Mới học hết lớp 9, A Nủ đã phải nghỉ học, ở nhà do gia đình quá nghèo và bố mắc bệnh nặng. A Nủ phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nhưng may mắn, chàng trai trẻ vốn tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi nên tuy mới 22 tuổi, A Nủ được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã Cát Cát.
Nhớ lại những ngày đầu đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, A Nủ cho biết: Em thường xuyên tham gia sinh hoạt Đoàn, tình cờ em đã học hỏi được mô hình chiết xuất tinh dầu dược liệu. Nhận thấy tại quê hương mình có điều kiện để phát triển và nhân rộng, em đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương thành lập hợp tác xã.
Hiện, ông chủ 9X đang quản lý một xưởng chế biến tinh dầu, 1,5 ha cây dược liệu trồng tập trung và hàng chục ha cây dược liệu mọc tự nhiên; tạo việc làm thường xuyên cho 7 xã viên và nhiều nhân công lao động.
Hợp tác xã của A Nủ được thành lập năm 2014, dựa trên cơ sở 3 nhóm phát triển kinh tế là: Nhóm phát triển thổ cẩm, nhóm làm nến và nhóm chế xuất tinh dầu dược liệu.
Xưởng sản xuất được xây dựng trên diện tích 200 m2, với tổng kinh phí đầu tư 700 triệu đồng (trong đó 70% là vốn vay). Toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị đầu tư hiện đại, đảm bảo dược liệu được chiết xuất sạch, giữ được dược tính tốt nhất.
Từ nguồn dược liệu phong phú ở địa phương, A Nủ đam mê nghiên cứu cách chế biến, chiết xuất và đã sản xuất thành công các sản phẩm mới từ tinh dầu dược liệu như xà phòng tắm, dầu gội, dung dịch tắm, nước ngâm…từ các bài thuốc cổ truyền của người Mông, Dao tại Sa Pa.
Tận dụng những nguyên liệu sẵn có, A Nủ còn đưa các sản phẩm làm ra gần hơn với người tiêu dùng dưới xuôi, đặc biệt là những khách du lịch.
Năm 2014, hợp tác xã lãi trên 300 triệu đồng, ai nấy đều phấn khởi, đời sống nhân dân được cải thiện. A Nủ đã thành lập quỹ hỗ trợ cộng đồng, trích 5% từ mỗi sản phẩm bán ra, nộp vào quỹ; tổ chức các lớp học tiếng Anh miễn phí và xây dựng điểm truy cập internet miễn phí, phục vụ việc học tập và khai thác thông tin của các em học sinh trong xã.
Hợp tác xã Cát Cát do A Nủ làm chủ nhiệm đang có kế hoạch mở thêm các dịch vụ tắm, ngâm chân bằng thảo dược và trải nghiệm du lịch nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời giúp các thanh niên, đoàn viên tại địa phương tập trung sản xuất, kiếm thêm thu nhập và tránh bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.
” Em không được đi học đầy đủ nên chỉ mong cho trẻ em nghèo ở xã, ai cũng được đến trường, được học tập. Có kiến thức rồi mới làm giàu được, góp phần xây dựng quê hương” – A Nủ tâm sự
Theo Ngọc Trang
Giáo dục & Thời đại