Chương Tử Di ”thách đấu” Khổng Tử

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 30/09/2006
Lần cập nhập cuối: 01/01/2021

“Mười nghìn ông Khổng Tử mới bằng một cô Chương Tử Di

Giáo sư Trương Di Vũ thuộc Đại học danh tiếng Bắc Kinh không ngờ một ngày mình có thể trở thành đối tượng bị giới truyền thông công kích nặng nề.

Cơ sự chỉ vì trong chuyên đề “Buôn bán văn hóa Trung Quốc, nên không?” đăng trên tờ Tuần báo mới, ông nói: “Một YaoMing, một Chương Tử Di có thể so với mười nghìn ông Khổng Tử. Cần phải chú trọng Chương Tử Di như chú trọng Khổng Tử, văn hóa Trung Hoa mới có tương lai!”.

Một đồn mười, mười đồn trăm, thế là xảy ra cuộc bút chiến hỗn loạn, những lời phê phán, chỉ trích ông này dày đặc trên báo chí.

Được mệnh danh là “món quà Trung Quốc dành tặng Hollywood”, nhưng cô gái vàng Chương Tử Di không hề chiếm thiện cảm trong nước. Ít nhất sau vụ  Hồi ức Geisha, Chương đã mất lòng một bộ phận lớn dư luận.

Đối với họ, Chương Tử Di “gầy gò xương xẩu” là sản phẩm không hoàn thiện của công nghệ lăng xê quốc tế và không hề xứng đáng là biểu tượng vẻ đẹp Trung Quốc, nơi mỹ nhân nghĩa là tròn trịa. Nay lại có người cả gan đem một cô diễn viên ra so với thánh nhân? Dư luận đã phản bác dữ dội với những luận điểm sau đây:

Thứ nhất, Chương Tử Di nổi tiếng thế giới không có nghĩa là cô có thể trở thành đại biểu cho văn hóa Trung Quốc. Trong khi đạo Nho của Khổng Tử chính là nền móng của nền văn hóa lâu đời nước này, bản thân hình tượng Khổng Tử đã là văn hóa Trung Quốc.

Thánh nhân như Khổng Tử chỉ có một, còn diễn viên như Chương có thể có đến nghìn vạn. Hình tượng Khổng Tử sẽ lưu truyền muôn đời, sức trường tồn đó làm sao có thể có ở Chương Tử Di?

Thứ hai, Chương Tử Di dù thành công đến đâu trên trường quốc tế, người ta vẫn cho rằng cô “đóng không giống người Trung Quốc, trông không giống người Trung Quốc!”.

Dù cô diện màu váy đỏ truyền thống hay trang phục cổ trang, dù nói thứ tiếng Anh lưu loát ở Oscar hay làm phát ngôn viên của những tổ chức từ thiện quốc tế, báo chí nước này vẫn quả quyết Chương ngày càng “mất gốc”.

Suốt 4 tháng ròng, hai đầu bàn “đại tiệc” chông chênh giữa một bên là các nhà Khổng học, bạn đọc, báo chí và một bên là giáo sư Trương Di Vũ. Người ta liên miên soạn ra các bảng so sánh tiểu sử, thành tựu, sức ảnh hưởng đến thế giới của hai vị này và không hề tìm thấy một đường “link” liên kết nào có thể chống đỡ cho ông giáo sư.

“Chương Tử Di thách đấu Khổng Tử” kỳ thực chỉ là một “sáng tạo” hấp tấp của báo chí!

Sự việc chỉ lắng xuống khi giáo sư Trương lên tiếng kêu oan. Toàn bộ phát ngôn của ông như sau: “Văn hóa hiện đại có vai trò vô cùng quan trọng, thông qua nó chúng ta mới có thể giới thiệu cho thế giới biết về tinh hoa của văn hóa truyền thống. Một YaoMing, một Chương Tử Di có thể so với mười nghìn ông Khổng Tử. Cần phải chú trọng Chương Tử Di như với Khổng Tử, văn hóa Trung Hoa mới có tương lai!”.

Cách nghĩ của giáo sư Trương rất rõ ràng, ông không hề có ý đem Chương Tử Di và Khổng Tử ra so bì thấp cao, mà chỉ muốn đề cập một cách thức đáng chú ý trong việc truyền bá văn hóa truyền thống.

Giáo sư Trương giãi bày, ông không hề hâm mộ diễn viên Chương, nhưng hễ cứ ra khỏi Trung Quốc, gặp người nước ngoài, là ông lại thấy người ta nhắc đến cô hoặc biết đến cô, người biết cô nhiều hơn người biết Khổng Tử. Theo ông, cô đã làm tốt vai trò “gióng chuông nơi xứ người”, và đó là một hiện tượng cần chú trọng phân tích.

Nhưng đoạn phát biểu này của ông đã bị báo chí cắt xén, biến thành một loại hình tin tức “sáng tạo”, mô- li- phê chỉ còn độc vế “Chương Tử Di thách đấu Khổng Tử”. Kéo theo đó là loạt chủ đề không liên quan: “Khổng Tử không bằng Chương Tử Di sao?”, “Một giáo sư nhục mạ văn hóa truyền thống” v.v… nườm nượp trên các báo, dẫn đến cả một cuộc luận chiến về “Bảo vệ văn hóa truyền thống Trung Hoa” trên mạng. Giáo sư Trương lâm vào cảnh “há miệng mắc quai”, diễn viên Chương Tử Di thì càng bị thị phi.

Sự việc kết thúc, báo chí lập tức quay sang luận bàn về các vấn đề xoay quanh cách đưa tin và làm nghiệp vụ của giới mình, hy vọng trong guồng quay xã hội, những tin tức được đưa ra vẫn đảm bảo độ tin cậy và chuẩn xác.

Theo Nga LinhTiền Phong

Exit mobile version