>> Điều gì đang xảy ra với giới trẻ?
Xoay quanh câu chuyện về lối sống “thoáng” và cách nhìn nhận của xã hội về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang đã có trao đổi:
Google vừa có thống kê, năm nay là năm Việt Nam có số người tìm từ khóa liên quan đến “sex” cao nhất thế giới. Chị suy nghĩ thế nào về điều này?
Còn nhớ cách nay khoảng 5 năm khi tôi làm dự án về sức khỏe sinh sản, tiếp xúc với học sinh THPT và THCS, tôi hỏi: “Nam và nữ khác nhau chỗ nào?”, các em mắc cỡ: “Cô này kỳ ghê, nam tóc ngắn, nữ tóc dài chứ sao”.
Năm ngoái cũng dự án như thế, hỏi cùng câu hỏi thì rất nhiều em đưa tay phát biểu tỉnh bơ: “Con trai có tinh hoàn, con gái có buồng trứng”. Rồi cả lớp đập bàn, vỗ tay ì xèo.
Nói để thấy các bạn trẻ đã rất khác trong cách tiếp nhận thông tin và thái độ đối với “chuyện đó”.
Con số Google thống kê có thể là một đánh động mà cũng có thể chưa nói lên gì hết. Trước đây người ta có tìm tòi “sex” qua sách báo không? Có thể có nhưng do mình không có cách thống kê như ngày nay nên không có điều kiện so sánh.
Người ta có thể ghi lại hình ảnh ân ái khi yêu nhau, rồi người khác đem đi phát tán mà không có cảm giác mắc cỡ ngại ngùng. Phải chăng có một chuẩn mực gì đó đã đổ vỡ ở đây?
Phương Tây vẫn có chuẩn mực chung thủy
Có ý kiến cho rằng các bạn trẻ tự do luyến ái là theo kiểu phương Tây. Chị thấy đúng không?
Hồi trước tôi có tham gia lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản do hai chuyên gia một nam một nữ người Đan Mạch hướng dẫn. Có một học viên hỏi rằng: “Thế bao nhiêu năm trời anh chị đi cùng với nhau khắp các nước, anh chị có quan hệ tình dục với nhau không?”. Hai chuyên gia cười. Đáng lẽ đây là chuyện cá nhân họ không nói, nhưng vì họ thấy người Việt Nam mình hay nghĩ rằng người phương Tây quan hệ bừa bãi nên họ phải nói.
Phương Tây thì cũng một bộ phận nào đó như thế thôi. Còn họ vẫn có những chuẩn mực chung: lòng chung thủy, lòng yêu thương… Và từ nhỏ họ đã được trang bị các kỹ năng: giá trị hạnh phúc, công bằng xã hội, giá trị con người… |
Từ xưa đến giờ mình nói quan điểm sống Việt Nam là kín đáo. Chuẩn mực không chỉ là luật pháp mà còn là thuần phong mỹ tục, văn hóa. Khi người ta thấy cái gì không phải chuẩn mực thì lên án. Còn bây giờ xã hội đang bùng nổ thông tin, tràn ngập lối sống và văn hóa khác nên con người thay đổi…
Ví dụ, trước đây ai làm gì cũng bị dòm ngó dữ lắm, nay ai có để ý chuyện này chuyện nọ thì cũng thấy đó là quyền cá nhân của người khác. Từ chỗ đó họ có làm gì, dù không đúng thì mình vẫn thấy người ta có quyền làm. Dần dần người ta cảm thấy “thoáng” hơn vì không bị ai lên án cả.
Khi chị tiếp xúc với các bạn trẻ để tư vấn tâm lý, chị thấy cái gì tác động lên họ nhiều, dẫn đến quan niệm và hành vi “tình dục sớm”, sống “thoáng” như thế?
Nhiều yếu tố. Giao lưu xã hội cởi mở hơn, dậy thì sớm, gia đình giáo dục con cái theo khuynh hướng độc lập, bình đẳng hơn, tiếp cận thông tin hiện đại… Nói chung người nhỏ thấy người lớn có phương tiện gì mình cũng có thể có, người lớn sử dụng được công nghệ cao, mình cũng sử dụng được, thậm chí tốt hơn.
Hồi trước mình chỉ có thể tập tành làm người lớn bằng cách mang đôi guốc, mặc cái áo, hút điếu thuốc. Còn nay phương tiện gì mình cũng có thì một hành vi thể hiện mình lớn là… “chuyện ấy”.
Nhiều bạn trẻ cho rằng chuẩn mực chung, giá trị truyền thống trong xã hội Việt Nam bị gãy đổ, cho nên một bộ phận giới trẻ mới sống như vậy. Theo chị, cách nói đó có đúng không, đúng ở mức độ nào?
Theo tôi, có một phần đúng, trong một bộ phận nào đó. Như người ta nhìn thấy nhiều tiêu cực trên báo chí, phương tiện truyền thông và dư luận, riết thành quen. Có học trò nói với tôi ba mẹ dạy con phải làm cái này, làm cái kia, toàn điều hay. Nhưng đến khi con nhìn thấy thì: mẹ “tiếp tay” để ba tham nhũng, ba thì ngoại tình… Có chuẩn mực nào trong gia đình không? Xã hội mà nơi đó những chuyện xấu không được giải quyết đến nơi đến chốn thì giá trị truyền thống chỉ còn là lý thuyết.
Và do đó mà việc lớp trẻ suy nghĩ lệch lạc là một hệ lụy?
Có một ca tư vấn của tôi với nữ học sinh 16 tuổi quen một anh chàng đã học đại học. Mâu thuẫn của em này: biết những chuyện “xác thịt” là chuyện lợi dụng nhưng mà em vẫn thích gặp anh chàng kia. Nghĩa là em này hoàn toàn nhận thức được việc mình dính vào không phải là đúng nhưng không có lối thoát. Hỏi ra thì biết ba mẹ chỉ nói chuyện với em theo kiểu giáng từ trên xuống, mà nói theo cách của em là không tin cậy vào em.
Những chuyên gia nước ngoài trao đổi với chúng tôi thường nói: thay vì tạo nên môi trường chân không thì chia sẻ nền tảng, các phương pháp suy nghĩ đúng – sai, từ đó con cái tự lựa chọn cho mình cách tiếp cận tích cực. Làm sao chặn lại nhu cầu bình thường của con người khi qui luật tự nhiên đến tuổi thì phải có.
Khi anh chưa có cái laptop hay điện thoại di động, anh thấy người ta xài sao “vĩ đại” quá. Nhưng khi anh đã có anh mới thấy nó cũng “thường thôi”. Xã hội mình nền giáo dục cũng như gia đình đã quen coi “chuyện ấy” là bất thường nên khi con cái có nói đến thì cứ úp úp mở mở.
Nhưng ngay cả xã hội ta lúc này cũng còn chưa sẵn sàng với những chuyện như vậy?
Đúng vậy. Nên mới có chuyện đưa nạn nhân lên tivi mà tưởng là mình đang thương cảm, ủng hộ các em. Lẽ ra phải chỉ ra rằng việc làm đó thật sự khiến chúng tôi đau lòng, để các em thấy đó không phải là việc đáng ủng hộ. Trong khi đó, nhiều người khác lại xúm vào chửi các em. Đó là thái độ của một xã hội không sẵn sàng trước những sự kiện.
Chúng ta phải có dự báo trước những điều này khi xã hội phát triển, khi những luồng thông tin, văn hóa tác động nhiều chiều đến giới trẻ, khi Việt Nam gia nhập với thế giới toàn cầu thì chuyện sex của giới trẻ là bình thường chứ không phải quá bàng hoàng, ầm ĩ quá mức. Một chiến lược quốc gia về xây dựng giá trị con người cần thiết được chú trọng mà trong đó những thang giá trị nhân văn phải có ngay trong chương trình giáo dục.
Theo Đặng TươiTuổi Trẻ