Hẹn gặp Thắng trong một buổi chiều đầu hạ, ấn tượng đầu tiên của tôi về cậu là một chàng trai sôi nổi, vui vẻ, cởi mở và còn rất trẻ con nữa.
Thắng kể, mỗi khi nhìn cậu xoay tròn trong vũ điệu ba lê hay thực hiện nhuần nhuyễn những cú lắc hông, uốn dẻo tại lớp múa bụng… không ít kẻ độc mồm gọi cậu là “thằng 8 vía”, “xăng pha nhớt”, gay…hoặc nếu không cũng ném về phía cậu cái nhìn không mấy thiện cảm.
“Ban đầu em cũng buồn lắm, nhưng sau cũng… kệ. Cuộc sống là của mình không ai có thể sống thay mình được. Theo đuổi đam mê, làm được những điều mình thích, được sống với những gì mình muốn… với em đó thực sự là một niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời”, Thắng tâm sự.
Từ vỏ ốc cô đơn…
Nhìn vẻ bề ngoài vui vẻ và sôi nổi của Thắng, ít ai biết rằng chàng trai sinh năm 1989 này có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Mẹ Thắng mất từ năm cậu mới lên 7 và bố cậu cũng mất sức lao động phải nằm nhà sau đó 1, 2 năm.
Sống dưới sự đùm bọc của ông bà nhưng tuổi thơ thiếu đi sự yêu thương của mẹ khiến Thắng luôn chui vào vỏ ốc cô đơn. Ít tâm sự, ít bày tỏ quan điểm của mình, Thắng đã sống như những gì ông bà và chú vẽ ra. Cậu cũng trở thành sinh viên ĐH FPT như thế.
Cố gắng học giỏi, kiếm lấy một cái bằng ĐH, ra trường, làm công ăn lương… đấy là con đường “an toàn” Thắng được định hướng. Nhưng ngay cả khi đã trở thành sinh viên năm thứ 2, thứ 3 cậu vẫn luôn trăn trở với những câu hỏi: “Mình là ai?”, “Mình thực sự muốn gì?”, “Nghề kỹ sư phần mềm có thực sự phù hợp với mình không?”…
Đến năm thứ 3, sau khóa thực tập 8 tháng thì Thắng đã thực sự tìm được câu trả lời. “Sau khi thực tập em mới thực sự thấy rằng, nghề CNTT không phù hợp với em. Nó không đánh thức được tiềm năng của em và em cũng không yêu thích để theo đuổi và coi nó như cuộc sống của mình”, Thắng bộc bạch.
Những bước nhảy làm thay đổi tâm hồn
Thắng kể, cậu bén duyên với Hiphop dance trong một cuộc thi hùng biện ở trường, sau đó đã trở thành chủ tịch CLB Đại học FPT, lên tới hơn 80 thành viên. Cậu cũng từng đoạt giải Nhất cá nhân nhiều cuộc thi nhảy danh tiếng, mới đây nhất là cuộc thi Just dance 2011.
Nhưng càng đi sâu vào Hiphop cậu nhận ra những bước nhảy này thiếu đi sự mềm dẻo và chỉ tập trung ở một số bộ phận cơ thể như: chân, tay và lưng. Vì thế, Thắng đi tìm học lớp múa ba lê với mong muốn nhờ kỹ thuật và sự dẻo dai sẽ giúp các động tác dễ dàng và sắc nét hơn, cơ thể được giải phóng hơn.
Vất vả lắm mới xin theo học được lớp ba lê ở trường CĐ Múa Hà Nội. Thắng trở thành thành viên nam và lớn tuổi nhất trong lớp học với toàn bé gái 4 – 5 tuổi. Nhưng cậu vẫn cảm thấy “thiêu thiếu” một cái gì đó trong những bước nhảy, cậu quyết tâm tìm một lớp múa bụng để thỏa mãn đam mê của mình.
Lại một quá trình vất vả để “tầm sư” cho môn nghệ thuật vốn dành cho phái yếu này. Cuối cùng, Thắng cũng thuyết phục được giáo viên lớp múa bụng tại CĐ Múa để trở thành thành viên nam duy nhất “nổi tiếng nhất” của lớp học này.
“Những bước nhảy của Hiphop thể hiện sự linh hoạt, khỏe và dẻo dai nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở phần chân tay và lưng. Ba lê thì giúp các động tác mềm dẻo và sắc nét hơn còn múa bụng giúp em cảm nhận rõ cơ thể mình với những chuyển động ở ngực, hông và eo…
Mỗi một môn nghệ thuật lại có những ưu điểm khác nhau. Khi phối hợp chúng lại em cảm thấy hiểu toàn diện hơn về cơ thể mình. Tất cả phần cơ thể như được mở căng hết cỡ, giải phóng hết cỡ. Cứ mỗi khi âm nhạc cất lên là em như bị thôi miên, cơ thể tự chuyển động, những bước nhảy cứ thế uyển chuyển. Bao nhiêu muộn phiền chợt tan biến…”, Thắng kể.
Hiện nay, Thắng trở thành con người bận rộn với một lịch trình dày đặc: các buổi lên lớp trên giảng đường ĐH, 2 buổi học múa bụng và múa ba lê. Cậu cũng đảm nhận vai trò là một giáo viên tại Wadam Studio trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ngoài ra, Thắng còn nhận dàn dựng kịch, dạy nhảy cho các chương trình văn nghệ tại một số công ty…
Lao động không mệt mỏi để chứng tỏ mình có thể đứng vững trên con đường lựa chọn. Nhưng mục đích chính là Thắng muốn kiếm thêm thu nhập để gom tiền cho ước mơ sang nước ngoài học nhảy để mở mang kiến thức, “dọn đường” cho con đường nghệ thuật mà cậu sẽ theo đuổi sau này.
Theo Lê Trang
BĐVN