CEO trẻ ngành CNTT chia sẻ bí quyết xin việc với sinh viên

Tác giả: coaynoi
Đăng ngày: 28/07/2013
Lần cập nhập cuối: 31/12/2020

Ngày 27/7, Trường ĐH FPT tổ chức Ngày hội việc làm dành cho sinh viên với hàng trăm vị trí tuyển dụng khác nhau. Chương trình có sự góp mặt của các CEO 16 doanh nghiệp CNTT uy tín tại Việt Nam.

 

Ngày hội việc làm đã mang đến cho sinh viên ngành CNTT gần 400 cơ hội việc làm đúng chuyên môn. Những bàn tuyển dụng của các công ty được bố trí khắp tầng 1 của trường, tạo điều kiện để mỗi sinh viên đều có cơ hội được phỏng vấn với những nhà tuyển dụng mình quan tâm.

 
Không ít bạn có được việc ngay trong buổi gặp gỡ này.
 

Tại ngày hội này, các bạn sinh viên cũng được trò chuyện trực tiếp với nhà tuyển dụng để hiểu rõ hơn về yêu cầu công việc hay đặc thù công ty. Không ít sinh viên đã được các nhà tuyển dụng để mắt tới ngay từ vòng nộp hồ sơ và dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn để thử sức với vị trí công việc mình mong muốn.

 

Nói về xu hướng phát triển ngành CNTT trong tương lai và nhu cầu của nhà tuyển dụng, anh Hoàng Mạnh Hà, Phó giám đốc FSU1, FPT Software chia sẻ: “Trong thời buổi kinh tế khó khăn thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải xem lại bộ máy hoạt động của mình, đánh giá những vị trí làm tốt, chưa tốt, cái gì cần thay thế, bỏ đi… Nhưng khủng hoảng cũng chính là cơ hội rất tốt dành cho các bạn, bởi vì những người thực sự có khả năng và nhiệt huyết sẽ được trọng dụng”.

 

Trước những có hội mà nhà tuyển dụng đưa ra, nhiều sinh viên tỏ ra e ngại vì có khả năng nhưng lại chưa có kỹ năng thể hiện bản thân qua CV, phỏng vấn trực tiếp.

 
Quản lý các công ty ngành CNTT chia sẻ kinh nghiệm xin việc cho bạn trẻ.
 

Là người có kinh nghiệm trong chuyện phỏng vấn ứng viên xin việc, anh Trần Quang Trung, Quản lý dự án cao cấp, công ty Smart OSC mách nhỏ các bạn trẻ: “Khi đi xin việc, bạn phải đánh giá được bản thân mình, xem mình có gì tốt, xấu, hiểu được nhu cầu của nhà tuyển dụng, mức lương mà bạn có thể có và dự đoán các câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể đưa ra. Như vậy là bạn đã hơn hẳn các đối thủ không có sự chuẩn bị từ trước”.

 

Nhóm sinh viên Nguyễn Mạnh Thắng, Hoàng Thị Hải Yến, Nguyễn Minh Trí là những người đã từng có trên 3 lần kinh nghiệm dự phỏng vấn xin việc chia sẻ: “Chúng mình tin rằng, với tác phong công nghiệp, sự tự tin, tính sáng tạo khi trả lời nhưng vẫn giữ được thái độ thật thà và thành thạo một loại ngoại ngữ nào đó, bạn gần như nắm chắc cơ hội được tuyển trong tay”.

 

Theo các chuyên gia, các bạn trẻ xin việc có khả năng nhưng không biết thể hiện điều đó qua phỏng vấn hay CV.

 

Về việc chuẩn bị CV sao cho ấn tượng với nhà tuyển dụng, chị Trần Thị Minh Hoà, trưởng phòng nhân sự Smart OSC cho biết: “Có một thực tế là các bạn sinh viên mới ra trường viết CV rất ngây thơ.

 

Các bạn chỉ nêu ra các gạch đầu dòng như thế không gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Điều quan trọng với chúng tôi là bạn phải cho chúng tôi thấy tương lai của bạn cùng với chúng tôi. 3 – 5 năm nữa bạn sẽ là ai, làm được những gì”.

 

“Ứng viên cần tìm hiểu kỹ công ty mình muốn vào làm, điều chỉnh CV cho hợp với công ty đó. Ví dụ như bạn định làm về Java thì nên nhấn mạnh sự nổi trội của mình ở lĩnh vực này, đó mới là điểm mấu chốt chứ không phải liệt kê ra những việc bạn đã làm được trong đời”, chị Quách Liễu Hoàn, Giám đốc nguồn nhân lực FSU11, Fsoft khuyên.

 

Qua rất nhiều những lời khuyên bổ ích của các chuyên gia tuyển dụng, CEO của những công ty CNTT có uy tín hiện nay, các bạn trẻ đã tìm thấy thông tin bổ ích cho cá nhân mình, tự tin để bước vào quy trình tuyển dụng sau 4 năm học đại học.

 

Mai Châm

Exit mobile version