P.X.Q. (SN 1992) là con út trong một gia đình nhà nông tại xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An. Cũng vì con út, nên ngay từ nhỏ Q. đã được yêu thương và tạo mọi điều kiện trong cuộc sống cũng như học tập.
Không phụ tấm lòng mọi người, suốt những năm còn là học sinh từ cấp 1 đến cấp 3, Q. luôn luôn đạt thành tích cao, đứng tốp đầu của lớp.
Khi nhận xét về Q., cô Nguyễn Thị H. – GV chủ nhiệm lớp Q. thời cấp 3 cho biết: “Q.vốn là lớp trưởng gương mẫu, chăm ngoan, học giỏi. Q.sống rất hòa đồng, luôn được thầy cô và các bạn yêu mến, tin tưởng. Tôi cũng đặt niềm tin và hi vọng rất nhiều ở em ấy…”.
Mọi nỗ lực của Q. đã được đáp trả bằng giấy báo đỗ vào trường đại học Vinh. Và cũng từ đây, cuộc đời Q. bắt đầu rẽ sang chuỗi ngày hoàn toàn khác.
Bước vào cuộc đời sinh viên, sống xa gia đình, xa vòng tay bao bọc của cha mẹ, Q. lạc mình trong những cám dỗ, lời mời gọi, rủ rê của bạn bè nơi phố thị đông vui. Trong khi đó, bố mẹ, người thân thì tin tưởng vào con mình nên luôn đáp ứng những yêu cầu của Q. mà chẳng hề mảy may nghi ngờ.
Càng ngày, lực học của Q. càng tụt dốc nghiêm trọng và thường xuyên nghỉ học không có lý do. Nhiều lần Q.vắng học không lý do, lớp trưởng đã gọi điện thông báo cho gia đình.
Bác P.X.L (bố Q.) kể lại: “Tôi đã điếng người khi nghe tin Q. thiếu những 5 môn, lại nghỉ học thường xuyên trong khi nó liên tục xin cha mẹ tiền học thêm. Trong lần về nhà gần đây nhất, nó cũng có những biểu hiện rất khác lạ, lầm lỳ, cộc cằn rất đáng sợ…”.
Không ít bạn trẻ sa đà vào game mà hủy hoại sức khỏe, thời gian chính mình. (Ảnh mang tính minh họa)
Lo sợ trước tình trạng bỗng dưng bản tính của con thay đổi đột ngột, bước vào đầu năm học thứ 3 của Q., gia đình đã quyết định cho tạm nghỉ 1 năm về để gia đình theo dõi tình hình.
Mẹ của Q., bà Võ Thị H. cho biết: “Về với gia đình nhưng nó vẫn chẳng chịu giao tiếp với ai, kể cả cha mẹ, cứ lầm lũi như người trầm cảm. Hàng ngày, nó cứ vào các quán internet để chơi game.
Có những hôm không về ăn cơm, tìm đến thấy nó đang say sưa chơi game trong quán. Càng ngày càng thấy nó có những biểu hiện bất thường như: cứ thích nói lảm nhảm một mình, đi lang thang hoặc đánh người…”.
“Gia đình tôi lo lắng và đưa cháu đi khám. Qua quá trình thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu có vấn đề về thần kinh và giới thiệu ra bệnh viện Bạch Mai. Gia đình chạy vạy, vay tiền đưa cháu đi Hà Nội điều trị. Các bác sĩ ở Hà Nội kết luận cháu bị như vậy là do nghiện game, sống ảo.
Thế là gia đình tôi phải để cháu ở lại Hà Nội điều trị hàng tháng trời ròng rã nhưng bệnh tình của cháu cũng không khá lên được là bao. Thậm thí, thời gian gần đây, bệnh tình của Q.ngày càng trở nên nặng thêm”, bà Võ Thị H. tâm sự với chúng tôi trong nước mắt.
Giờ đây nhìn Q. thật đau lòng với thân hình gầy gò, đầu tóc bù xù, cứ đi lang thang rồi gây gổ, miệng lúc nào cũng cứ lảm nhảm về các game thủ, mọi người chẳng ai dám lại gần cậu ấy. Rồi tương lai, hi vọng của chàng trai trẻ chưa kịp bùng lên đã bị dập tắt bởi chính bản thân không thể chiến thắng chính mình.
Đó giống như là một thước phim quay chậm về tác hại của game, là lời cảnh tỉnh mọi người nói chung và giới trẻ nói riêng.
Phan Quỳnh