Ngày 8/10, buổi tọa đàm “Nhân lực thời cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0)” do báo Sinh viên Việt Nam, trường Đại học Thương mại và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN phối hợp tổ chức với sự tham gia của các diễn giả đến từ các tập đoàn hàng đầu, giúp sinh viên giải mã về nguồn nhân lực, đồng thời hỗ trợ các bạn sinh viên trang bị hành trang để hòa nhập trong kỷ nguyên mới.
Diễn giả của chương trình gồn có: ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN; ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc quan hệ chính phủ và thị trường Công ty 3M Việt Nam; bà Tô Ngân Hà, Giám đốc đổi mới và phát triển sản phẩm tổ chức giáo dục Language Link Việt Nam.
Mở màn buổi toạ đàm, ông Vũ Tú Thành nhận định, trong kỷ nguyên CMCN 4.0, điều quan trọng nhất của nguồn nhân lực là tư duy, sáng tạo và độc lập của con người. Mỗi người phải tự tìm cho mình cách tư duy, hướng đi cho riêng mình mà cốt lõi là những gì mang tính lặp đi lặp lại, quy trình tự động hóa bắt buộc con người phải sáng tạo mới tồn tại trong thế giới này.
Đứng ở khía cạnh một nhà quản lý, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc quan hệ chính phủ và thị trường Công ty 3M Việt Nam quan điểm: “Bản chất của CMCN 4.0 là máy móc đang dần được thay thế, giống như những cuộc cách mạng bình thường nhưng có một cái khác là trí tuệ được thay thế. Công nghệ thay đổi sẽ làm cho năng suất lao động tăng lên vì vậy chúng ta phải thay đổi. Tuy nhiên, xét cho cùng thì máy móc không thể thay thế kỹ năng mềm được”.
Thời kỳ CMCN 4.0, máy móc, công nghệ thay thế rất nhiều, ví như việc học tiếng Anh, không cần học mà sử dụng công cụ dịch trên Google cũng có thể nắm bắt được thông tin, “Google Translate” là một trong những khởi đầu của công nghệ nhân tạo tuy nhiên con người vẫn phải tự chủ động.
“Giao tiếp cơ bản thôi thì chưa đủ, học ngoại ngữ phải kèm theo cả tư duy, các kỹ năng cao hơn ví dụ như tư duy kỹ năng mềm. Ngôn ngữ là một phương tiện của tư duy vì vậy thời đại này ngoài học ngôn ngữ, từ ngữ, cấu trúc lặp đi lặp lại thì chúng ta cũng phải chú trọng đến những yếu tố khác mà máy móc không thể đáp ứng được”, bà Tô Ngân Hà, Giám đốc đổi mới và phát triển sản phẩm tổ chức giáo dục Language Link Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh những nhận định chung về CMCN 4.0, các diễn giả cũng chỉ ra những mặt hạn chế, giải đáp những thắc mắc của các bạn sinh viên khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn con đường định hướng tương lai.
Trong thời kỳ “Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence – AI), “Vạn vật kết nối” – Internet of Things (IoT) và “Dữ liệu lớn” (Big Data), cơ hội việc làm đối với sinh viên, các cử nhân mới ra trường trở thành vấn đề quan tâm rất lớn. Các bạn sinh viên đều muốn có cơ hội được thử sức trong các tập đoàn đa quốc gia, tuy nhiên một băn khoăn chung là trình độ tiếng Anh có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
Trước thắc mắc đó, ông Thành cho rằng đối với các tập đoàn đa quốc gia, tiếng Anh không phải là yếu tố quan trọng nhất và quyết định mà phải căn cứ vào nhiều tiêu chí khác, quan trọng là phải tìm được thế mạnh phù hợp cho mình.
Bà Hà cung cấp thêm, một số tập đoàn nước ngoài khẳng định tiếng Anh không ảnh hưởng đến công việc tuyển người của nhà tuyển dụng nhưng sẽ ảnh hưởng đến chính con đường phát triển của bạn trong công ty đó.
Mỗi doanh nghiệp đều có nhiều vị trí khác nhau và theo ông Thanh, “những người xuất sắc thường làm trái nghề”. Ông Thanh chỉ ra cho sinh viên thấy rằng, nhà tuyển dụng quan tâm ứng viên có mục đích rõ ràng, dài hạn hay ngắn hạn cho công việc của mình hay không, thứ hai tập trung vào kỹ năng và thái độ. Chuyên ngành tốt là một chuyện, nếu kết hợp được với tiếng Anh thì cơ hội việc làm sẽ rất tốt.
“10% nhân sự của các tập đoàn đa quốc gia là cộng tác viên được tuyển vào để hỗ trợ cho các nhân viên chính thức. Đây là cơ hội duy nhất cho các bạn sinh viên, cử nhân vừa mới ra trường, trừ các bạn quá xuất sắc có thể được nhận vào làm việc. Các bạn có thể thông qua các anh chị khóa trên cùng ngành với mình để được hỗ trợ. Nhà tuyển dụng nặng về thái độ hơn khả năng bạn trình bày trong CV vì họ có thể đào tạo, tinh thần cầu tiến và học hỏi là điều mà các nhà tuyển dụng ưu ái”, ông Thanh cho biết.
Muốn bắt kịp được sự phát triển nhanh của thời đại mới, các diễn giả khuyên các sinh viên cần phải xác định được muốn gì, định hướng nghề nghiệp như thế nào. Ở lứa tuổi học đại học gần như chỉ có 20% các bạn trẻ có thể xác định được mục tiêu và định hướng của mình còn lại vẫn chưa xác định được. Trong 20% đó có nhiều yếu tố tác động như ngành học, gia đình định hướng. Ông Thành cũng nhấn mạnh, các tập đoàn đa quốc gia sẽ không nhận một người không biết mình muốn gì và không đủ tự tin, mạnh dạn.
Các diễn giả cho rằng nỗ lực và đam mê là cánh cửa giúp người học có thêm kiến thức. Phát hiện được đam mê và tìm ra sở thích, năng lực khả năng của mình càng sớm thì khả năng thành công càng cao. Việc giao tiếp tiếng Anh không phải để hiểu nhau nữa mà giao tiếp để lấy được thiện cảm của người bên cạnh, kết nối được mọi người.
Trong quá trình tuyển dụng, nhiều bạn trẻ lo lắng về việc trình bày một bản CV sao cho ấn tượng, ông Thanh chia sẻ, một số bạn trẻ hiện nay làm CV còn tập trung hình thức, một số bạn lại làm quá sơ sài. Tuy nhiên, các bạn lại không biết, khi đi xin việc nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn từ xa, từ cách ăn mặc đến cách bạn thể hiện ra bên ngoài. Việc được nhận không hẳn phụ thuộc vào phần trả lời câu hỏi thật hay mà thường là ấn tượng ban đầu sẽ giúp nhà tuyển dụng có những quyết định đầu tiên. Chính vì vậy, quan trọng nhất là phải chuẩn bị bản thân để tạo được ấn tượng.
Ông Thành bổ sung thêm, đối với nhà tuyển dụng khi xem CV, họ sẽ chú ý vào kinh nghiệm đầu tiên dù có thể nó không được đề cập ở phần đầu. Diễn giả khuyên các bạn trẻ nên sớm tích lũy kinh nghiệm trong học tập ở nhà trường, thực tập và làm thêm. Không nên coi CV như một môn học để có thể học theo mẫu nọ mẫu kia. Đó chỉ là hình thức bởi nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào bản chất.
Kim Bảo Ngân