Ngồi trên xe lăn, mười ngón tay chỉ còn một ngón cái cử động được. Nhưng ít ai ngờ rằng, chính những ngày điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng những bức tranh của Nguyễn Tấn Hiền (30 tuổi, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) đã ra đời bằng nghị lực phi thường.
Một tai nạn đau lòng
Đêm đó (cách đây 6 năm) cũng như bao đêm khác, đang trên đường từ trường về, trong đầu Hiền đang nghĩ những dự định cho ngày mai. Đột nhiên, có hai chiếc xe ô tô đi ngược chiều tranh nhau vượt ép sát anh ngã xuống hố ga lúc nào không biết. Tỉnh dậy thấy mình đã nằm trong bệnh viện. “Tai nạn xảy ra nhanh quá, mình không kịp có phản xạ gì cả”, Hiền cho biết.
Nguyễn Tấn Hiền, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trên mảnh đất Tây Nguyên khô cằn đầy nắng gió. Bố Hiền mất sớm, mẹ Hiền một mình nuôi sáu đứa con. Tuổi thơ của Hiền là những ngày lam lũ ngoài đồng đến tối mịt mới về. Tốt nghiệp THPT, Hiền hăng hái lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự của một thanh niên.
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh thực hiện ước mơ mà bấy lâu anh từng ấp ủ: Ttrở thành giáo viên dạy toán.Vì thế Hiền đã thi vào trường cao đẳng sư phạm Đăk Lăk.
Những tháng ngày đẹp đẽ của một sinh viên chưa được bao lâu thì tai nạn đau lòng ập đến với anh, khi đó Hiền đang là sinh viên năm thứ nhất. Hiền được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện chợ Rẫy, rồi chuyển về bệnh viện tỉnh điều trị 3 tháng, cũng từ đó Hiền sống đời “thực vật”. Vì không có tiền để tiếp tục điều trị nên Hiền đành về nhà ở vậy mấy năm trời.
Năm 2006, gia đình anh đưa anh ra Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Sau một thời gian tập luyện, Hiền đã có thể sinh hoạt độc lập tối thiểu và có thể tự di chuyển được bằng xe lăn. Sống ở một nơi có nhiều mảnh đời bất hạnh như mình, tinh thần Hiền phấn chấn và yêu đời hẳn lên.
Ở đây, hàng ngày Hiền được các bác sĩ cho tập luyện. Hai chân còn cảm giác nhưng cũng không thể đi được, mười ngón tay duy chỉ ngón cái có thể cử động.
Xác định suốt đời này chỉ ngồi xe lăn thôi nhưng nghị lực của một người lính không cho anh gục ngã. Không nản chí, Hiền quyết học vẽ tranh. Chính những ngày tháng điều trị tại bệnh viên này, trên chiếc xe lăn, những tác phẩm nghệ thuật của Hiền đã ra đời.
Chính những ngày điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng những bức tranh của Nguyễn Tấn Hiền đã ra đời bằng nghị lực phi thường. (Ảnh: Khánh Hồng) |
…và những bức tranh đẹp
Khi tôi đến, Hiền đang cặm cụi hoàn thành bức tranh phố cổ Hội An. Từng nét bút được di chuyển khó khăn nhưng cũng không kém phần uyển chuyển. Phố cổ Hội An dần dần hiện ra càng rõ và đầy đủ hơn dưới ngòi bút của Hiền…Anh mỉm cười vì thêm một bức tranh nữa sắp hoàn thành. “Mỗi lần hoàn thành một bức tranh mình rất vui vì mình đã làm thêm được một việc”, Hiền tâm sự.
Việc Hiền trở thành họa sĩ như một cái duyên. Tưởng rằng cuộc đời Hiền chỉ ngồi trên xe lăn không thể làm được gì. Thế nhưng giữa năm 2007, khi anh ở cùng phòng với Phương, sinh viên kiến trúc năm thứ 2 bị u tuỷ cổ, cũng liệt tứ chi. Phương vẽ đẹp và có nhiều kiến thức về vẽ nên đã truyền dạy cho Hiền những nét bút đầu tiên. Ban đầu Hiền vẽ bằng bút chì, sau những ngày vật lộn, bức tranh với đề tài “Khắc khổ” của Hiền cũng hoàn thành.
Anh có ý định xin học ở một trường mỹ thuật để phát triển tài năng nhưng không được chấp nhận vì lí do không có đủ điều kiện cho người khuyết tật học. Điều đó càng làm anh quyết tâm hơn, tự mua sách về học phát triển qua các lĩnh vực sâu hơn như tranh vải, tranh màu nước, tranh sơn dầu… Tranh của Hiền chưa đạt đến sự sắc sảo nhưng rất có hồn.
Trong chuyến tình nguyện tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, bà Virgnia Lockett, một chuyên viên tình nguyện người Mỹ đã cảm phục nghị lực của chàng hoạ sĩ tật nguyền và giới thiệu tranh của anh tại Galary Keachingout (Nguyễn Thái Học, TP Hội An) và Galary Bạch Mai (Trưng Vương, TP Đà Nẵng).
Tranh của Nguyễn Tấn Hiền
Ngoài ra, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, anh hoàn thiện trang web www.artistonwheels.com để giới thiệu tranh đồng thời là diễn đàn chia sẻ, tâm tư của những người khuyết tật. “Hãy thắp lên niềm tin” là thông điệp mà Hiền muốn gửi gắm đến những người khuyết tật trên trang web của mình. Đó cũng là thông điệp anh muốn gửi đến chính mình.
Khánh Hồng