Đây là một trong những công trình thể hiện sự giàu có, sung túc của người dân huyện Hải Hậu.
Chủ nhân lâu đài là vợ chồng ông Nguyễn Văn Khuê (SN 1958) và bà Nguyễn Thị Lan (SN 1961). Được biết, ông Khuê hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khoáng sản, tàu biển.
Ông Nguyễn Văn Khuê cho biết: Tên tòa lâu đài ‘Lan khoa Khuê’ là sự kết hợp tên của các thành viên trong gia đình – tên ông (Khuê), tên vợ (Lan) và tên người con trai (Khoa). Chi phí xây dựng công trình tính đến nay đã vượt ra ngoài con số 40 tỷ đồng.
Lâu đài có diện tích 470m2 nằm trên mảnh đất 3000 m2. Trước khi bắt tay vào xây dựng, ông Khuê đã dành thời gian sang Pháp, Italy vừa đi du lịch vừa tham khảo các mẫu lâu đài. “Toàn bộ ý tưởng lâu đài là của tôi, các kiến trúc sư căn cứ vào đó để lập bản vẽ. 10 năm trước, tôi vào miền Nam lấy mẫu của một tòa lâu đài nổi tiếng ở đó nhưng không ưng. Cuối cùng, tôi quyết định ra nước ngoài tìm hiểu. Riêng bản vẽ phải mất 3 năm mới hoàn thiện. Quá trình xây dựng, bản vẽ thay đổi liên tục, hạng mục nào làm xong, chưa ưng ý tôi cho đập đi xây lại, dù chi phí đội lên rất lớn”, ông Khuê chia sẻ.
Hệ thống cổng, hàng rào được làm bằng chất liệu nhôm hợp kim mạ đồng. Hai bên có hai tượng sư tử trắng, kích cỡ lớn án ngữ. Hai pho tượng này vừa mang tính chất trang trí, vừa thể hiện sự mạnh mẽ của gia chủ trong cuộc sống và kinh doanh. Đặc biệt, cánh cổng được điều khiển bằng hệ thống từ xa. Ngoài ra, xung quanh gắn 20 camera và lớp hàng rào thép gai để đảm bảo an ninh.
Vị đại gia tiết lộ, ông có đam mê với thần thoại Hy Lạp. Chính vì vậy, ý tưởng thiết kế và trang trí được ông nghiên cứu, mô phỏng từ các thần thoại này. Bức tượng trong ảnh mô tả nữ thần chiến thắng, kết thúc trận chiến, cởi bỏ áo giáp, mũ để trở về.
Bức tượng thợ săn cao hơn 2 mét được đặt ở góc vườn, bên cạnh là cung và con chó… “Các pho tượng đều được những nghệ nhân trực tiếp chế tác bằng tay từ chất liệu xi măng. Để làm số lượng tượng lớn và các phù điêu, hoa văn trang trí khắp lâu đài, tôi thuê 4 tốp thợ (16 người) từ Nghệ An, Quảng Trị… ra Nam Định và làm trong 3 – 4 năm mới hoàn thành”, đại gia sinh năm 1958 nhấn mạnh.
Tượng con tàu trên nóc tòa lâu đài mang ý nghĩa gắn liền với công việc kinh doanh tàu biển của ông Khuê. Hình tượng con tàu vươn ra biển lớn thể hiện khát vọng chinh phục, 2 nữ thần hai bên phù hộ. Bông lúa mạch thể hiện sự sung túc đủ đầy, con ngựa và sư tử thể hiện uy quyền, uy lực.
Gia chủ sử dụng gỗ đỏ, gỗ hương, gỗ cẩm lai làm nội thất. Lâu đài gồm 5 tầng có 1 hầm để xe. Cánh cửa chính lấy nguyên mẫu từ Pháp, được làm từ tấm gỗ quý và rất nặng. Thời điểm lắp đặt, gia chủ phải dùng cần cẩu mới vận chuyển được vào trong.
Khu đại sảnh được ốp bằng gỗ đỏ. Ông Khuê cho lắp đặt thang máy để thuận tiện di chuyển giữa các tầng trong tòa lâu đài. Bên cạnh đó, lâu đài có hệ thống phòng cháy, chữa cháy hiện đại với chi phí lên tới vài tỷ đồng.
Cây xanh, tiểu cảnh trong khuôn viên sân vườn lâu đài.
Phía góc sân là nhà ăn tập thể dùng vào dịp lễ Tết có đông người tham dự. Phòng ăn này có thể chứa khoảng 60-70 người.
Hoa văn đắp nổi trên trần nhà bằng đồng mạ vàng 18k.
Lâu đài có nhiều phòng như: Phòng triển lãm cổ vật, phòng làm việc, phòng ở cho gia nhân… Ông Khuê thông tin thêm: “Tôi xây dựng lâu đài này với mong muốn có một công trình để đời, làm một điều gì đó cho thế hệ các con, cháu sau này. Đây cũng là một minh chứng, bài học cho các con, cháu biết ông, bố… của chúng đã từng ra biển, đã từng vất vả như thế nào”.
Theo Vietnamnet