Cậu là Nguyễn Đặng Việt Anh – người được 5 trường đại học danh giá của Mỹ đồng ý trao học bổng.
Lần đầu tiên tôi gặp Việt Anh là khi cậu đem 1,2 triệu đồng – toàn bộ số tiền thưởng giải nhất phần mềm sáng tạo trong cuộc thi tin học không chuyên của ngành bưu chính viễn thông – để đóng góp xây dựng bệnh viện mang tên liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm. “Cháu là cháu của bác Thuỳ…” – cậu nói nhỏ nhẹ với vẻ mặt bẽn lẽn.
Gần một năm sau, Việt Anh trông chững chạc hẳn. Thật kinh ngạc, cậu đã trở thành đại diện cho sinh viên Việt Nam ở MIT – Học viện Công nghệ Massachusett (Mỹ) – trường đại học danh tiếng nhất thế giới về công nghệ với thành tích 61 giải Nobel đã được trao cho thành viên hoặc cựu thành viên của trường.
Chỉ cần được nhận vào MIT đã là một vinh dự, chưa kể Việt Anh còn được trao học bổng toàn phần 45.000USD/năm. Không biết có bao nhiêu sinh viên Việt Nam theo học đại học ở MIT, nhưng có lẽ con số đó không vượt quá số ngón tay trên một bàn tay.
17 tuổi, Việt Anh lên đường sang Mỹ học lớp 12 theo một chương trình trao đổi văn hoá. Để có được học bổng này, cậu lớp trưởng lớp chuyên tin của Trường THPT Hà Nội – Amsterdam đã tích luỹ bằng thành tích 6 năm liền đoạt giải quốc gia tin học không chuyên, trong đó có năm được liền hai giải nhất, được nhận Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo từ năm lớp 8 phổ thông.
Mười tháng học lớp 12 ở Mỹ, cậu học trò Việt Nam làm được những điều thật đáng nể: Đạt điểm tuyệt đối (A+) trong tất cả các môn học, điểm tuyệt đối 2400/2400 trong kỳ thi SAT II (kỳ thi sát hạch kiến thức ba môn cơ bản là vật lý, toán I và toán II để lấy cơ sở xét vào đại học), lọt vào danh sách danh dự Who’s Who của học sinh toàn nước Mỹ…
Không chỉ thế, trong thời gian ngắn ngủi ấy, Việt Anh còn kịp ẵm ba giải quốc tế quan trọng: Giải Đặc biệt của cuộc thi quốc tế Pirelly về thiết kế sản phẩm điện tử truyền thông hay nhất về thuyết tương đối dành cho người không chuyên; giải Vàng vòng đấu vùng Las Vegas trong cuộc thi robotcom đa quốc gia First, giải Đặc biệt về thiết kế phần mềm cho robot. Và gần đây nhất, nhóm bạn đa quốc gia của Việt Anh đã vượt qua 700 đội từ nhiều nước để giành giải nhất cuộc thi thiết kế phần mềm quốc tế ThinkQuest dành cho học sinh dưới 19 tuổi.
Các thành tích trên là những viên gạch vững chắc để Việt Anh tự tin nộp đơn vào những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. Năm trường đại học top trên của Mỹ đã đồng ý trao học bổng cho cậu bé Việt Nam nhỏ nhắn này. Nhưng Việt Anh đã đặt quyết tâm phải vào được MIT.
“Em hiểu đó là thách thức rất lớn. Nhưng em đã quyết tâm học tập thật tốt để sau này đóng góp được chút gì cho tổ quốc. May quá – cậu cười – em được nhận học bổng toàn phần. Đây cũng là món quà em dành cho bà ngoại, vì bà đã chăm chút em từ bé và luôn theo dõi những bước tiến của em”.
Về Việt Nam nghỉ hè năm nay, Việt Anh đã tham gia tổ chức hội thảo “Chuyền đuốc” (http://www.vietabroader.org) cuối tháng 6 vừa qua – cuộc hội thảo do các sinh viên Việt Nam đã và đang du học ở Mỹ tự góp nhau tổ chức để phổ biến kinh nghiệm của mình cho các bạn đang có ý định du học ở Mỹ.
Điều quan trọng nhất ở hội thảo mà Việt Anh muốn nói với các bạn là, ngoài đạt điểm học văn hoá tốt thì những hoạt động tập thể bao giờ cũng khiến bạn giành được cảm tình của ban xét tuyển của các trường đại học.
Việt Anh hẳn sẽ còn tiếp tục đem đến cho bạn bè quốc tế một hình ảnh đẹp về học sinh Việt Nam, như lời ông Joseph Barry – thầy chủ nhiệm bộ môn Khoa học ở trường Cimarron – viết trong thư giới thiệu gửi các trường đại học: “Trong 28 năm dạy học, tôi chưa bao giờ gặp một sinh viên ngoan ngoãn và nhiều năng lực hơn Việt Anh. Đối với tôi, học hỏi từ các học sinh của mình bao giờ cũng là một niềm vui, và Việt Anh đã dạy tôi về giá trị của lòng dũng cảm, về tính khiêm tốn và về một đầu óc cởi mở…”.
Theo Ngọc PhươngLao Động