Thay mặt nhóm Grey Rose, KTS tuổi 23 Trần Hoàng Anh đã chia sẻ về đồ án Plastique 2.0 (hay còn gọi Đảo nổi 2.0) – sản phẩm giành được giải cao nhất và duy nhất ở hạng mục Kiến trúc và các vấn đề của nước biển dâng của cuộc thi Ý tưởng về Kiến trúc cho tương lai.
Hoàng Anh có thể giới thiệu về các thành viên của Grey Rose vừa xuất sắc đăng quang tại cuộc thi kiến trúc cấp quốc tế?
Hoàng Anh sinh năm 1991, tại Hà Nội. Hai thành viên nữ trong nhóm là Trần Khánh Chi (SN 1990, tại Huế) và Nguyễn Bảo Thư (SN 1991, tại TP. Hồ Chí Minh). Cuối cùng là anh Nguyễn Lê Hưng, “đầu tầu” của cả nhóm (SN 1984, cũng đến từ Hà Nội).
Hoàng Anh, Khánh Chi và Bảo Thư đều đang học năm cuối, chương trình thạc sĩ trường Kiến trúc quốc gia Paris Lavillette, quen nhau đã 5 năm. Gặp gỡ và tìm được sự hòa hợp với anh Hưng qua Hội KTS Việt Nam tại Pháp nên chúng mình đã thường xuyên trao đổi về kiến trúc cũng như hỗ trợ nhau trong học tập.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên 4 người cùng làm việc với tư cách một nhóm chung.
Tại cuộc thi cấp quốc tế này, các đồ án phải chú trọng, thỏa mãn những tiêu chí nào để có thể “lọt mắt xanh” BGK?
Đây là một cuộc thi ý tưởng nên theo mình, tiêu chí quan trọng nhất là tính sáng tạo và hướng về tương lai. Ngoài ra, tính khả thi có thể là điểm cộng tạo ra sự khác biệt cho đồ án.
Vậy theo bạn, đâu là điểm cộng lớn nhất của đồ án Plastique 2.0?
Đồ án bắt đầu từ một cỗ máy thu gom rác nhựa trôi nổi trên biển tự động bằng năng lượng ánh sáng mặt trời. Cỗ máy này sẽ gom nhựa tái chế lại thành những module hình lục giác. Các module này có thể chế tạo thành 4 loại khác nhau. Và 4 loại này kết hợp tạo thành hòn đảo nổi với đầy đủ nước ngọt và hệ sinh thái.
Gần như toàn bộ các nghiên cứu và lập luận của nhóm đều dựa trên những kiến thức rất cơ bản. Các bạn có thể thấy những kiến thức này đều nằm trong sách giáo khoa cấp 2 của Việt Nam (lực đẩy archimède, công thức tính thể tích, hệ sinh thái, mô hình vườn, ao, chuồng, dòng hải lưu…).
Ngoài ra nhóm có tìm hiểu thêm về các công nghệ hiện nay trên internet (pin năng lượng mặt trời…). Nếu nghiên cứu sâu hơn với kĩ thuật hiện đại hoàn toàn có thể thực hiện đồ án này.
Hiện nay nhóm có sự liên lạc trao đổi, tìm cơ hội hợp tác để tiếp tục nghiên cứu từ một số tổ chức khoa học và cá nhân. Bên cạnh đó, BTC cuộc thi, Fondation Jacques Rougerie, Institut de France cũng sẵn lòng giúp đỡ nhóm trong việc phát triển, quảng bá và hiện thực hóa Plastique 2.0
Đâu là khó khăn lớn nhất của nhóm Grey Rose khi tham gia cuộc thi?
Giải một bài toán mà không có đề bài chính là điểm khó khăn nhất của chúng mình và cũng là điểm mấu chốt nhất của những cuộc thi sáng tạo.
Với một đề bài rất mở như vậy thì câu hỏi lớn không phải là làm thế nào mà là chúng ta muốn đem lại điều gì, giải quyết vấn đề gì. Chúng mình nghĩ khi tìm được một đề bài thuyết phục thì có nghĩa là đã chạm được vào cánh cửa của thành công.
Về mặt thực tiễn, trở ngại lớn nhất của nhóm có lẽ là việc sắp xếp thời gian. Ai cũng có công việc riêng nên việc gặp gỡ và làm việc cùng nhau liên tục trong nhiều tuần liền không hề đơn giản. Bên cạnh đó, sự hạn chế về không gian làm việc và trang thiết bị cũng là một vấn đề đau đầu, nhất là công cụ làm video 3D trình chiếu trong đêm trao giải.
Với con số lên đến 1.700 đồ án dự thi đến từ nhiều quốc gia, nhóm Grey Rose có cảm thấy lo ngại về cơ hội đoạt giải của Plastique 2.0?
Ban đầu không biết là có bao nhiêu bài dự thi nên phương châm của nhóm là phải vượt qua chính mình.
Về đồ án, Grey Rose cho rằng Plastique 2.0 vượt lên các nhóm khác có lẽ tập hợp của nhiều yếu tố:
Trước tiên, đồ án trả lời không chỉ cho vấn đề mực nước biển dâng kéo theo hệ lụy mất diện tích đất mà còn cho vấn đề rác thải nhựa không được xử lí, trôi nổi trên biển. Đây là những hệ quả vừa nghiêm trọng, cấp bách nhưng lại không được nhìn nhận đúng mức.
Nhóm đã khai thác được mặt lợi của một vấn đề gây hại, đó là tính năng ưu việt của rác thải nhựa dưới dạng một vật liệu. Giải pháp cho vấn đề thứ hai lại đồng thời đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề thứ nhất. Chúng mình nghĩ rằng chính việc tìm kiếm ưu điểm của nhược điểm được hội đồng chấm thi đánh giá cao.
Thứ hai, nhóm đã cố gắng thúc đẩy đồ án đi đến tận cùng, tìm đáp án cho mọi câu hỏi có thể đặt ra, luôn xem xét và lập luận để có một bài làm chặt chẽ từ đầu đến cuối trong khả năng và theo quan điểm của mình.
Đây là lúc mà phương thức làm việc theo nhóm giúp bọn mình thể hiện đúng và đầy đủ ý tưởng mà nhóm muốn truyền đạt.
Các nhóm tác giả đoạt giải ở các hạng mục cuộc thi chụp ảnh lưu niệm với BTC quỹ Jacques Rougerie. (3 thành viên nhóm Grey Rose là Hoàng Anh, Khánh Chi và Bảo Thư ở hàng ngồi, “đầu tầu” Lê Hưng thứ 4 từ phải sang ở hàng đứng).
Ý tưởng đồ án này nếu được áp dụng hoàn toàn hữu ích với đất nước giáp biển như Việt Nam. Vậy các bạn có dự định sẽ trở lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu và cống hiến không?
Mình cho rằng môi trường làm việc ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho mỗi người phát triển nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải có nhiều kĩ năng và kiến thức rộng hơn so với kiến thức chuyên môn.
Tất nhiên ở đâu cũng có những mặt tốt và hạn chế riêng. Mình nghĩ Việt Nam sẽ là môi trường tuyệt vời cho những ai biết nhìn nhận và khai thác những mặt tốt của nó.
Với những sự kiện gần đây, nhóm mình hiện đang có một số đề nghị cộng tác làm việc từ nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc học tập nghiên cứu của các thành viên chưa hoàn thành nên một kế hoạch đảm bảo cho cả nhóm là chưa thể xác định.
Nhưng có một điều mà nhóm chắc chắn: dù công việc hay kế hoạch như thế nào đi nữa thì vẫn luôn hướng về Việt Nam và hy vọng cống hiến cho đất nước trong khả năng của mình.
Cảm ơn Hoàng Anh về những chia sẻ thú vị này. Chúc bạn và nhóm Grey Rose tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!
Hoài Thư