về sức sống mãnh liệt của chiếc cốc độc đáo này, Nguyên Hiệu phó trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội cho hay, có lẽ chính sự đơn giản, mộc mạc và tiện dụng khiến chiếc cốc tồn tại được lâu đời.

Qua thời gian nhiều nhà hàng ở Hà Nội cũng thử nâng cấp chiếc “cốc vại” uống bia thành những cốc thủy tinh cao cấp, có tay cầm thế nhưng không hiểu sao vẫn không được khách hàng ưa chuộng.

Một điều đặc biệt, trước kia do sản xuất thủ công, kỹ thuật còn kém nên vô tình tạo ra những lớp bọt khí phía trong chiếc cốc. Tuy nhiên theo họa sỹ Lê Huy Văn chính sự vô tình này lại khiến chiếc cốc mang một nét đặc trưng riêng: “Khi rót bia, những lớp bọt khí lăn tăn, sủi tăm trông rất đẹp, hấp dẫn và tạo cảm giác ngon miệng cho người uống. Có lẽ cũng chính vì thế, mà cho đến nay dù công nghệ chế tạo thủy tinh đã hiện đại hơn trước nhưng các cơ sở vẫn giữ nguyên bản lớp bọt khí này”, ông Văn nói.

Thiết kế chai Coca Cola đội nón bài thơ của ông từng đạt HCV ý tưởng sáng tạo khu vực châu Á và được trưng bày tại bảo tàng của hãng này ở Atlanta (Mỹ).

Đến nay, dù đã 40 năm trôi qua nhưng chiếc cốc vại uống bia xù xì, thô kệch vẫn được nhiều thế hệ ưa chuộng, sử dụng.

Ở tuổi ngoài 70, trong căn nhà trên phố Đê La Thành (Hà Nội), hoa sỹ Lê Huy Văn vẫn say sưa với công việc thiết kế, giảng dạy và dịch sách. Ngoài chiếc cốc vại nổi tiếng, gắn bó với nhiều thế hệ người dân Thủ đô, ông Văn còn được biết đến là tác giả của nhiều sản phẩm, trong đó có mẫu xe Honda Sufat W, máy đóng vở học sinh và chai Coca Cola đội nón bài thơ…

Đặc biệt, chai Coca Cola đội nón bài thơ của ông từng đạt HCV ý tưởng sáng tạo khu vực châu Á và được trưng bày tại bảo tàng của hãng này ở Atlanta (Mỹ).

Hà Trang

Ảnh, Video: Toàn Vũ

Exit mobile version